Nữ chủ tiệm gội đầu bên Đại lộ Bình Dương được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ. Cửa tiệm nơi xảy ra vụ việc vừa khai trương khoảng 1 tháng trước.
Nữ nhân viên kinh hãi phát hiện chủ tiệm gội đầu tử vong trong tư thế treo cổ
Trưa 17/8, nữ nhân viên đến tiệm gội đầu bên Đại lộ Bình Dương (phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) để làm việc như thường lệ nhưng cửa tiệm khóa trái, gọi không ai trả lời.
Nghi có việc chẳng lành, người này nhờ người đi đường đến hỗ trợ phá cửa. Tuy nhiên, một số người nhìn qua khe cửa thì phát hiện bà chủ tiệm gội đầu trong tư thế treo cổ nên trình báo cơ quan chức năng.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Nhận tin báo của người dân, Công an thành phố Thủ Dầu Một nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Khi phá cửa vào trong, lực lượng chức năng phát hiện một phụ nữ đã tử vong. Danh tính nạn nhân được xác định tên N.T.N.N. (37 tuổi, quê Bình Phước). Cơ quan chức năng sau đó đã phong tỏa hiện trường để khám nghiệm, điều tra vụ việc.
Thi thể nạn nhân hiện đã đưa về nhà xác Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để chờ người thân đến làm thủ tục bàn giao. Được biết, tiệm gội đầu nơi xảy ra vụ việc vừa khai trương khoảng 1 tháng trước.
Hà Nội hướng dẫn chuyển trường cho học sinh cấp 3
Sở GD&ĐT Hà Nội đã hướng dẫn tạm thời về công tác chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp trung học phổ thông), trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Một trong những yêu cầu quan trọng của Sở GD&ĐT Hà Nội đối với các đơn vị, nhà trường là không lợi dụng việc chuyển trường để làm thay đổi kết quả học tập, rèn luyện của học sinh hoặc buộc học sinh phải chuyển trường.
Theo Sở GD&ĐT, việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh phải thực hiện công khai, đúng quy định, bảo đảm đúng chỉ tiêu tuyển sinh được giao.
Theo đó, đối tượng học sinh chuyển trường là những học sinh chuyển nơi cư trú theo cha (hoặc mẹ, hoặc người giám hộ); học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình; học sinh có lý do thực sự chính đáng phải chuyển trường.
Học sinh từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến trường trung học phổ thông công lập của thành phố Hà Nội (bảo đảm đúng chỉ tiêu tuyển sinh được giao) là học sinh đang học tại các tỉnh, thành phố; đồng thời học sinh (hoặc cha, mẹ, người giám hộ) phải có nơi thường trú tại Hà Nội. Các trường hợp khác chỉ được chuyển đến các trường trung học phổ thông công lập tự chủ, tư thục hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Hướng dẫn tạm thời của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nêu rõ, việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không phụ thuộc vào sách giáo khoa được lựa chọn khác nhau giữa trường nơi chuyển đi và trường nơi chuyển đến.
Học sinh trung học phổ thông học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sau khi đã hoàn thành chương trình, được lên lớp trên thì được chuyển trường; khi chuyển trường nếu có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Căn cứ tình hình thực tế của đơn vị (về chỉ tiêu tuyển sinh được giao, sĩ số, điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông (nếu có), trình độ học sinh….) các đơn vị xây dựng quy trình giải quyết thủ tục chuyển trường, thủ tục xin học lại (nếu có) bảo đảm đúng quy định tại các văn bản hướng dẫn hiện hành và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.
Người phụ nữ tử vong sau khi tham gia "trò chơi" uống rượu
Liên quan vụ người phụ nữ tham gia uống rượu tại quán Hongdae (tọa lạc số 21 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP Hồ Chí Minh) sau đó tử vong, ngày 17/8, UBND phường Đa Kao, quận 1 đã thông tin về vụ việc.
Quán Hongdae (nơi xảy ra vụ việc).
UBND phường Đa Kao, cho biết, địa chỉ trên là địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Monstas (quán Hongdae) do ông Hong Sukho là người đại diện theo pháp luật, trụ sở chính tại A-00.04 khu dân cư đa chức năng tại lô 6-9, số 2, đường số 13, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.
