Theo cơ quan khí tượng, hiện đang có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống nên từ chiều tối và đêm nay, Bắc Bộ rét đậm, nhiệt độ dao động từ 11-13 độ.
Đợt rét đậm ở miền Bắc sẽ kéo dài bao lâu?
Đêm nay miền Bắc chuyển rét đậm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (07/02), bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiến sát đến biên giới nước ta. Dự báo hiều ngày 07/02, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Trong đất liền gió Đông Bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4.
Không khí lạnh ở miền Bắc sẽ kéo dài đến 30 Tết sau đó trời ấm dần.
Từ đêm 07/02, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại; khu vực phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở khu vực Bắc Bộ phổ biến từ 11-13 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 8-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ; khu vực Bắc Trung Bộ từ 14-17 độ.
Dự báo chi tiết:
Trên biển: ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-3,0m, biển động.
Rét đậm ở khu vực phía Đông Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 09/02 (ngày 30 Tết). Từ ngày 09/02, khu vực Quảng Trị đến Bình Định có mưa rào rải rác, cục bộ có mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 10-12/2 (tức mùng 1-3 Tết) trưa chiều trời nắng, nhiệt độ dao động từ 21-24 độ.
Khu vực Quảng Trị đến Bình Định từ ngày 9/2 có mưa rào rải rác, cục bộ có mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác. Rét đậm có khả năng ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Tháng 2/2024 nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm
Bà Trần Thị Chúc, Phó Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo xu thế khí hậu thời hạn tháng thời kỳ từ 11/02-10/3/2024 nhiệt độ trung bình: Trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C, riêng khu Tây Bắc có nơi cao hơn 1,5 độ C.
Trong thời kỳ từ 11/02-10/3/2024, tổng lượng mưa tại khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn từ 5-10mm; khu vực phía Đông Bắc Bộ cao hơn từ 5-10mm; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa với tổng lượng mưa thấp hơn từ 5-10mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ, có khả năng xuất hiện các đợt mưa, mưa rào và cục bộ mưa vừa, mưa to.
Trong thời kỳ này, không khí lạnh tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta tuy nhiên không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm riêng trong giai đoạn 10 ngày giữa tháng 02/2024, không khí lạnh có khả năng hoạt động xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Rét đậm, rét hại xuất hiện cục bộ ở Bắc Bộ.
Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như rét đậm, rét hại, sương mù, dông, lốc, sét, mưa đá, có thể ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân, ngoài ra không khí lạnh có thể gây ra băng giá ở một số nơi vùng núi cao phía Bắc ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sương mù và mưa phùn có thể gây ảnh hưởng đến khả năng quan sát, tăng nguy cơ va chạm trong các hoạt động lưu thông. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa và khô hạn còn kéo dài.
Trước đó, tổng kết diễn biến thời tiết tháng 1/2024, cơ quan khí tượng cho hay thời kỳ này xuất hiện 01 đợt không khí lạnh vào ngày 22/01, đã gây ra một đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, trong đó ở Bắc Bộ từ ngày 22-29/01 đã xảy ra rét hại diện rộng, khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có rét hại từ ngày 23-28/01 với nhiệt độ trung bình ngày tại hầu hết các khu vực phổ biến từ 10-13 độ C, riêng một số nơi ở vùng núi Bắc Bộ nhiệt độ thấp hơn phổ biến từ 6- 9 độ C; nhiệt độ thấp nhất ngày từ 8-11 độ C, vùng núi từ 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi thấp dưới 0 độ C như Mẫu Sơn -3.0 độ C (xuất hiện vào ngày 24/01/2024).
Trên vịnh Bắc Bộ ghi nhận được gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Băng giá xảy ra trên các vùng núi cao. Thời kỳ này nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong đó, nhiệt độ trong 10 ngày cuối tháng 01/2024 ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 2,5-3,5 độ C, có nơi thấp hơn; khu vực Nghệ An đến Quảng Bình phổ biến thấp hơn từ 1,5-2,5 độ C; khu vực Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế thấp hơn từ 0,5-1,0 độ C. Nắng nóng xuất hiện một vài nơi ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Nấu bánh chưng trong đêm, không may cháy luôn nhà
Đại diện phường Máy Chai, quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) cho biết, vào đêm qua (6/2) xảy ra một vụ cháy ở nhà dân trên đường Lê Lai. Vụ việc được cấp báo cho chính quyền sở tại cùng cơ quan chức năng nhanh chóng đến dập lửa.
Thông tin ban đầu được biết, vào khoảng 21h cùng ngày, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CHCN) khu vực 1- Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được thông tin về cháy tại nhà dân trên đường Lê Lai, phường Máy Chai.
Ngay khi nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH KV1 - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP. Hải Phòng) đã điều 1 xe chữa cháy cùng 7 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường.
Hiện trường vụ cháy.
Cùng thời điển này, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Ngô Quyền cũng huy động xe chữa cháy và cán bộ chiến sĩ tới hỗ trợ. Ngoài ra, các lực lượng chức năng của phường Máy Chai và điện lực Ngô Quyền kịp thời để phối hợp xử lý sự cố. Đến 21h45 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn và không để cháy lan.
Theo cơ quan chức năng, đám cháy xảy ra tại khu vực bếp của ngôi nhà 1,5 tầng có diện tích mặt bằng 40m2 do 2 vợ chồng chủ nhà ở. Phần còn lại của ngôi nhà (có diện tích khoảng 90m2) được lợp mái tôn, khung sắt và để cốp-pha cho thuê.
Nguyên nhân ban đầu vụ cháy được xác định do quá trình luộc bánh chưng bằng bếp than, lửa bén vào cốp-pha gác trên bếp nên đã bùng cháy.
Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người, chỉ hư hại chút tài sản.
Gia đình 4 người vừa xuống sân bay đã đi lạc trong đêm mưa rét
Rạng sáng ngày 7/2, Tổ công tác số 3 - Phòng CSGT (Công an Hà Nội) làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến quốc lộ 2 huyện Sóc Sơn đã kịp thời hỗ trợ một cặp vợ chồng mang theo con 2 nhỏ, có cháu mới 6 tháng tuổi, bị lạc đường trong đêm mưa rét.
Cụ thể, khoảng 00h20' cùng ngày 7/2, trời mưa to trên toàn tuyến, Tổ công tác số 3 triển khai tuần tra lưu động trên truyến quốc lộ 2, đến Km 8 + 400 phát hiện một nam, một nữ đang bế 02 con nhỏ, mang theo hành lý đi bộ theo chiều Hà Nội đi Vĩnh Phúc.
Khi tiếp cận, tổ công tác nhận thấy cả 4 người đang ướt sũng, rét run.
Trao đổi nhanh được biết người đàn ông tên Phan Văn Giang (sinh năm 1983) cùng vợ là chị Hà Thị Oanh (sinh năm 1986) và các con gồm Phan Văn Bảo (sinh năm 2019) và cháu Phan Quốc Cường mới 6 tháng tuổi, cùng trú ở Nam Định.
Cả gia đình này vừa từ phía Nam xuống máy bay ở Sân bay Nội Bài - Hà Nội, đang tìm đường ra bến xe để về Nam Định nhưng do lạc đường, cả nhà càng đi càng mất phương hướng, chỉ thấy đồng không mông quạnh, nên các cháu rất mệt mỏi và đói rét.
Gia đình anh Giang được các chiến sĩ đưa về trụ sở để hỗ trợ, giúp đỡ.
Nắm được nội dung trên, Đại uý Nhữ Quốc Hội, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 15, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) - Tổ trưởng tổ công tác đã nhanh chóng giải thích cho gia đình anh Giang biết họ đang đi lên Vĩnh Phúc và trên tuyến không có bến xe nào đi về Nam Định.
