Đến giờ, cái chết của "Đứa trẻ vô danh của nước Mỹ" vẫn còn là điều bí ẩn kể từ khi thi thể của cậu bé được tìm thấy trong thùng các tông trong một khu rừng ở Philadenphia năm 1957.
Thời bấy giờ, khu vực gần đường Susquehanna được sử dụng làm bãi đổ rác, nơi chất đầy rác và các thiết bị cũ. Hôm ấy, một sinh viên của ĐH La Salle (thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ) đi kiểm tra bẫy thỏ thì phát hiện ra chiếc hộp các tông. Ban đầu, anh nghĩ có một con búp bê thò ra từ chiếc hộp. Anh đã gọi cho cảnh sát và sĩ quan Elmer Palmer lái xe giữa trời mưa phùn đến tận nơi kiểm tra. Đó không phải một con búp bê mà là một thi thể người.
Đó là thi thể một bé trai được bọc trong chăn, đầu và vai thò ra khỏi hộp. Vào thời điểm phát hiện thi thể, cậu bé đã qua đời được vài ngày hoặc thậm chí là hai tuần. Thời tiết giá lạnh đã giúp bảo quản thi thể.
Chiếc hộp chứa thi thể cậu bé.
Cậu bé trong hộp khoảng 4-6 tuổi, có đôi mắt màu xanh. Thi thể không mặc quần áo được bọc trong chăn. Trong một tờ rơi do sở cảnh sát Philadelphia phân phát năm 1957, cậu bé được mô tả với những chi tiết đơn giản nhưng lạnh lùng.
Nguyên nhân cái chết được xác định là bị chấn thương do những cú đánh vào đầu, nhưng đó không phải toàn bộ câu chuyện. Thi thể cậu bé đầy những vết bầm tím và có dấu hiệu suy dinh dưỡng trầm trọng. Có một vết sẹo hình chữ L ở dưới cằm và vết sẹo phẫu thuật ở mắt cá chân, vùng háng. Tóc nạn nhân bị cắt một cách khó hiểu, có lẽ là sau khi chết bởi vẫn còn những sợi tóc bám trên thi thể.
"Có những vết bầm tím trên khắp cơ thể", ông Bill Bass nói với tờ Philadelphia City Paper. Thời điểm đó, ông Bill là nghiên cứu sinh tại bang Pennsylvania và sau này trở thành một chuyên gia hàng đầu về nhân chủng học pháp y tại ĐH Tennessee. "Tôi luôn tự hỏi tại sao người ta có thể làm vậy với người khác, với một đứa trẻ nhỏ như vậy. Thật không thể tưởng tượng được", ông nói. Mặc dù ông Bill đã thấy hơn 2.500 vụ án trong sự nghiệp hơn 50 năm của mình nhưng ông vẫn luôn ám ảnh về cậu bé vô danh trong hộp.
Chân dung cậu bé được phác họa.
Cảnh sát tìm thấy thi thể vào ngày 26/2/1957. Họ cho rằng vụ việc sẽ được giải quyết trong tuần tiếp theo. "Lúc đầu, chúng tôi nghĩ gia đình cậu bé sẽ ra mặt, nói rằng cái chết của cậu bé là một tai nạn và đưa ra một lời giải thích nào đó. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngày ngày trôi qua và cậu bé vẫn không được xác định danh tính", chuyên gia về dấu vân tay William H. Kelly nói với tờ City Paper.
Khi vụ án kéo dài mà không bắt được nghi phạm, không có kết luận, 270 tân binh của học viện cảnh sát đã lùng sục khu rừng gần nơi thi thể được tìm thấy. Tờ The Philadelphia Inquirer đã tình nguyện in 400.000 tờ rơi có hình cậu bé và thảo luận chi tiết về hiện trường vụ án. Chúng được đăng trên toàn khu vực, kể cả trên hóa đơn gas của thành phố.
"Yêu cầu các công dân, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan phúc lợi và chăm sóc trẻ em cung cấp thông tin liên quan đến những cậu bé có thể bị giam giữ, lạm dụng hoặc biến mất, vắng mặt ở độ tuổi và có mô tả như thế này", tờ rơi khẩn khoản viết.
