Trên đường chở con từ nhà riêng sang nhà mẹ ruột, cô giáo mầm non ở Quảng Nam dắt xe qua đoạn đường ngập nên bị lũ cuốn trôi.
Cô giáo mầm non bị lũ cuốn tử vong, để lại 3 con nhỏ và người chồng bị tai biến
Tối 10-10, ông Phan Đình Dung, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, Quảng Nam), cho biết một cô giáo mầm non vừa bị nước lũ cuốn trôi, tử vong.
Theo đó, khoảng 16 giờ 20 phút cùng ngày, cô giáo Lương Thị Mỹ Linh (39 tuổi, ngụ thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây) chạy xe máy, chở theo con gái từ nhà riêng đến nhà mẹ ruột.
Khi đến đoạn đường ngập (thôn Trung Lương), cô Linh tắt máy, dắt xe qua nhưng không may bị nước chảy xiết, cuốn trôi xuống ruộng. Thời điểm gặp nạn, cô Linh mặc áo mưa.
Thấy mẹ bị lũ cuốn, con gái cô Linh la hét, nhờ người ứng cứu. Người dân ở gần phát hiện, bơi ghe ra ứng cứu thì cô Linh đã tử vong.
Được biết, cô Linh là giáo viên của một trường mầm non tư thục trên địa bàn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chồng cô Linh bị tai biến, cô mất để lại ba con nhỏ đang tuổi ăn học, đứa lớn nhất học lớp 9, nhỏ nhất mới 1 tuổi.
- Tối cùng ngày, lãnh đạo UBND phường Hoà Thuận (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết lực lượng chức năng đang tìm kiếm tung tích một người đàn ông mất tích.
Theo đó, chiều cùng ngày, ông Đoàn Văn Hương (ngụ khối phố Đông Trà, phường Hoà Thuận) nghe tin có một học sinh bị nước cuốn trôi nên đã nhảy xuống ứng cứu. Ông Hương không may bị lũ cuốn mất tích, còn cháu bé may mắn được cứu sống.
- Cũng liên quan đến lũ, ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) đính chính về việc hai người dân địa phương bị lũ cuốn mất tích.
Trước đó, UBND xã Trà Cang báo cáo, chiều 9-10, anh Hồ Văn Tiến và chị Hồ Thị Dâu (28 tuổi, ngụ xã Trà Cang) băng qua sông Na thì bị lũ cuốn mất tích. Tuy nhiên, UBND xã Trà Cang mới xác minh lại, anh Tiến đã may mắn thoát nạn, bị thương và về nhà từ hôm qua.
“Sau khi thoát khỏi dòng nước lũ, anh Tiến bị va đập, cố gắng về nằm ở nhà”, ông Lạc thông tin.
Không khí lạnh liên tiếp tràn xuống, miền Bắc mưa rét đến khi nào?
Trưa và chiều nay (10/10), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 6, giật 8, biển động.
Trong chiều tối và đêm 10/10, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió trong đất liền hướng Đông Bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đêm và sáng trời lạnh, vùng núi Bắc Bộ trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng ở vùng núi Bắc Bộ phổ biến từ 16-18 độ; khu vực trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 18-21 độ.
Miền Bắc đón liên tiếp các đợt không khí lạnh tăng cường trong tháng 10
Dự báo ngày 11/10, nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi, trung du Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn duy trì như ngày 10/10 nhưng nhiệt độ ban ngày tăng lên 1-2 độ, trời chỉ còn rét về đêm và sáng ở khu vực vùng núi, lạnh về đêm và sáng ở khu vực trung du, đồng bằng.
Cơ quan khí tượng nhận định, khoảng ngày 16-17/10, không khí lạnh có khả năng tăng cường yếu trở lại. Từ nay đến cuối tháng 10, không khí lạnh sẽ gia tăng về cường độ và tần suất.
Cũng do tác động của không khí lạnh, chiều tối và tối nay (9/10), khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Từ chiều tối nay đến sáng ngày 10/10, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Từ chiều tối ngày 9-11/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trên biển, chiều tối và đêm 10/10, ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2-3m; biển động. Ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 4,0-6,0m; biển động mạnh.
Giá xăng có thể tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh tới
Theo lịch, ngày 11/10 sẽ là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này tăng cao so với kỳ tính giá trước đó (ngày 3/10).
Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 tại Singapore cập nhật đến ngày 6/10 là 92,93 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 là 95,31 USD/thùng. Đây là mức tăng cao nhất của hai loại dầu trên kể từ lần điều chỉnh giá ngày 3/10 vừa qua.
