Thủ khoa nghèo muốn làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ

Ngày 04/08/2014 17:55 PM (GMT+7)

Mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, phải sống xa gia đình từ năm lớp 6 nhưng nam sinh Đỗ Như Thuần vẫn đỗ thủ khoa khối B, ngành bác sĩ đa khoa, Trường ĐH Y dược Huế với số điểm 28,5.

Căn nhà cấp 4 thấp lè tè che chắn bằng gỗ của gia đình Thuần nằm ở khóm 6, thị trấn A Lưới, huyện vùng cao A Lưới, Thừa Thiên – Huế mấy hôm nay lúc nào cũng rôm rả tiếng bà con chòm xóm vào ra chúc mừng.

Thủ khoa nghèo muốn làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ - 1

Thuần và cha cùng đấm bóp cho bà Mỹ

Mang trong mình căn bệnh ung thư tuyến giáp đã 12 năm, vừa mới nằm viện về nhưng mấy hôm nay, bà Phan Thị Mỹ - mẹ Thuần - vui tươi hẳn khi biết con đỗ thủ khoa.

Sinh ra trong gia đình có anh em, bố là một cán bộ ở huyện nghèo A Lưới, mẹ làm hộ lý tại bệnh viện huyện, cứ tưởng cuộc sống của Thuần ít khó khăn hơn bạn bè trang lứa. Tuy nhiên, khi Thuần vừa lên 3, bà Mỹ bắt đầu có dấu hiệu bệnh tật. Lúc em bước vào lớp 1, căn bệnh ung thư tuyến giáp của người mẹ bắt đầu hiện rõ.

Ông Đỗ Như Ngọc - cha Thuần - kể rằng thời gian đó, ông phải thường xuyên nhờ hàng xóm chăm nom con cái để đưa vợ về TP Huế chữa trị. Mỗi đợt điều trị kéo dài trên dưới một tháng trời. Hết ở TP Huế, vợ chồng ông Ngọc lại khăn gói ra Hà Nội, vào TP HCM chữa bệnh. Căn bệnh hiểm nghèo của bà Mỹ đã khiến đồng lương còm cõi của vợ chồng bà không đủ trang trải cho con cái học hành.

Thương con còn nhỏ, dù bệnh nặng, bà Mỹ vẫn cố gắng bám trụ với công việc ở Trung tâm Y tế huyện A Lưới để phụ chồng, nuôi con. “Mỗi năm tôi phải nằm viện ít nhất 2 tháng. Giờ đây, căn bệnh ung thư đã khiến cho các xương khớp của tôi đã thoái hóa hoàn toàn nên có lần đang làm việc lại bị ngất xỉu” – bà Mỹ tâm sự.

Học xong lớp 5, Thuần thi vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế) và may mắn được Trung tâm Bảo trợ học sinh nghèo hiếu học tại thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) đưa về nuôi dưỡng. 4 năm sau, Thuần thi đậu vào Trường THPT Chuyên Quốc học Huế nên phải tiếp tục sống xa gia đình.

Ba Thuần tâm sự mỗi năm, em chỉ về quê thăm nhà được 2 lần. Nhớ con da diết nhưng nhiều lúc dắt nhau xuống phố chữa bệnh, hai vợ chồng vẫn giấu Thuần vì sợ em buồn.

Ngày Thuần nói sẽ nộp hồ sơ thi vào ngành bác sĩ cũng là lúc bà Mỹ nhận kết luận bệnh viện cho thấy các đốt sống lưng của bà đã bị thoái hóa hoàn toàn. “Vợ chồng tôi đều lo lắng trước ý định của con vì quãng thời gian học quá dài (6 năm – PV). Gia cảnh nghèo khó, bà ấy lại mắc bệnh hiểm nghèo nên sợ con không kịp nhìn mặt mẹ” – ông Ngọc tâm sự.

Nghe những lời tâm sự của cha mẹ, Thuần ứa nước mắt. “Con sẽ cố học để sau này có cơ hội chữa bệnh cho mẹ”, thủ khoa nghẹn ngào.

Như để động viên con trai, bà Mỹ tươi cười tâm sự: “Dù biết quãng đường 6 năm trời theo đuổi giấc mơ của con sẽ gặp nhiều chông gai và điều không may sẽ ập tới với tôi và gia đình bất cứ lúc nào nhưng hiện tại, tôi rất hạnh phúc. Sau này tốt nghiệp ra trường, nếu nó không còn cơ hội chữa bệnh cho tôi thì sẽ giúp ích rất nhiều cho những trường hợp tương tự trong xã hội”.

Theo Quang Nhật (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot