Tuy vẻ bề ngoài khá gớm ghiếc nhưng loài côn trùng này là đặc sản dân nhậu thích mê.
Sùng đấy là loại côn trùng có thân to bằng ngón tay người lớn, chính là ấu trùng của loài bọ rầy, hình dáng không khác gì con đuông dừa. Nhưng con đuông sinh sôi phát triển trong củ hủ (lõi non) của cây dừa và làm cây bị chết, còn con sùng sống vùi trong đất, chuyên ăn rễ con và các loại củ như khoai lang, khoai mì, củ cây chuối, đậu...
Thân sùng đất có màu trắng đục, đầu màu vàng, và phần đầu có màu đen phía dưới bụng có nhiều chân.
Sùng đất là loài phá hoại, trước đây người dân bắt về cho gà và cá ăn, không ngờ chúng thành đặc sản ngon và bổ dưỡng
Trước đây, sùng đất cũng là loài phá hoại, người dân bắt đem bỏ đi hoặc đào về cho gà, cho cá ăn. Những năm gần đây, chúng trở thành đặc sản nổi tiếng trong các nhà hàng, có giá bán trên trời. Người dân địa phương cho biết thân của sùng đất toàn sữa trắng phau, ngon không kém cạnh con đuông dừa.
Mùa đào sùng đất hàng năm ở đây bắt đầu vào khoảng tháng 9, khi những đám đất trồng củ sắn đã được thu hoạch xong... và kéo dài đến gần hết tháng 11, thời điểm người dân canh tác trở lại thì chấm dứt. Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian khá ngắn, thế nhưng việc đào bắt đặc sản sùng đất thu hút khá nhiều người dân bởi nó mang lại thu nhập, đào được bao nhiêu đem bán cho nhà hàng hoặc có khách đặt trước.
Anh Hòa Vang - một người dân ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết hàng ngày, những người đào sùng đất thường bắt đầu từ khoảng 6h-10h sáng và tiếp tục từ 14h-17h. Dụng cụ đào sùng rất đơn giản chỉ một cây cuốc và một cái xô. Không như những con vật khác, sùng đất đào bắt được người dân bỏ ngay vào xô có đựng nước mang theo để giúp sùng không bị đổi màu, khô nước bên trong con sùng.
Cách làm sùng đất khá đơn giản: Ngắt phần đuôi và tuốt bỏ ruột, sau đó rửa sạch và chế biến thành nhiều món khác nhau như sùng nướng lá lốt, sùng tẩm bột để chiên, luộc, xào... Nhưng ngon nhất vẫn là món sùng đất nướng và chấm muối ớt, vắt thêm một tí chanh nữa.
Sùng đất có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn
"Những gốc cây sắn hư hại, đen rễ càng nhiều sùng đất. Nông dân năm nào được mùa mì thì sùng đất ít, mất mùa thì sùng đất nhiều. Để nhận diện những nơi nhiều sùng đất, người đi đào thường để ý những gốc mì đen, củ mì bị đục lỗ. Kinh nghiệm đào là nhát cuốc phải vừa tay để sùng đất không bị đứt hay sứt mẻ, bán mới có giá", ông Hòa Vang chia sẻ.
Trên thị trường, sùng đất được bán với giá 200.000-300.000 đồng/kg.