Những người có thông tin liên quan đến vụ án được khuyến khích đến báo với đơn vị điều tra án mạng bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, đến trực tiếp hoặc gọi điện. Cảnh sát thậm chí còn chụp ảnh các tư thế của cậu bé sao cho giống với người còn sống nhất và đi phân phát khắp nơi.
Hình ảnh cậu bé có mặt ở khắp nơi nhưng không có manh mối gì.
Tuy nhiên, nhiều tuần rồi nhiều tháng trôi qua vẫn không có câu trả lời. Các tân bình từng lùng sục hiện trường cũng rất tuyệt vọng. Họ đã tìm thấy một chiếc khăn trẻ em, một con mèo chết quấn trong áo len và một chiếc khăn tay màu trắng có thêu chữ G ở góc nhưng không có bất cứ manh mối tiềm năng nào cho vụ án.
Năm 1965, các nhà điều tra lưu ý rằng không có vết sẹo tiêm chủng trên thi thể. Họ cho rằng bố mẹ cậu bé có thể là người lang thang hoặc người nhập cư. Họ tìm thấy một bài báo về những người tị nạn Hungary và có một bức ảnh mà họ nghĩ có thể là cậu bé này.
Với sự giúp đỡ của Dịch vụ Nhập cư và Nhập tịch, họ đã điều tra hơn 11.000 bức ảnh hộ chiếu trước khi tìm thấy một cái phù hợp. Họ đã lần theo dấu vết gia đình này tới Bắc Carolina và tìm thấy cậu bé trong bức ảnh đang chơi trong sân. Vụ án lại rơi vào ngõ cụt. Hơn nửa thế kỷ sau, người ta vẫn không biết cậu bé trong thùng các tông là ai hay chuyện gì đã xảy ra với bé. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có giả thuyết nào được đưa ra.
Remington Bristow là một nhân viên tại văn phòng giám định y tế ở Philadelphia khi thi thể cậu bé vô danh được đưa tới. Trong nhiều năm, ông không ngừng theo đuổi vụ án này, kể cả khi nó đã trôi vào dĩ vãng. Vào năm 1960, ông Remington đã liên lạc với một nhà ngoại cảm ở New Jersey tên là Florence Sternfield. Người này nổi tiếng vì có thể nhận dạng một cá nhân bằng cách cầm một mảnh kim loại thuộc về họ. Sử dụng 2 chiếc ghim được tháo ra từ hộp các tông, Florence chỉ ông Remington đi về phía một nhà nuôi dưỡng cách nơi tìm thấy thi thể cậu bé khoảng hơn 4km. Khi điều tra ngôi nhà, Remington phát hiện ra chiếc nôi giống với cái in trên thùng các tông đựng thi thể cậu bé. Ông cũng phát hiện ra những chiếc chăn treo trên dây giống cái bọc thi thể cậu bé.
Chủ ngôi nhà là Arthur và Catherine Nicoletti. Họ sống với những đứa con nuôi và người con gái ruột đã trưởng thành của bà Catherine với chồng trước, Anna Marie Nagle. Trước khi phát hiện ra cậu bé trong hộp, Anna chỉ mới 20 tuổi đã có 4 đứa con ngoài giá thú. 3 trong số 4 đứa trẻ vẫn còn sống khi cảnh sát đến thẩm vấn gia đình. Đứa trẻ còn lại được báo cáo đã chết vì điện giật tại công viên giải trí năm 1955.
Cảnh sát xem xét hiện trường.
Trong những năm qua, ông Remington tin rằng cậu bé vô danh là người của gia đình Nicoletti. Ông tin cậu bé là một đứa con ngoài giá thú khác của Anna. Khi bà Catherine Nicoletti chết vài năm sau đó, ông Arthur đã kết hôn với con riêng của vợ cũ, chính là Anna. Có người còn suy đoán cậu bé trong hộp có thể là con đẻ bí mật của Arthur và Anna.
