Lợi dụng bối cảnh nguồn cung thịt lợn trong nước tăng cao trước thềm Tết Nguyên đán, hàng loạt thịt sống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng đã kịp thời được lực lượng chức năng chặn đứng.
Ngày 24/12, thông tin từ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 - Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận vụ vận chuyển hơn 1 tấn lòng lợn khô và tai lợn khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định.
Đội QLTT số 3 cho biết, vụ việc được phát hiện vào đêm ngày 22/12, khi xe khách mang BKS 15B - 033.14 vi phạm Luật giao thông đường bộ, tại Km135, Quốc lộ 18 (thuộc địa bàn TP Cẩm Phả).
Tai lợn khô không rõ nguồn gốc được lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh phát hiện.
Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện có 9 thùng tai lợn khô trọng lượng 90kg, 103 thùng lòng khô, trọng lượng 1.133kg không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Khai thác tại chỗ, tài xế Bùi Quang Mạnh (SN 1981, trú tại Đại Hà, Kiến Thụy, Hải Phòng) thừa nhận, toàn bộ số hàng trên không có giấy tờ nguồn gốc, đang vận chuyển ra TP Móng Cái tiêu thụ.
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, bàn giao toàn bộ số hàng hóa trên cho Đội QLTT số 3 xử lý theo thẩm quyền.
Cùng thời điểm, tại Lạng Sơn, Đội QLTT số 10 tịch thu hơn 11.000 sản phẩm thực phẩm do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn hợp pháp.
Theo Đội QLTT số 10, khi kiểm tra chiếc xe ô tô mang BKS 12A - 040.38 tại Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt, lực lượng chức năng đã phát hiện chiếc xe này vận chuyển 4 mặt hàng thực phẩm do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn, chứng từ kèm theo bao gồm: 300 chai sữa lạc đóng chai, 10.400 thanh lương khô loại 14g, 240 hộp cháo ăn liền, 258 chai bia LiQuan loại 595ml/chai.
Lái xe là ông Nguyễn Đình Dân (trú tại Bắc Giang) đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ gì chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
240kg chân gà nhập lậu được lực lượng chức năng Bắc Giang chặn đứng và tiêu hủy.
Tại Bắc Giang, lực lượng QLTT Bắc Giang đã chặn đứng và tiêu hủy 240kg chân gà nhập lậu khi số hàng hóa này đang trên đường đi tiêu thụ, vào đêm ngày 23, rạng sáng ngày 24/12.
Chủ số hàng hóa này là bà Lê Thị Căn (trú tại đường Xương Giang, TP Bắc Giang) đã bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền là 8 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng nhập lậu. Đồng thời, buộc phải tiêu hủy số chân gà trên.
Các lực lượng chức năng Sơn La kiểm tra và thu giữ số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ của bà Cấn Thị Nga.
Cũng thời điểm, tại Sơn La, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện 460kg nguyên liệu thực phẩm tươi sống, bao gồm thịt gà, giò, phủ tạng và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, tại một cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn bản Dửn, xã Chiềng Ngần, TP Sơn La.
Chủ cơ sở Cấn Thị Nga khai nhận, số thực phẩm trên được lấy từ dưới xuôi, sau đó đem về sơ chế, dán mác, đóng gói và đưa đi tiêu thụ tại địa bàn thành phố và các huyện lân cận.
Theo ông Nguyễn Hữu Linh, Tổng Cục tưởng Tổng cục Quản lý thị trường, một số tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn… là "điểm nóng" về các mặt hàng lậu không rõ xuất xứ.
Đơn cử như Cao Bằng, thời gian qua, mặc dù lực lượng quản lý thị trường kiểm soát rất nghiêm ngặt nhưng hai tháng trở lại đây, có 6 vụ vi phạm đã bị xử lý, tiêu hủy 4.430kg móng giò lợn và 1.446kg thịt lợn.
Riêng với địa bàn nóng như Lạng Sơn, từ tháng 11 đến nay lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 35 tấn chân giò rất nhiều tấn lợn vận chuyển trái phép.
Ông Trần Hữu Linh cho biết, để dẹp yên thị trường và đẩy lùi nạn nhập lậu thịt lợn không đảm bảo nguồn gốc khi giá thịt trong nước tăng cao, lực lượng quản lý thị trường đã lập các chốt chặn ở các điểm nóng nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng nhập lậu thịt lợn chưa qua kiểm dịch vào thị trường trong nước.
Ngoài ra, trong thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông; kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm.
Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.