Tương tự, giá dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ này cũng tăng mạnh so với chu kỳ trước. Bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/10 như sau: dầu diesel có giá 137,87 USD/thùng, dầu hỏa giá là 124,07 USD/thùng, dầu mazut là 400,83 USD/tấn.
Giá xăng dầu trên thế giới tăng có thể ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu cũng tăng mạnh sau quyết định của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). OPEC+ quyết định sẽ giảm sản lượng dầu tháng 11 ở mức 2 triệu thùng/ngày so với tháng 10, tương đương 2% tổng nguồn cung dầu thế giới. Giá dầu thô Brent hiện đã tiến sát mốc 100 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 92,46 USD/thùng, tăng 4,74% so với phiên trước đó. Còn dầu thô Brent giao dịch ở mức giá 97,92 USD/thùng, tăng 3,71% so với phiên liền trước.
Tính chung trong cả tuần này, giá dầu Brent đã tăng 10%, còn giá dầu WTI tăng tới gần 15%. Đây là tuần tăng mạnh nhất của hai loại dầu trên kể từ tháng 3/2022.
Do giá xăng dầu thế giới và giá xăng nhập có xu hướng tăng cao nên tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có khả năng tăng mạnh trở lại nhưng mức tăng phụ thuộc vào việc cơ quan quản lý trích lập hay chi Quỹ bình ổn xăng dầu.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, trong kỳ điều hành ngày 11/10, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể tăng khoảng 300 đồng/lít, còn giá dầu diesel sẽ có khả năng tăng tới 2.000 đồng/lít.
Nữ giúp việc thân cận cắt camera, dàn cảnh trộm tài sản của gia chủ
Ngày 10/10, Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) cho biết, vừa tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Kim Nga (43 tuổi, trú xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để điều tra hành vi “Trộm cắp tài sản”.
Nguyễn Thị Kim Nga tại cơ quan công an
Trước đó, chị V.T.M.H (24 tuổi) trình báo về việc nhà chị tại quận Ngũ Hành Sơn bị trộm nhiều tài sản giá trị như: iPad, vàng, heo đất cất giữ tiền tiết kiệm…
Cơ quan công an vào cuộc, phát hiện camera an ninh trong nhà chị H. bị gián đoạn một thời gian ngắn. Các hướng điều tra đều hướng về người giúp việc của gia đình là Nguyễn Thị Kim Nga.
Chiều 8/10, cơ quan chức năng mời bà Nga lên làm việc. Qua đó, đối tượng Nga khai nhận do bị chủ nợ truy đòi nên đã trộm cắp của chủ nhà để trả nợ.
Theo đó, sáng 4/10, bà Nga mở sẵn cửa sau nhà chị H. rồi xin phép về quê ở Quảng Nam dự đám cưới họ hàng.
Đối tượng chụp ảnh check-in, đăng hình lên Facebook để tạo chứng cứ ngoại phạm rồi quay lại nhà chị H. bằng cửa sau đã mở sẵn trước đó.
Nga cắt hệ thống camera rồi lên tầng 2 trộm heo đất cất giữ tiền tiết kiệm, iPad Pro 2021 (trị giá 22 triệu đồng), 2 nhẫn vàng, 2 nhẫn bạc, 1 dây chuyền vàng, 1 lắc tay bằng vàng. Thực hiện xong vụ trộm, Nga gắn lại dây hệ thống camera và tẩu thoát bằng cửa sau.
Đối tượng đập heo đất lấy 1,5 triệu đồng, cầm dây chuyền và lắc vàng được 5 triệu đồng tại TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam).
Chiếc IPad bà mang đến tiệm cầm đồ nhưng bị chủ tiệm từ chối nhận. Sau đó, bà Nga mang iPad chôn ở một ngôi mộ trong nghĩa trang xã Bình An.
Được biết, bà Nga đã làm giúp việc cho gia đình chị H hơn 2 năm nay, được gia đình chị H. tin tưởng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tiền gửi được bảo đảm trong mọi trường hợp
"Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB đều được nhà nước bảo đảm trong mọi trường hợp".Thông điệp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ sáng 10-10, và khẳng định: "Những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình".
Theo đó, Thống đốc cho biết vừa qua, có một số thông tin lan truyền ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngân hàng SCB hoạt động bình thường, bảo đảm khả năng thanh khoản.
Với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như là vai trò của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng. Khi xây dựng, hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trong đó có ngân hàng SCB.