Hoàng Xuân Vinh vừa lập kỳ tích cho nước nhà, điều này hẳn ai ai cũng biết. Nhưng Hoàng Xuân Vinh ngoài đời ra sao, đây là điều mà không ít người tò mò.
1. Tuổi thơ 2 lần mồ côi mẹ: Xạ thủ số 1 Việt Nam từng phải trải qua nỗi đau mồ côi mẹ tới hai lần. Mới 3 tuổi, đang yên ổn cùng gia đình tại quê ngoại Sơn Tây, anh cùng cậu em chưa đầy một tuổi đã mất mẹ vì một căn bệnh nan y. Bố Xuân Vinh đi thêm bước nữa. May mắn anh được người mẹ thứ hai hết lòng thương yêu, gia đình nhờ đó cũng êm ấm. Nhưng rồi, ngay trước thời điểm Xuân Vinh lập gia đình, bà mắc bệnh ung thư và qua đời. Xạ thủ sinh năm 1974 bảo anh “mồ côi mẹ tới hai lần”.
Theo nghiệp bắn súng nhưng Hoàng Xuân Vinh bị cận thị.
2. Xạ thủ mắt cận: Khác với các vận động viên khác, đến với bắn súng chuyên nghiệp muộn lại bị cận nặng và suy tim, Hoàng Xuân Vinh đã vượt qua rất nhiều thách thức để giành tấm HCV đầu tiên cho Thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic.
Hoàng Xuân Vinh chia sẻ vật may mắn với người hâm mộ
3. Vật may mắn không rời của Hoàng Xuân Vinh: Chính Hoàng Xuân Vinh thừa nhận, việc anh bắn được 10.7 điểm ở loạt cuối cùng vừa là xuất thần, vừa có yếu tố may mắn. Có lẽ, may mắn đó là nhờ một vật anh mang theo? Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã chia sẻ cùng độc giả Việt Nam qua Zing.vn, rằng anh thường mang theo mình một chiếc nhẫn đặc biệt, có long đuôi voi để tăng may mắn.
4. Xạ thủ sợ côn trùng: "Tôi chỉ sợ các con côn trùng chẳng hạn như nhện và như kiểu sâu róm, dế", Hoàng Xuân Vinh bộc bạch.
5. Từng đăng quang nhờ súng đi mượn: Xuân Vinh chia sẻ câu chuyện thú vị về lần mình bị lạc mất "đồ nghề" và phải đi mượn súng – một điều cấm kị vì không quen tay, để thi đấu nhưng vẫn đoạt huy chương: "Có một giải ở Chung kết Cúp thế giới tại Đức, khi đi máy bay gửi súng đạn trên máy bay do sơ xuất của hàng không, họ không chuyển súng đạn tới Đức. Còn một ngày nữa thi đấu vẫn chưa thấy súng đạn đến sân bay, tôi và thầy chuyên gia rất lo nhưng đã nghĩ đến chuyện đi mượn súng. Nếu súng không quen tay thì mình phải cố gắng hơn, kiểu gì cũng phải thi đấu chứ không thể nào bỏ. Cuối cùng, tôi giành huy chương bạc may mắn dù dùng súng đi mượn. Đó là sự kịch tính, trong khó khăn có thuận lợi và ngược lại".
Báng súng tự gọt đẽo của một VĐV.
6. Thợ đẽo báng súng: Đến hôm nay khi bắn súng lên đỉnh thế giới, nhiều người mới biết được sự khổ cực của những vận động viên bắn súng Việt Nam. Đạn đắt, mỗi buổi tập chỉ có ít đạn, họ tập khan, tức là chỉ giơ súng lên cho thuần thục động tác. Rồi cả báng súng, không có loại vừa tay, các vận động viên Việt Nam cũng trở thành thợ tiện chuyên nghiệp, tự đẽo báng súng cho mình.
Hoàng Xuân Vinh khổ luyện.
7. 1400 ngày khát vọng: Tròn 4 năm, tương ứng với cỡ 1.400 ngày đằng đẵng, cứ trước mỗi buổi tập, xạ thủ kỳ cựu đang là đại tá quân đội Hoàng Xuân Vinh lại hô thật to câu “Tôi là VĐV giành huy chương Olympic”. Giấc mơ của vị đại tá 42 tuổi cuối cùng đã trở thành hiện thực, không chỉ đoạt huy chương mà còn là HCV chói lọi.
8. Từng suýt có ý định giải nghệ: Tại Olympic 2012, Vinh thực hiện một bài bắn xuất sắc nhất mà cũng đáng tiếc nhất trong sự nghiệp, khi để thua người đoạt HCĐ đúng 0,1 điểm ở thế dẫn trước. Trong đó, tuyển thủ Việt Nam đã đánh mất cơ hội làm nên lịch sử ở viên đạn thứ 9 “định mệnh” ở chung kết nội dung 50m súng ngắn tự chọn, khi chỉ đạt 7,3 điểm. Cũng mới 2 năm trước đó, Vinh đã đánh rơi tấm HCV ASIAD 2010 bởi một lần để súng cướp cò ở đúng viên đạn thứ 10. Hoàng Xuân Vinh thừa nhận, mình đã từng có ý định giải nghệ sau “viên đạn tiếc nhất đời” ấy cách đây 4 năm. Thế nhưng chính bản lĩnh thép của một người lính, từng trải qua nỗi đau mồ côi mẹ tới hai lần đã giúp Vinh vượt qua giai đoạn gian khó nhất.
9. Chế độ "2 không" giúp Hoàng Xuân Vinh giành HCV: Chế độ tập luyện, cân bằng tâm lý đằng sau chiến công giành HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh luôn là điều khiến người hâm mộ tò mò nhất. Theo Hoàng Xuân Vinh, anh áp dụng chế độ “hai không” ngay từ trước khi đặt chân tới Brazil để tranh tài ở Olympic 2016. Anh tiết lộ: “Tôi áp dụng chế độ hai không ngay từ khi tập huấn tại Hàn Quốc.
Trước khi sang Brazil, tôi không dùng điện thoại, không giải trí, không tivi để tập trung cao độ cho việc tập luyện. Sang Brazil, dù được phát điện thoại Samsung S7 hiện đại nhưng tôi cũng không sử dụng để tập trung thi đấu. Hàng ngày, tôi ngủ sớm đúng giờ quy định”.
Theo HLV Nguyễn Thị Nhung, việc không dùng điện thoại, internet và xem tivi là nhằm mục đích rèn luyện cho VĐV bắn súng, một môn thể thao đặc thù. “Những chế độ này chính là để rèn tâm lý cho VĐV, vì bắn súng là một chuỗi tâm lý vô cùng phức tạp nên phải rèn luyện”.
10. Điều quý hơn cả HCV Olympic với Hoàng Xuân Vinh: Trước tấm HCV ấy, bên gia đình Hoàng Xuân Vinh luôn có điều cực kì quý giá. Chuyển về sống tại căn hộ chung cư ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội đã 3 năm, xung quanh gia đình anh là những người hàng xóm cực kì thân thiện, dễ mến, biết cảm thông và chia sẻ. Ở một khía cạnh nào đấy, sau bao nhiêu năm hy vinh, cống hiến, có những người hàng xóm tốt bụng, vì mình một cách chân thành như vậy, cũng lại là động lực, để Hoàng Xuân Vinh chiến đấu cho tổ quốc, cho cá nhân mình. Và với riêng Vinh, mỗi khi thi đấu xa nhà, hệ trọng thế này, mới biết sau anh ngoài vợ con, người thân, bạn bè, còn có những người hàng xóm rất đáng yêu, đáng quý.