Mỗi khi ngước nhìn di ảnh người vợ sắp cưới, anh lại gục đầu vào tường khóc giật, người lịm đi.
Xé lòng hình ảnh chú rể ôm quan tài người vợ sắp cưới chết vì tai nạn giao thông
Cả ngày 29/8, anh Võ Tuấn Vũ túc trực bên quan tài vợ sắp cưới - chị Phạm Thị Nga (sinh năm 1996, xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam, vừa qua đời vì TNGT cùng ngày 29/8). Khuôn mặt anh Vũ bần thần, vô hồn. Mỗi khi ngước nhìn di ảnh người vợ sắp cưới, anh lại gục đầu vào tường khóc giật, người lịm đi. Cạnh đó, vợ chồng ông Phạm Trung (bố chị Nga), ngồi thẫn thờ bên chiếc quan tài người con gái, đôi mắt đỏ hoe. Đến giờ, ông vẫn không tin được rằng người con gái chuẩn bị cưới chồng lại qua đời vì TNGT.
Giọng anh Vũ như chết lặng, kể nếu không có dịch Covid-19 xảy ra thì đám cưới được tổ chức từ tháng 3/2020. "Lỡ cưới lần 1, hôm rồi, chúng em định lại ngày cưới vào ngày 17/6 (âm lịch), nhưng một lần nữa đám cưới lại bị hoãn vì dịch bệnh bùng phát trở lại.
"Chúng em yêu nhau thật lòng, 6-7 năm nay. Lỡ cưới lần 1, lần 2, chúng e đang định hết dịch Covid-19 sẽ xin phép hai bên gia đình để tổ chức. Ai ngờ, chuyện đau lòng xảy đến. Em còn chưa dám tin đó là sự thật!", Vũ khóc lịm.
Vũ kể: "thường ngày vợ em đi làm từ 5h30, em cũng đi làm từ 6h30. Cả 2 cùng làm công nhân nhưng khác địa điểm, ngược đường. Sáng nay, khi em vừa đến nhà máy chuẩn bị vào làm việc thì nhận được điện thoại từ bệnh viên Đa khoa Tam Kỳ (Quảng Nam) gọi báo tin và nói "ra nhanh kẻo không kịp gặp". Em vội vàng chạy đến viện, nhưng đi được nửa đường thì nghe tin dữ...".
Vũ cũng cho biết, theo người đưa Nga đi viện cấp cứu, sau cú va chạm với ô tô, Nga bị thương nặng, bất tỉnh. Người dân gọi xe cứu thương nhưng không được, gọi taxi cũng không ai đến, tình thế nguy cấp mọi người chở Nga vào bệnh viện bằng xe máy. Vào viện, Nga được xác định bị gãy tay, gãy chân, gãy xương ngực, mất máu, tổn thương bên trong nghiêm trọng nên tử vong khi được đưa đến bệnh viện.
>> Xem thêm: Cô gái tử vong vì TNGT: 2 lần hoãn cưới vì Covid-19, người yêu khóc lịm
Nữ đại gia bị cảnh sát hình sự "dỏm" xông vào nhà đọc lệnh bắt giam lên tiếng
Công an quận 11, TP HCM ngày 30-8, cho biết đang tạm giữ hình sự 2 đối tượng Trần Hữu Sơn (41 tuổi, ngụ quận 7) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên) để điều tra về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".
Hai ngày sau vụ việc xảy ra, bà T. (ngụ phường 7, quận 11) vẫn chưa hết hoảng sợ. Bà cho hay đến hôm nay khi nhớ lại sự việc vẫn không dám tin đó là sự thật.
Trần Hữu Sơn.
Trần Hồng Thái tại cơ quan công an.
Bà T. kể gia đình kinh doanh đá hoa cương ở địa phương. Ngày 28-8, bà cùng nhóm bạn đi làm từ thiện ở TP Cần Thơ, đến tối mới về đến nhà.
Khoảng 22 giờ 15 phút, bà T. chuẩn bị đi ngủ thì có người gọi cửa. Bà T. ra mở hé cửa thì thấy 2 người đàn ông mặc sắc phục công an.
Giấy tờ giả mà các đối tượng sử dụng.
Bà T. hỏi: "Các anh đến nhà tôi có chuyện gì không?". Ngay lập tức, 2 đối tượng kéo cửa xông vào nhà tự xưng là cán bộ thuộc Cục CSHS (Bộ Công an) đến để đọc lệnh bắt bà T. và khám xét nhà.