Vào thời điểm được phát hiện, gia đình anh Giang đã đi bộ cách Sân bay Nội Bài gần 10km. Tổ công tác đề nghị được giúp đỡ gia đình anh để bảo đảm sức khỏe cho các cháu.
Ngay khi báo cáo chỉ huy, tổ công tác đã sử dụng xe chuyên dụng đưa cả gia đình anh Giang về trạm kiểm soát quốc lộ 2 để hỗ trợ, chăm sóc.
2 cháu nhỏ đã thiếp đi ngay trên giường nghỉ của cán bộ, chiến sĩ.
Tại trạm kiểm soát, Tổ công tác đã hỗ trợ thực phẩm, nước uống, nơi nghỉ cho gia đình anh Giang. Do quá mệt mỏi, 2 cháu nhỏ đã thiếp đi ngay trên giường nghỉ của cán bộ, chiến sĩ.
Được biết, vợ chồng anh Giang làm ăn ở Đắk Nông, vừa có thêm con trai (6 tháng tuổi), nên thu xếp đưa cả gia đình về quê đón Tết cùng ông bà. Do không thông thạo đường xá, cứ nghĩ ra đường là bắt được xe nên cả nhà đi bộ từ sân bay ra quốc lộ nên bị lạc đường.
Các chiến sĩ bố trí phương tiện đưa cả gia đình trở về quê ngay trong đêm.
Sau khi được chăm sóc nghỉ ngơi, gia đình anh Giang đã được cảnh sát giao thông bố trí phương tiện đưa cả gia đình trở về quê ngay trong đêm.
Xúc động và cảm kích trước hành động của tổ công tác, anh Giang đã gửi lời cảm ơn đến Ban giám đốc, cán bộ Công an thành phố Hà Nội và cá nhân các chiến sĩ Tổ công tác số 3, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình cho gia đình anh trong lúc khó khăn hoạn nạn.
Kon Tum hứng liên tiếp 3 trận động đất trong ngày 28 Tết
Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi liên tiếp 3 thông báo động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo đó, vào hồi 04 giờ 11 phút 50 giây (giờ GMT) ngày 07 tháng 02 năm 2024 tức 11 giờ 11 phút 50 giây (giờ Hà Nội) ngày 07 tháng 02 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.860 độ vĩ Bắc, 108.270 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Vị trí xảy ra 3 trận động đất ở Kon Tum ngày 28 Tết.
Trước đó, 2 trận động đất có độ lớn 3.7 và 3.3 cũng xảy ra tại vị trí này. Theo đó vào hồi 03 giờ 49 phút 46 giây (giờ GMT) ngày 07 tháng 02 năm 2024 tức 10 giờ 49 phút 46 giây (giờ Hà Nội) ngày 07 tháng 02 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 3.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.829 độ vĩ Bắc, 108.273 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Vào hồi 03 giờ 59 phút 58 giây (giờ GMT) ngày 07 tháng 02 năm 2024 tức 10 giờ 59 phút 58 giây (giờ Hà Nội) ngày 07 tháng 02 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.834 độ vĩ Bắc, 108.286 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Theo các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, các trận động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước, tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên. Dù không gây rủi ro thiên tai, song cũng không thể chủ quan.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân và chính quyền địa phương cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
Từ năm 2021 đến nay, liên tục ghi nhận hàng trăm trận động đất có độ lớn 2,5-4,7 độ richter, tập trung tại huyện Kon Plông, Kon Tum. Các trận động đất xảy ra gây rung lắc mạnh ở các xã vùng núi huyện Kon Plông.
Trước đó, Viện Vật lý Địa cầu đã đưa vào hoạt động 8 trạm quan sát động đất ở Kon Tum. Việc này giúp cung cấp nguồn số liệu quan trọng để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.
Đồng thời, UBND huyện Kon Plông luôn phối hợp nhiều cơ quan chức năng để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân vùng cao tại tỉnh Kon Tum.