Đứng trước cơn "bão" giá thịt lớn nhất kể từ 10 năm trở lại đây, chị em nội trợ buộc phải nghĩ ra nhiều đối sách ứng phó để tránh thâm hụt chi tiêu.
Những ngày qua, giá thịt lợn lên mức cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt vì nguồn cung giảm. Ghi nhận mới nhất tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá sườn non vẫn duy trì trong khoảng 260.000-280.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 220.000-240.000 đồng/kg, thịt thăn 190.000 đồng/kg, thịt mông 180.000 đồng/kg... Đặc biệt, tim lợn lên đến hơn 300.000 đồng/kg.
Giá thịt tăng phi mã nên các mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng theo từ 5% - 15%. Chị em nội trợ rơi vào cảnh lao đao mỗi khi đi chợ bởi vừa phải đảm bảo bữa cơm gia đình đủ chất mà vừa phải cân đối chi tiêu.
Trên diễn đàn nấu nướng của các bà nội trợ, chủ đề thịt lợn tăng giá cũng đang được bàn tán rôm rả. Bên cạnh những lời phàn nàn, kêu ca về việc đi chợ không biết mua gì thì một số khác đưa ra bí kíp để không bị "lõm ví" thời bão giá.
Đụng lợn ăn chung như thời bao cấp
Chị Hồng (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết trước đây chị lo bữa cơm cho gia đình 4 người ăn rất đơn giản, đi làm về tạt qua chợ mua nhanh thức ăn rồi về nhà nấu nướng. Mỗi bữa cơm tối chỉ trong khoảng 100.000 đồng nhưng sẽ có 3-4 món.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thịt lợn đắt đỏ, chị dịch chuyển sang ăn gà, bò, cá, trứng,... nhưng những thực phẩm này cũng tăng giá theo. Hơn nữa, ăn mãi những món này cũng ngán, không thể thay thế thịt lợn được vì thịt lợn có thể chế biến được nhiều món.
Giá thịt lợn đang nóng lên từng ngày khiến các chị em nội trợ lo lắng
Chị Hồng kể, đứa em trong phòng chị có bố mẹ nuôi lợn ở quê. Cuối tuần vừa rồi, 4 chị em trong phòng đã góp tiền mua hẳn 1 con lợn nặng gần 1 tạ rồi chia nhau như các cụ thời bao cấp. Con lợn giá 7 triệu đồng, cả tiền thuê vận chuyển lên Hà Nội và thuê giết mổ hết 500.000 đồng. Phần thịt xẻ luôn mỗi người 1/4 con, còn các bộ phận khác chia đều rồi cho vào tủ lạnh ăn dần.
"Mỗi người được khoảng 20kg thịt, tính ra chỉ khoảng 130.000 đồng/kg. Làm cách này mình sẽ không được chọn những miếng thịt ngon như ý thích mà phải lấy cả phần nhiều mỡ, phần thịt không ngon. Nhưng những cái đó có thể chế biến để làm nem, làm thịt đông, làm giò thủ, tóp mỡ xào dưa...", chị Hồng chia sẻ.
Không chỉ những người ở cơ quan chị Hồng mà rất nhiều người khác cũng nghĩ ra cách này để tiết kiệm chi tiêu. Anh Phương (Phú Thọ) cho biết, bác anh ở quê nuôi lợn đang độ xuất chuồng, vừa rồi anh rủ mấy anh em họ hàng chung nhau mua 1 con, phần thịt chia ra cho 3 nhà. Phần của mình, anh Phương và vợ chia nhỏ theo từng loại thịt và có ghi rõ ở ngoài túi bóng, mang lên Hà Nội để tủ đá ăn dần. Còn bộ lòng mấy anh em làm sạch, liên hoan 1 bữa vừa vui lại có thịt giá rẻ đảm bảo cho cả nhà ăn trong vài tuần.