Do đang mặc áo ngủ, bà T. yêu cầu được thay đồ nhưng 2 cảnh sát "dỏm" không đồng ý.
Bà T. la lên: "Tôi ở nhà một mình. Các anh định ăn hiếp tôi hả?".
Hai cảnh sát "dỏm" sợ bị phát hiện nên đồng ý để bà T. lên tầng trên thay đồ. Hai đối tượng vẫn thản nhiên ngồi chờ bà T. xuống phía dưới với mục đích đe dọa, chiếm đoạt tài sản.
Sau khi thay đồ xong, bà T. đi xuống hỏi 2 "cảnh sát hình sự" bắt bà về hành vi gì? Một đối tượng cho biết đọc lệnh bắt tạm giam và khám xét nhà vì bà T. đánh bạc và cho vay nặng lãi.
Biết mình không liên quan gì đến hành vi trên, bà T. tìm cách gọi điện cho người em họ đến giúp đỡ.
Người dân phát hiện sự việc liền gọi điện cấp báo Công an phường 7, quận 11.
"Tôi đang ở trong nhà thì phát hiện có nhiều công an đến nên hoảng sợ tăng huyết áp gần ngất xỉu. Chỉ đến khi công an phường mời 2 đối tượng về trụ sở làm việc thì tôi mới biết mình bị lừa", bà T. nhớ lại.
Lãnh đạo Công an phường 7 cho hay khi đến hiện trường, 2 đối tượng còn có hành động dọa nạt, bảo là cán bộ của Cục CSHS đi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi xem thẻ ngành và hỏi mấy câu nghiệp vụ, công an phường nghi vấn đối tượng giả mạo nên mời về trụ sở làm việc.
Tại đây, 2 đối tượng mới thừa nhận giả mạo CSHS nhằm mục đích đe doạ bà T., chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Sơn khai để thực hiện ý đồ, hắn lên mạng đặt mua 2 bộ quân phục công an, súng ngắn giả. Ngoài ra, Sơn còn thuê ôtô rồi gắn biển số xanh giả để sử dụng. Chuẩn bị xong, Sơn lái xe chở Thái đến nhà bà T. yêu cầu đưa 200 triệu đồng nhưng không thành.
Vụ bệnh nhân Covid-19 Đà Nẵng tổ chức đám tang: Là sự cố rủi ro ngoài ý muốn
Ngày 30-8, bác sĩ Trần Quang Pháp, Phó Giám đốc Bệnh viện 199 (trực thuộc Bộ Công an - đóng tại TP Đà Nẵng) cho biết Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với bệnh viện về trường hợp bệnh nhân 1040.
Trả lời Báo Người Lao Động, bác sĩ Pháp cho hay sự cố bệnh nhân 1040 là "rủi ro ngoài ý muốn" trong phòng chống dịch Covid-19. Bệnh viện này sẽ xem xét để rút kinh nghiệm vấn đề xử lý kết quả xét nghiệm cho các bệnh nhân có diễn tiến bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện, không để xảy ra trường hợp tương tự.
Theo bác sĩ Pháp, ngày 13-8, Khoa Hồi sức của Bệnh viện 199 tiếp nhận bệnh nhân (ông T.P.H, SN 1965, trú thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) từ Bệnh viện Đà Nẵng. Lúc này bệnh nhân đã có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, lần gần nhất là vào ngày 9-8 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 14-8, Bệnh viện 199 lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân này và có kết quả âm tính.
Đến ngày 27-8, bệnh nhân này tiếp tục được Bệnh viện 199 lấy mẫu cùng với các bệnh nhân khác. Cũng trong ngày này, bệnh nhân có diễn tiến nặng dần, tiên lượng tử vong. Bệnh viện đã có giải thích với người nhà về tình hình của bệnh nhân trên. Lúc này, người nhà có nguyện vọng xin bệnh viện cho bệnh nhân được về nhà.
Khi đó, Bệnh viện 199 chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cho bệnh nhân trên do mới lấy mẫu trong ngày. "Về nguyên tắc, bệnh nhân đã lấy mẫu thì phải chờ có kết quả. Tuy nhiên trường hợp này bất khả kháng. Người nhà muốn theo phong tục, xin bệnh nhân về để tử vong tại nhà. Nếu bệnh viện không cho về thì cũng khó" - bác sĩ Pháp cho hay.
