Thảm kịch người tị nạn châu Á

Ngày 15/05/2015 08:07 AM (GMT+7)

Thái Lan, Malaysia, Indonesia kiên quyết không đón tàu chở người tị nạn.

Chiều 14-5, một con tàu chở khoảng 300 người Myanmar thuộc sắc tộc Rohingya đã trôi dạt cách đảo Koh Lipe (miền Nam Thái Lan) khoảng 17 km. Trong số này có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Những người trên tàu liên tục kêu cứu khi thấy các phóng viên AFP đến hiện trường.

Một người đã gào lên bằng tiếng Rohingya: “Có khoảng 10 người chết trong chuyến đi. Chúng tôi đã ném xác xuống biển rồi”. Người này nói tiếp: “Chúng tôi ở ngoài biển hai tháng nay. Chúng tôi muốn đến Malaysia nhưng không tới được”.

Trên tàu, một lá cờ đen đã được treo lên có ghi vài chữ viết vội bằng tiếng Anh: “Chúng tôi là người Rohingya ở Myanmar”.

Một tấm bạt lớn được căng ra trên tàu để che nắng. Hầu hết người tị nạn đều gầy yếu.

Một phụ nữ tên Sajida 27 tuổi kể: “Chúng tôi không ăn gì từ một tuần nay. Không có cả chỗ ngủ. Các con tôi ngã bệnh hết rồi”.

Thảm kịch người tị nạn châu Á - 1

Tàu chở người tị nạn trôi dạt gần bờ biển Thái Lan ngày 14-5. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Thái Lan đã không cho tàu cập bờ. Tướng Puthichart Ekachant chỉ huy cảnh sát địa phương: “Chúng tôi từ chối cho họ vào đất nước chúng tôi nhưng chúng tôi đã cấp cho họ thực phẩm và nước vì nghĩa vụ nhân đạo”.

Hải quân Thái Lan biện bạch Thái Lan không đẩy đuổi tàu mà những người tị nạn không muốn vào Thái Lan vì chỉ muốn đến Malaysia hay Indonesia.

Không riêng gì châu Âu đối phó với làn sóng người nhập cư châu Phi liều lĩnh vượt Địa Trung Hải, làn sóng người tị nạn ồ ạt sang Đông Nam Á đã bắt đầu bùng nổ trong mấy tuần qua.

Trong những ngày qua, gần 2.000 người đã đến bờ biển Malaysia và Indonesia.

Phần lớn là người sắc tộc Rohingya.

Lo ngại thuyền nhân tị nạn, Malaysia và Indonesia đã quyết định đẩy đuổi tất cả tàu chở người tị nạn ra biển. AFP ghi nhận với biện pháp này, vô hình trung tàu chở người tị nạn đã trở thành nhà tù nổi trên biển.

Các tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi chính phủ các nước Đông Nam Á nên khẩn cấp mở chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn thay vì đẩy đuổi tàu.

Lâu nay mỗi năm bọn đưa người đã đưa người tị nạn từ Bangladesh và Myanmar qua miền Nam Thái Lan để đến Malaysia hoặc đi tiếp.

Một số tên đã mở lán trại giữa rừng giam giữ người tị nạn để đòi tiền chuộc.

Mới đây, sau khi phát hiện các mộ tập thể chôn người tị nạn giữa rừng, Thái Lan đã mở chiến dịch trấn áp bọn đưa người qua biên giới.

Bọn đưa người bèn tìm đường khác, cho tàu đi cập bờ biển Thái Lan để đưa trực tiếp đến Malaysia. Có khi nhận tiền xong chúng bỏ trốn và cho tàu thả trôi trên biển.

Mỹ đã hối thúc các nước Đông Nam Á hành động ngay vì lo ngại sinh mạng những người tị nạn bị bỏ rơi trên biển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeffrey Rathke cho biết Mỹ đang làm việc với Cao ủy LHQ về người tị nạn, Tổ chức Di dân Quốc tế và các chính phủ ở Đông Nam Á để tìm cách quản lý vấn nạn người tị nạn.

Thái Lan thông báo ngày 29-5 tới sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bangkok cùng 15 nước để bàn cách giải quyết làn sóng người tị nạn. Trong số này có Úc, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar, Bangladesh, Mỹ và Việt Nam.

Malaysia đã lặp đi lặp lại không chấp nhận người tị nạn nào đến từ biển, trừ nguy cơ bị chìm tàu. Ngày 14-5, hải quân Malaysia cho biết đêm hôm trước đã chặn con tàu chở khoảng 600 người giữa các đảo Penang và Langkawi, sau đó đã trục xuất ra biển. Hôm trước đó, hải quân Indonesia đã kéo một tàu chở 400 người tị nạn ra khơi.

25.000 người sắc tộc Rohingya và Bangladesh đã xuống tàu ra đi tị nạn qua trung gian của bọn đưa người trong ba tháng đầu năm nay, tăng gần gấp đôi so với năm 2014.

CAO ỦY LHQ VỀ NGƯỜI TỊ NẠN

Thế giới sẽ phán xử các chính phủ (Thái Lan, Malaysia và Indonesia) về cách thức mà họ đối xử với những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương nhất.

Ông PHIL ROBERTSON, Phó Giám đốc tổ chức Human Rights Watch

Theo Hoàng Duy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot