Do chăm bố bị lao, Nguyễn Tuyết Nhi đã lây nhiễm căn bệnh lao nguy hiểm. Hiện em đã 17 tuổi nhưng hình hài chỉ như một đứa trẻ chưa lên 10.
Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Tuyết Nhi (Long Biên – Hà Nội) hàng ngày đang phải gồng mình với căn bệnh lao nguy kịch, điều đáng nói là bệnh nhân hiện đang ở trong tình trạng suy kiệt sức khỏe nặng nề. Theo quan sát của phóng viên chiều ngày 14/8 tại Bệnh viện Phổi Trung ương, nơi bệnh nhân đang điều trị cho thấy, sức khỏe của bệnh nhân Nhi đang rất yếu, khi nhiều người tiếp xúc cháu thì cháu có cảm giác rất khó thở.
Không những vậy, dù đang ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, nhưng do mắc căn bệnh lao nên bệnh nhân Nhi trong như một đứa trẻ lên 10, chân tay teo tóp chỉ còn “da bọc xương”. Chứng kiến cảnh bệnh nhân chống chọi với từng cơn ho khiến ai có mặt tại phòng bệnh khi đó cũng không thể cầm lòng.
Ông Bùi Cao Thế (hàng xóm gần nhà) đang thăm bệnh nhân Nhi
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Cao Thế (hàng xóm gần nhà Tuyết Nhi) cho biết, cháu Nhi mắc bệnh lao là do lây từ bố cháu sang. Trước đó, bố cháu mắc bệnh lao và một tay cháu Nhi chăm sóc bố cho đến khi mất.
Được biết, trước đây khi biết Nhi mắc bệnh lao, gia đình cũng đã đưa cháu đi chữa và điều trị, tuy nhiên vì bỏ điều trị giữa chừng và hiện nay bệnh tình càng nặng hơn.
Ông Thế cho biết: “Mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cháu Nhi rất khéo tay, hàng ngày cháu tỉ mỉ gập từng con hạc giấy. Khi biết chuyện như vậy, tôi đã mua toàn bộ số hạc giấy cháu gấp và sẽ dùng con hạc giấy đó để bán đấu giá lấy tiền giúp cháu chữa bệnh”.
“Thời gian gần đây, do bệnh tình của cháu Nhi ngày càng nặng, nên ngày 12/8 cháu được đưa vào bệnh viện Đức Giang, đến ngày 14/8 cháu được chuyển lên tuyến trên, về Bệnh viện Phổi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị”, ông Thế thông tin.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tuyết Nhi, trao đổi với phóng viên Ths.BS Nguyễn Đình Tuấn – Phụ trách Phòng chỉ đạo Chương trình – Bệnh viện Phổi Trung ương xác nhận, bệnh viện mới tiếp nhận bệnh nhân Nhi từ bệnh viện Đức Giang chuyển sang. Tuy nhiên, do bệnh nhân mới chuyển đến viện nên các bác sĩ mới chỉ nắm qua tình hình sơ bộ của bệnh nhân.
Bệnh nhân Nhi dù 17 tuổi nhưng trông như một đứa trẻ chưa đến 10 tuổi
“Hiện chúng tôi chưa thể khẳng định cháu nguy kịch ở mức độ nào, có lao kháng thuốc hay không, để có nhận định chính xác thì chúng tôi cần phải có kết quả xét nghiệm. Sau đó, nếu trường hợp bệnh nhân khó chẩn đoán thì chúng tôi sẽ phải hội chẩn từ các chuyên gia đầu ngành để có phắc đồ điều trị thích hợp nhất”, Ths Tuấn cho biết.
Đồng thời Ths Tuấn cho biết thêm, trong trường hợp bệnh nhân đã từng điều trị lao, nhưng chưa điều trị dứt điểm mà lại bỏ điều trị thì khả năng bị lao kháng thuốc là rất cao.
“Nếu bệnh nhân bị lao kháng thuốc, thì việc điều trị sẽ mất rất nhiều thời gian, thông thường nếu điều trị lao bình thường thì lộ trình mất khoảng 6 đến 8 tháng, nhưng lao kháng thuốc sẽ mất khoảng hơn 20 tháng. Không những thế, kinh phí để điều trị lao kháng thuốc cũng cao hơn gấp hàng chục lần so với điều trị lao bình thường”, BS Tuấn nói.
Nói về khả năng lây nhiễm khi bị lao kháng thuốc, BS Tuấn nhận định: “Đối với bất kể người nào mắc bệnh lao thì đều có khả năng lây nhiễm với những người xung quanh. Tuy nhiên, với những bệnh nhân bị lao kháng thuốc thì nguy cơ lây nhiễm sẽ ít hơn, vì bệnh nhân đã được điều trị phòng lao trước đó."
Quay trở lại với trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tuyết Nhi, BS Tuấn khẳng định: “Là những người bác sĩ thì trách nhiệm của chúng tôi là cứu người và bệnh viện sẽ làm tất cả những gì có thể để điều trị cho bệnh nhân”.