Vì vậy, dựa trên kết quả âm tính 3 lần trước đó, bệnh viện đã giải quyết cho người nhà đưa bệnh nhân H. về lúc 22 giờ ngày 27-8. Sau khi về nhà, đến 23 giờ 55 phút cùng ngày thì bệnh nhân H. tử vong. "Dù chưa có kết quả lần 4 nhưng xét trong tình thế trên cũng khó. Nếu nói chờ kết quả thì người nhà không chịu và có thể sẽ phản ứng. Ngay trong đêm đó, bệnh nhân có dấu hiệu xấu đi nên bệnh viện không còn cách nào khác" - bác sĩ Pháp lý giải.
Khu điều trị nội trú bên trong Bệnh viện 199 - Bộ Công an
Phó Giám đốc Bệnh viện 199 thừa nhận, tình huống trên rất khó xử lý mà "chỉ người trong cuộc mới hiểu". "Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sẽ có phương án nhanh và sớm hơn đối với việc thực hiện sớm các xét nghiệm liên quan đến bệnh nhân nặng" - bác sĩ Pháp nói. Cũng theo bác sĩ này, một lần chạy máy xét nghiệm khoảng hơn 90 mẫu. Trước đó, để giải quyết tình thế cấp bách đối với các ca bệnh nặng, bệnh viện đã chấp nhận lỗ để giải quyết một số ít mẫu dù chưa đủ số lượng. Tuy nhiên, do tình huống bệnh nhân 1040 diễn tiến nặng trong đêm nên đã xảy ra sự cố trên.
Hiện tại, Bệnh viện 199 đã cách ly hoàn toàn 6 người nhà, 6 bệnh nhân và 21 nhân viên y tế tại Khoa hồi sức, nơi bệnh nhân 1040 điều trị trước khi tử vong. Kết quả xét nghiệm của những người này đều đã âm tính với SARS-CoV-2.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi bệnh nhân H. tử vong tại nhà ở thôn Thạch Bồ thì sáng 28-8 người nhà đã tổ chức đám tang. Cụ thể từ 7 giờ, ban nhân dân thôn đến nhà bệnh nhân để chuẩn bị đám tang; từ 10 đến 12 giờ, tiến hành tẩm liệm. Tham gia tẩm liệm có 3 người dân trong thôn và anh em, họ hàng, bà con của bệnh nhân; từ 12 giờ có nhiều người đến viếng đám tang.
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của bệnh nhân trong tối 28-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng lập tức thông báo Trung tâm Y tế Hòa Vang báo cáo UBND huyện Hòa Vang để dừng các hoạt động tang lễ và thiết lập cách ly khu vực thôn Thạch Bồ. Đến 9 giờ ngày 29-8, bệnh nhân được Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển đi hỏa táng theo quy định. Chiều 29-8, Bộ Y tế đã công bố bệnh nhân trên là ca bệnh 1040.
Ngày 29-8, ngành y tế đã lấy mẫu 74 trường hợp tiếp xúc gần tại nhà bệnh nhân, bao gồm Ban nhân dân thôn, người tẩm liệm, họ hàng, anh em và những người dự đám tang. Dân số tại tổ 4 thôn Thạch Bồ có khoảng hơn 400 người. Ngoài ra, cơ quan y tế đã xác định F1 ở các địa phương khác và đã lấy mẫu xét nghiệm 20 trường hợp.
Giá vàng trong nước hôm nay 30/8
Ghi nhận ở thị trường trong nước sớm nay, giá vàng SJC tại công ty VBĐQ Sài Gòn đang niêm yết cho thị trường TP.HCM với giá 55,8-56,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC trên hệ thống Phú Quý đang đứng tại 55,9-56,75 triệu đồng/lượng. Trên hệ thống Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC ở mức 56,05-56,74 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC tại các thương hiệu trong nước trên có được mức tăng từ 450-600 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 150-460 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng tăng 720 nghìn đồng/lượng chiều mua vào, 470 nghìn đồng/lượng bán ra trong tuần qua và đang giao dịch ở 53,83-54,68 triệu đồng/lượng.
Còn giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở 55,8-56,8 triệu đồng/lượng, tăng 650 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 550 nghìn đồng/lượng bán ra so với thời điểm chốt phiên cuối tuần trước...