Người tiêu dùng nghĩ ra cách đụng lợn ăn chung, chia thành từng miếng nhỏ để trong tủ lạnh để ăn dần (Ảnh minh họa)
"Vợ chồng tôi thu nhập thấp, vẫn phải đi thuê nhà, lại có con nhỏ, nên mọi chi tiết phải tính toán kỹ lưỡng. Với giá thịt lên tới 280.000 đồng/kg như hiện nay, thực sự ra chợ tôi không dám mua về ăn", anh Phương nói.
Trong khi đó, chị Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết thời buổi "bão giá", chị phải gọi điện về quê cho bố mẹ "cầu cứu". Chị nhờ mẹ xem ở trong xóm khi nào có nhà làm thịt lợn bán thì sẽ đến mua tận nơi, vừa rẻ vừa sạch rồi đóng thùng gửi ra Hà Nội cho chị ăn dần trong tuần. Ngoài thịt, chị còn nhờ mẹ mua gà, mua cá, trứng, rau ở quê vì giờ ra chợ, cầm 100 nghìn như bị ai ăn trộm, không biết mua gì cho gia đình ăn 1 bữa.
"Trong tuần, nếu có nhà nào thịt lợn mẹ tôi lại mua hộ vài cân cho vào tủ lạnh, cuối tuần gửi ra cho tôi. Nếu không có bố mẹ ở quê mua giúp thì chắc chắn việc cân đối chi tiêu là một bài toán khó đối với gia đình tôi khi thu nhập không tăng lên", chị Hà nói.
Bà nội trợ hài hước: Tết này chắc phải ăn bánh chưng nhân cá, nhân thịt gà
Bánh chưng là món ăn truyền thông không thể thiếu trong ngày Tết. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm có gạo nếp, đỗ xanh, hành, lá dong, trong đó thịt lợn là thứ không thể thiếu.
Giá bánh chưng năm nay chắc chắn sẽ tăng mạnh so với năm ngoái
Tuy nhiên, càng gần Tết, thịt lợn càng khan hiếm và bị đẩy giá lên cao, nhiều hộ kinh doanh gói bánh chưng đã có phương án gom, tích trữ thịt lợn. Giá bánh chưng năm nay dự kiến cũng sẽ tăng mạnh. Năm ngoái giá bánh dao động từ 45.000-60.000 đồng/cái, năm nay có thể lên đến 65.000-80.000 đồng/cái.
Trên mạng xã hội, nhiều chị em nội trợ hóm hỉnh vừa đùa vừa thật "Chả nhẽ Tết này lại gói bánh chưng nhân cá, nhân thịt gà?". Một số khác đưa phương án bánh chưng chay, hoặc bánh chưng không nhân...
Cư dân mạng chia sẻ hình ảnh hài hước về bánh chưng nhân chay, không nhân, bánh chưng mini
Ngoài bánh chưng, giò chả cũng là món ăn ngày Tết nhiều chị em quan tâm khi thịt lợn tăng giá. Hiện giá giò chả ở các chợ đang tăng gấp đôi so với trước. Từ mức mức giá 130.000-150.000 đồng/kg, giò lụa đã tăng lên 200.000 đồng/kg, giờ lên 250.000 đồng/kg, giò lụa tăng lên 350.000 đồng/kg. Đến gần Tết, chắc chắn giá sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Trước tình cảnh này, các bà nội trợ đưa ra đối sách "tự cung". Chị Lan (Hà Đông) cho biết mấy hôm nay chị đang tham khảo kinh nghiệm làm giò chả của các mẹ trên diễn đàn nấu ăn. Tết năm nay chị sẽ tự tay làm món giò chả cho cả nhà để tiết kiệm chi phí.
"Tôi nghe chị em xì xào giá thịt lợn tăng, để giữ chân khách, những người kinh doanh giò chả trộn thêm bột năng. Còn món giò xào thì tăng lượng mộc nhĩ, tăng tỉ lệ mỡ, tăng bì. Vì thế, tôi quyết định mất công một tí nhưng cả nhà sẽ có món giò vừa rẻ, vừa ngon, lại đảm bảo chất lượng", chị Lan chia sẻ.