Tuy nhiên, dù đã dành nhiều năm điều tra, ông Remington vẫn không thể thu thập được những bằng chứng gián tiếp để hỗ trợ cho các nghi ngờ của mình. Ông qua đời năm 1993, tin rằng mình đã giải quyết được vụ án nhưng lại không thể chứng minh nó.
Vào năm 1998, một trung úy cảnh sát Philadelphia cùng với một số thành viên của Hội Vidocq (một nhóm phá án nghiệp dư tập hợp các cảnh sát đã nghỉ hưu) đã thẩm vấn Arthur Nicoletti và Anna. Khi đó, một thành viên của Hội Vidocq đã viết lên website, tuyên bố gia đình "đã được điều tra kỹ lưỡng và xóa tan mọi nghi ngờ liên quan đến tội ác này". Đồng thời, gia đình này sẽ không bị điều tra thêm nữa.
Đối với cựu chuyên gia vân tay William H. Kelly, cuộc điều tra cái chết của cậu bé vô danh trở thành một cuộc truy đuổi suốt đời. Cách đây không lâu, ông tìm được một nhân tố mới giúp giải quyết vụ án. Theo đó, ông biết đến một phụ nữ tên "Martha". Bà này chia sẻ với bác sĩ tâm lý của mình rằng bà đã có mặt khi cậu bé bị giết. Theo bà Martha, hung thủ chính là mẹ bà, một giáo viên ở thị trấn Lower Merion, Philadelphia. Martha nói rằng mẹ bà đã mua đứa trẻ vào mùa hè năm 1954. Sau nhiều năm bị lạm dụng về thể xác và tình dục từ bà mẹ, vào một buổi chiều, cậu bé nôn ói. Mẹ bà Martha đã ném cậu bé vào bồn tắm và đánh đập cho đến khi cậu không còn cử động. Thời điểm đó, bà Martha mới 13 tuổi, đã chứng kiến vụ giết người và giúp che đậy nó. Bà đã đi cùng mẹ đến bãi rác ở đường Susquehanna, bỏ thi thể vào chiếc thùng các tông đựng nôi ở đó.
Ông William và những người khác đã gặp bà Martha trong nỗ lực chứng thực câu chuyện và ông tin bà ta có thể đã nói sự thật. "Người phụ nữ này có một công việc tốt, là tiến sĩ và không có vẻ là kẻ điên rồ", ông William nói với tờ Philadelphia City Paper. Tuy nhiên, bà Martha lại có tiền sử về các vấn đề tâm thần và bà ấy không hoàn toàn sẵn lòng kể tất cả chi tiết câu chuyện của mình. Do đó, nhiều người nghi ngờ nó.
"Cậu bé vô danh của nước Mỹ" được chôn cất tại nghĩa trang Ivy Hill tại Cedarbrook, Philadelphia.
Năm 1957, thi thể cậu bé vô danh được chôn trên một cánh đồng gần Bệnh viện bang Philadelphia. Vào ngày 3/10/1998, America’s Most Wanted đã thực hiện một tập phim về vụ án bí ẩn này. Vụ án bỗng nhận được sự quan tâm trở lại khiến cơ quan điều tra phải tiến hành làm xét nghiệm ADN được chiết xuất từ men răng.
Đến khi chôn cất lại cậu bé lần nữa, nghĩa trang Ivy Hill tại Cedarbrook, Philadelphia đã quyên góp một phần mộ. Tiền lo tang lễ, quan tài và bia mộ do Craig Mann, con trai người đầu tiên chôn cất cậu bé năm 1957 chi trả. Trên bia mộ, người ta khắc dòng chữ "Đứa trẻ vô danh của nước Mỹ".
Kể từ năm 1998, người ta thường xuyên để lại đồ chơi và hoa trên mộ cậu bé vô danh. Đôi khi đó là những điều tra viên của vụ án, nhưng cũng có lúc họ chỉ là người dân thường, là người lạ đến để bày tỏ lòng thương tiếc cho một đứa trẻ họ không quen biết.