Cơ quan chức năng đang tạm giữ người dì về hành vi cố ý gây thương tích, nếu thấy có dấu hiệu của tội giết người chưa đạt sẽ làm thủ tục đề xuất chuyển vụ án lên cấp tỉnh xử lý.
Bất ngờ hoàn cảnh của bé trai bị dì ruột đổ xăng châm lửa thiêu sống
Ngày 24-2, nguồn tin PLO cho hay công an TP Vũng Tàu phối hợp với VKS cùng cấp và đơn vị chức năng đã khám nghiệm hiện trường vụ dì ruột tẩm xăng bật lửa đốt cháu trai 6 tuổi vì bố mẹ cháu chậm trả nợ.
Sự việc xảy ra chiều 23-2 tại hẻm 187 đường Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP Vũng Tàu.
Mọi người ai nấy đều thương, tự quyên góp tiền mong muốn giúp cháu V. điều trị vết bỏng nặng. Ảnh-TK
Theo đại diện VKS TP Vũng Tàu, công an đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Phượng (27 tuổi- dì ruột cháu V.) về hành vi cố ý gây thương tích. “Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, khám nghiệm hiện trường và lời khai, nếu thấy có dấu hiệu của tội giết người chưa đạt sẽ làm thủ tục chuyển án lên cấp tỉnh xử lý”-một cán bộ cho hay.
Sáng cùng ngày, tại hẻm 187 Lưu Chí Hiếu bên khu vực chợ tạm đông đúc người qua lại, những người hàng xóm cho hay vì quá thương cho hoàn cảnh cháu V. rất nhiều người đã quyên góp tiền để giúp cháu và mẹ điều trị vết thương. Họ đặt thùng quyên góp và nhiều người đã tự nguyện bỏ tiền mong giúp cháu V.
“Đến trưa chúng tôi sẽ mở thùng và giao toàn bộ tiền cho khu phố giữ để trao tận tay người chăm sóc cháu V. hoặc thanh toán viện phí cho cháu”, ông Vinh (người trong hẻm) nói.
Chị Lê Hằng (ngụ phường 11) cho biết nghe thông tin trên báo và mạng xã hội thì quá thương cho cháu bé, chị và nhóm bạn kinh doanh nhà đất của mình đã góp tiền nhờ chị đưa xuống đây. "Khi biết hàng xóm lập quỹ như thế, tôi gửi lại cho bác Vinh, bỏ vào thùng. Mong số tiền đến trực tiếp tay người chăm sóc cháu bé..."- chị Hằng, nói.
Theo một người bán giò, khoảng 17 giờ tối 23-2, người này đẩy hàng ra bán thì nghe tiếng cãi cọ của hai chị em Phượng và chị Đông (chị gái Phượng, mẹ cháu V.) rồi có tiếng nói thách thức Phượng đốt….
“Lúc này, Phượng đã tưới xăng lên người cháu V. châm lửa đốt. Chị Đông lao vào ôm con nhưng lửa cháu khiến chị bị bỏng. Sau đó mới có người lấy cái áo ra quấn lên người cháu V. Đáng nói, cháu V. đang cháy nhưng cô ta vẫn hung hăng, vẫn nói có ý định giết cả nhà chị Đông.
Phượng nhặt cục đá gần đó, tay thủ theo con dao. Tôi thấy vậy liền chạy tới kẹp tay Phượng lại. Cùng lúc đó một bảo vệ dân phố vô tình đi mua đồ ở chợ thấy vậy cũng tới khống chế Phượng”- nhân chứng cho hay.
Hàng xóm cho hay, gia đình Phượng và bố mẹ cháu V. đều sống cùng nhau trong căn nhà trọ này. Vì chị Đông mượn tiền Phượng lâu ngày không trả, Phượng cũng mượn lại từ người khác nên đòi chị gái phải thanh toán, số tiền khoảng 4 triệu đồng. Giữa hai bên từng có tranh cãi, thách thức.
Có thể vì vậy nên khoảng 17 giờ chiều 23-2, Phượng mang theo hung khí và chai chứa xăng về nhà, đe dọa mẹ cháu V. Do chị không có tiền nên Phượng đổ xăng lên người cháu, bật lửa đốt. Cháu V. bị bỏng khắp người rất nặng. Mẹ cháu V. cũng bị bỏng tay chân. Cháu V. hiện được chuyển lên TP.HCM chữa trị.
Được biết hoàn cảnh gia đình bố mẹ cháu V. khó khăn. Mẹ làm phụ hồ, bố làm sơn nước, họ ở thuê tại phòng trọ.
Hiện công an TP.Vũng Tàu tiếp tục điều tra vụ án.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Lên phương án hỗ trợ 20.000 lao động về nước
Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về tình hình dịch Covid-19. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước. Đặc biệt là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các nước này.
Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu lên phương án ứng phó với tình hình xấu nhất. Ảnh: N.GIANG
Trong đó rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường (chi tiết tới từng địa phương, khu vực của nước đó).
Bên cạnh đó, nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước (phương án theo quy mô lao động, như dưới 1.000 người, từ 1.000-5.000 người, từ 5.000-20.000 người…). Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực, phương tiện, điều kiện đảm bảo...
Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần triển khai ứng dụng kết nối, hỗ trợ khẩn cấp trên điện thoại cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và các chương trình mà Trung tâm lao động ngoài nước đang triển khai.
Đối với Cục Quan hệ lao động và tiền lương, bộ này yêu cầu cần xây dựng các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xử lý trong trường hợp người lao động đình công, ngừng việc tập thể liên quan tới dịch. Đề xuất các phương án liên quan tới vấn đề chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian công bố dịch bệnh theo tại Bộ luật Lao động.
Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, xây dựng các phương án xử lý trong trường hợp học sinh, sinh viên nhiễm bệnh khi đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. “Đặc biệt, Vụ Bảo hiểm xã hội cần nghiên cứu, đề xuất các phương án chi trả chế độ ốm đau đối với người lao động bị cách ly…” - Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu.
Kết quả kiểm tra sức khỏe vợ chồng HLV Park Hang-seo khi trở lại Việt Nam
Chiều 24/2, Bộ Y tế cho biết về trường hợp nhập cảnh của ông Park Hang-seo, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam cùng vợ là bà Choi Sang-a nhập cảnh vào Việt Nam tối 23/2 tại Sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, Trung tâm đã điều tra tiền sử dịch tễ của ông Park Hang-seo và vợ. Theo đó, trong 15 ngày trước khi nhập cảnh, vợ chồng ông Park Hang-seo ở tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), không có mặt tại vùng dịch. Hai vợ chồng ông đã được kiểm tra thân nhiệt và tình trạng sức khoẻ tại Sân bay quốc tế Nội Bài, tình trạng khoẻ mạnh.
HLV Park Hang-seo đeo khẩu trang khi đến sân bay Nội Bài.
Sau thời gian ngắn được kiểm tra y tế, vợ chồng ông Park đã nhanh chóng lên xe ô tô, rời sân bay về khu biệt thự dành cho chuyên gia nước ngoài tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam.
Do tính chất công việc làm việc với Đội tuyển quốc gia Việt Nam, HLV Park Hang-seo và vợ được nhập cảnh và chịu sự giám sát y tế chặt chẽ của ngành y tế Hà Nội.
HLV Park Hang-seo và vợ sẽ có một ngày nghỉ ngơi, sau đó trở lại làm việc bình thường vào ngày 25/2, bắt đầu với cuộc họp cùng lãnh đạo VFF về kế hoạch của Đội tuyển quốc gia trong năm 2020.
Sự xuất hiện của ông nhận được sự quan tâm bởi ông đến từ Hàn Quốc, quốc gia ghi nhận có 7 người tử vong do Covid-19 và dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại nước này.
Trước đó, từ 15 giờ chiều 23/2, Bộ Y tế đã chính thức áp dụng triển khai việc thực hiện tờ khai y tế bắt buộc đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam tại tất cả cửa khẩu.
Đối với hành khách đến từ Hàn Quốc sẽ được kiểm tra y tế, nếu có bất kỳ vấn đề gì như sốt, ho, khó thở... sẽ bị cách ly 14 ngày theo quy định. Còn không có vấn đề gì vẫn được nhập cảnh như bình thường.
Học sinh không phải học bù thứ 7, Chủ nhật
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngay trong chiều 22/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Theo đó, năm học được điều chỉnh sẽ kết thúc trước ngày 30/6; Thi THPT quốc gia từ ngày 23 đến 26/7; Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7; Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020. Các địa phương căn cứ vào các mốc thời gian nêu trên để chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng, Bộ GD&ĐT lùi thời điểm kết thúc năm học 1 tháng, lùi kế hoạch thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7 là rất thuận lợi cho các địa phương. Vì thời gian nghỉ học tương đương với thời gian học bù, không gây áp lực cho giáo viên, học sinh, các em không phải học bù thứ 7, chủ nhật nên không phải lo lắng đến việc ảnh hưởng chất lượng học sinh cũng như các kỳ thi.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phê chung quan điểm, điều chỉnh chương trình khung của Bộ khá hợp lý, học sinh chưa phải học thứ 7, chủ nhật và có đủ thời gian học hết chương trình cũng như ôn tập tiến tới các kỳ thi quan trọng.
Theo Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội, đây là giải pháp an toàn, có lợi cho học sinh. Các em nghỉ học 1 tháng được lùi kế hoạch tương đương thời gian nghỉ thì các nhà trường tiếp tục dạy học theo chương trình. Coi như năm nay, học sinh rút ngắn thời gian nghỉ hè. Trong thời gian đó, liệu các địa phương, nhà trường có thực hiện được các phần việc khác như chuẩn bị thi THPT quốc gia, thi tuyển lớp 10, cũng như các trường ĐH, CĐ tuyển sinh ra sao? “Nếu chúng ta vẫn thực hiện suôn sẻ các phần việc đó coi như đang thử nghiệm đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung về việc rút ngắn thời gian học sinh nghỉ hè và chia nhiều kỳ nghỉ/năm”, hiệu trưởng này nói.