Thủy đài TP.HCM: Những số phận bị mắc kẹt

Ngày 27/12/2017 11:05 AM (GMT+7)

Nếu chúng ta chỉ tập trung cho phát triển các giá trị mới, không hiểu và có chiến lược bảo vệ các giá trị cổ xưa thì đến một một lúc nào đó ngoảnh lại, chúng ta sẽ không còn dấu lịch sử để truyền lại cho thế hệ sau.

Ký ức thành phố

Ở mỗi đô thị đều có những dấu ấn riêng để làm nên hồn cốt của nó mà chủ yếu những dấu ấn này do Kiến trúc đem lại. Với một đô thị 300 tuổi như TP. HCM thì những công trình có độ tuổi trên 50 năm cũng đã được xem như có giá trị lịch sử. Những thủy đài ở Sài Gòn cũng nằm trong số đó. Chúng là một phần ký ức của đời sống đô thị. Thủy đài không chỉ có giá trị lịch sử mà còn chứa đựng tình cảm gần gũi và rất riêng trong tiềm thức của người Sài Gòn đối với thành phố này, là một phần gợi lại cái hồn của Sài Gòn xưa. 

Có thể nói Thủy đài là những di tích hàm chứa nhiều giá trị, là một nét đặc trưng và là biểu trưng của Sài Gòn - TP. HCM, một thành phố công nghiệp. Các Thủy đài là hình ảnh gợi lại “dấu ấn về sự trưởng thành của đô thị Sài Gòn trong việc kiến tạo tiện ích sinh hoạt cho người dân" [1] với hệ thống 7 Thủy đài lớn được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ 20, nằm rải rác trên các khu vực cao của thành phố với nhiệm vụ điều hòa áp lực nước sinh hoạt cho người dân.

Thủy đài TP.HCM: Những số phận bị mắc kẹt - 1

Thủy đài trên đường Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận. Ảnh: Hữu Khoa

Tuy chưa được đưa vào sử dụng nhưng sự hiện diện của các Thủy đài này đã tạo nên nét đặc trưng của kiến trúc Thành phố với vật liệu bê tông trần theo kiến trúc hiện đại, chủ nghĩa Thô mộc và đồng thời với kích thước khổng lồ - cao 30 m, đường kính chỗ rộng nhất 16 m - chúng cũng tham gia vào đường bóng chân trời (đường Siluet) để có thể nhận diện thành phố từ xa.

Vì muốn phát triển mà chúng ta tuyên bố “nó xuống cấp”? Việc đưa ra quyết định tháo dỡ hệ 7 Thủy đài này là quyết định chưa thỏa đáng, chưa có hướng nhìn khách quan và khoa học. Thực chất thì kết cấu của nó theo cảm quan những gì chúng tôi quan sát được trong hình ảnh phá dỡ thủy ở đường Nguyễn Văn Tráng, quận 1, hay ở đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thành thì đây là kết cấu bê tông dự ứng lực (post-tentioned concrete) có khả năng chịu lực trên 100 năm.

Kết cấu ứng lực này và cả hình dáng của nó cũng khá tương đồng với Thủy đài Lauttasaari Phần Lan - cao 34 m, đường kính chỗ rộng nhất xấp xỉ 30 m. Thủy đài chỉ xuống cấp trong trường hợp: đã trải qua sự hoạt động theo đúng chức năng ban đầu - chứa khoảng 2000 m3 nước, điều hòa áp lực nước sinh hoạt cho người dân - sau gần 50 năm và các sự biến đổi lớn trong xây dựng của khu vực xung quanh ảnh hưởng tới kết cấu nền móng của Thủy đài.

Thủy đài TP.HCM: Những số phận bị mắc kẹt - 2

Một thủy đài cao chót vót ở Q.8. Ảnh: Hữu Khoa

Trên thực tế, khu vực đất xây dựng các Thủy đài này đều là khu vực đất cao và chắc chắn, xung quanh lại chưa có nhiều biến đổi lớn về kiến trúc - chủ yếu là các kiến trúc quy mô nhỏ, và quan trọng hơn các Thủy đài này cũng chưa từng qua sử dụng trong việc điều hòa áp lực nước sinh hoạt như mục đích ban đầu.

Những số phận bị "mắc kẹt" trong tư duy cũ kĩ của chúng ta

Với các giá trị về kỹ thuật xây dựng, hình thức kiến trúc và sự quen thuộc của người dân thành phố với hình ảnh nơi mình đang sinh sống, những Thủy đài “khổng lồ” này cần thiết được lưu giữ và có những khảo sát bài bản, đánh giá đúng đắn về tình trạng tồn tại để có những hướng khai thác tốt trong sự phát triển chung của thành phố. TP.HCM có vẻ đẹp như hiện nay là bởi vì đô thị này có sự đan xen các giá trị cổ xưa và các giá trị mới. Nếu chúng ta chỉ tập trung cho phát triển các giá trị mới, không hiểu và có chiến lược bảo vệ các giá trị cổ xưa - một phần làm nên bề dày lịch sử cũng như nét đặc trưng của thành phố, thì đến một một lúc nào đó ngoảnh lại, chúng ta sẽ không còn nhận ra chính nơi mà chúng ta đang muốn xây dựng tốt đẹp hơn, không còn gì để bảo tồn, không còn dấu lịch sử để truyền lại cho thế hệ sau.

Thủy đài TP.HCM: Những số phận bị mắc kẹt - 3

Thủy đài trên đường Lê Đại Hành - quận 11. Ảnh: Anh Khoa

Chúng tôi không cổ xúy cho việc cứ ôm khư khư cái cũ mà không biết lược bớt để tập trung cho phát triển cái mới. Song chúng ta phải trân trọng quá khứ và thận trọng trong cách ứng xử với quá khứ, nhất là những quá khứ đã đi sâu vào tâm thức của người dân đô thị, cũng là một phần tham gia vào lịch sử của chính đô thị ấy. Đừng để số phận những Thủy đài này rơi vào tình thế mắc kẹt bởi tư duy của chúng ta. Chúng cần được lưu giữ và phát huy - chuyển đổi công năng, được thổi hồn mới, khoác một trọng trách mới xứng đáng với năm tuổi và sự bề thế của nó như bao nhiêu bài học từ các đô thị khác trên Thế giới để trở thành những công trình có nét đặc trưng kết nối giữa Lịch sử và Hiện tại, là những điểm hút khách du lịch và tăng sức hấp dẫn cho thành phố.

Thủy đài TP.HCM: Những số phận bị mắc kẹt - 4

Thủy đài trên đường Nguyễn Văn Tráng, Quận 1 đang được tháo dỡ.

Dù quyết định cuối cùng thế nào, trước hết vẫn cần phải có những phân tích, đánh giá đúng chuyên môn, cần những tư duy cập nhật và mở rộng để đón lấy cơ hội, những giải pháp mới vừa sáng tạo trong kiến trúc lại vừa độc đáo trong khai thác sử dụng, phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng. Vì tất cả những giá trị ký ức và tình cảm của người dân thành phố này, chúng tôi rất mong sẽ có một quyết định đầy tính nhân văn để kết thúc cho những câu chuyện về Thủy đài đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

TS. KTS. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên - ThS. KTS Ninh Việt Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h