Qua kiểm tra, xác minh, quán Hongdae không tổ chức thi uống rượu vào tối 11/8. Tuy nhiên, vào thời điểm trên, quán Hongdae có tổ chức trò chơi thử thách uống rượu (game Daebomb, đây không phải là cuộc thi hay sự kiện tổ chức vào một ngày cụ thể và tất cả khách đều có thể tham gia game). Quá trình thu thập thông tin được biết, do khả năng uống rượu của mỗi khách hàng là khác nhau, quán không chủ động khuyến khích, mời chào khách chơi.
Bên hông của quán cũng cửa đóng, then cài.
Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND phường Đa Kao, vào tối 11/8, chị Phan Thị Mai A. (SN 1993, ngụ phường 26, quận Bình Thạnh) cùng bạn sử dụng dịch vụ tại quán Hongdae. Chị A. đã tham gia vào trò chơi trên và bị ngất tại quán, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Sau khi nhận được tin báo, Công an phường Đa Kao đã lập hồ sơ ban đầu, ghi lời khai những người liên quan và thu giữ tang vật có liên quan. Tiếp đó, Công an phường Đa Kao phối hợp cùng Đội Cảnh sát hình sự, Đội Điều tra tổng hợp Công an quận 1 bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, đưa nạn nhân về trung tâm pháp y làm rõ nguyên nhân cái chết. Hiện, vụ việc đang được Công an quận 1 điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an phường Đa Kao đã thăm hỏi, động viên anh Nguyễn Tường L. (chồng nạn nhân). Đồng thời, UBND phường Đa Kao cũng làm việc, yêu cầu cơ sở trên không được tiếp tục tổ chức trò chơi thử thách uống rượu nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
72% người rút BHXH một lần ở khu vực phía Nam và miền Trung, đa số là công nhân
Xem xét giảm mức đóng BHXH
Trong phiên thảo luận sáng 17/8 tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, về cơ bản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tình cao với dự thảo, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Ông Phan Văn Anh cho biết, về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, việc điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện để người lao động hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Theo ông Phan Văn Anh, việc này phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và được người lao động rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, để khuyến khích người lao động có tuổi đời cao từ 45 tuổi trở lên tham gia BHXH để được thực hiện chế độ hưu trí thì người lao động vẫn còn băn khoăn. Bởi lao động nam có 15 năm đóng BHXH thì tỉ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi thì bị trừ 10% nên tỉ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%. Do đó, vấn đề này đề nghị cần xem xét ở khía cạnh có hỗ trợ đối với đối tượng khi về hưu có thu nhập thấp, không bảo đảm được cuộc sống tối thiểu.
Đối với quy định rút BHXH một lần, ông Phan Văn Anh cho biết, đây là một quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, việc người lao động được hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng trong thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng tới KT-XH.
Với 2 phương án của dự thảo đưa ra, ông Phan Văn Anh cho rằng, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng. Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần có các nhóm giải pháp để đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trừ Singapore và Trung Quốc có mức đóng BHXH cao hơn Việt Nam, những nước trong khu vực có mức đóng BHXH thấp hơn rất nhiều. Ví dụ Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.
Ông Phạm Tấn Công phân tích: "Tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam là 17% với doanh nghiệp, nếu cộng tất cả các loại cả phần đóng góp của người lao động, cả BHYT thì lên tới 32%. Cao như vậy thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi, việc làm ít đi, thu nhập bị ảnh hưởng, ảnh hưởng nuôi dưỡng nguồn thu phát triển trong xã hội".
Chủ tịch VCCI cũng nêu kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp xem xét giảm mức đóng BHXH xuống khoảng 20%, trong đó doanh nghiệp đóng 15%, người lao động đóng 5%.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, phức tạp
Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong Bộ luật Lao động, phức tạp nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Với Luật BHXH sửa đổi, đây cũng là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất.
Ông Đào Ngọc Dung cũng cho hay, ban đầu cơ quan soạn thảo tính toán 3 phương án khác nhau về rút BHXH một lần, nhưng sau khi ra Chính phủ gom lại 2 phương án. Song tất cả phải trên cơ sở làm sao hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước với giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động. Đồng thời, không gây sốc với người lao động, nhất là với người lao động khó khăn.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn lại con số 72% người rút một lần ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân. Tuy nhiên, cả 2 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra "thực sự chưa có phương án tối ưu nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được".
Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, nếu nhìn đúng tinh thần Nghị quyết 28 phải chọn phương án 2. Phương án hài hòa giữa người đóng góp, đang tham gia cũng như người tương lai tham gia. Nhưng phương án 2 lại tiếp tục cho người lao động (sau có khi luật sửa đổi có hiệu lực) được rút, là không trọn vẹn. Vì thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến nhằm tiếp tục nghiên cứu, tính toán.
Cựu thiếu tá quân đội tông chết nữ sinh Ninh Thuận: Mọi lời xin lỗi giờ đã muộn màng
Đây là phiên tòa được đưa ra xét xử sau 2 lần hoãn. Bị cáo Hoàng Văn Minh (SN 1986, cựu thiếu tá, trợ lý tài chính Trung đoàn Không quân 937) bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Hai bị cáo khác là Huỳnh Thị Kim Hằng (vợ ông Minh) và Phạm Văn Võ (chồng dì ruột Minh, ngụ Bình Dương) bị đưa ra xét xử về tội "Khai báo gian dối".
Tại phiên tòa, HĐXX tập trung làm rõ vai trò, hành vi của bị cáo Minh trong việc để xảy ra vụ tai nạn khiến nữ sinh lớp 12 Hồ Hoàng Anh tử vong. Minh cho biết khi chạy xe qua đường có nhận cuộc điện thoại từ đơn vị nhưng nghe điện thoại thông qua thiết bị Bluetooth.
Khi thấy nạn nhân nằm bất động, do lo sợ sự việc ảnh hưởng xấu đến bản thân và đơn vị nên Minh đã nói riêng với Phạm Văn Võ, nhờ ông này nhận là người điều khiển xe gây tai nạn.
Người thân gia đình nữ sinh Ninh Thuận mang di ảnh đến phiên tòa sáng 17-8.
Còn 2 bị cáo Hằng, Võ cho biết dù biết Minh là người điều khiển xe gây nên vụ tai nạn nhưng vẫn đồng ý để Võ nhận thay mình là người lái. Lý do vì cả 2 nghĩ tai nạn chỉ ở mức độ nhẹ.
Tuy nhiên, hôm sau, 29-6-2022, sau khi nghe tin nữ sinh Hồ Hoàng Anh tử vong thì Minh chở Hằng và Võ đến Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm để khai báo đúng sự thật.
Đại diện luật sư của bị cáo trong vụ án này cũng thay mặt thân chủ gửi lời xin lỗi đến gia đình nữ sinh Hồ Hoàng Anh. Tuy nhiên, bà Phạm Kiều Nữ, mẹ nữ sinh Hồ Hoàng Anh, không chấp nhận lời xin lỗi. "Nếu thực sự bị cáo Minh hối lỗi thì ngay từ đầu đã có thái độ khác. Mọi lời xin lỗi bây giờ đã là muộn màng" - bà Nữ bày tỏ.
Ba bị cáo tại phiên tòa sáng 17-8 - cựu thiếu tá Hoàng Văn Minh ở giữa.
Luật sư Nguyễn Văn Nhanh (Đoàn luật sư TP HCM), bảo vệ gia đình bị hại, cũng đưa ra nhiều câu hỏi xoay quanh việc ông Võ đứng ra nhận là người lái xe gây ra vụ tai nạn.
Theo luật sư Nhanh, vợ ông Võ biết vụ việc này; sử dụng mạng xã hội để cho rằng nữ sinh có kết quả kiểm tra nồng độ cồn lên đến 0,79 mg/100 ml... là những tình tiết cần làm rõ.
"Vụ án này có dấu hiệu bỏ lọt người đồng phạm, người có vai trò tổ chức, người thực hiện. Luật sư sẽ có kiến nghị cụ thể để làm rõ, do đó cần trả hồ sơ" - luật sư Nhanh nhấn mạnh.
Gần 12 giờ trưa, sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để làm rõ vì nhiều lý do, trong đó có việc lý lịch nhân thân chưa rõ; cần đánh giá lại hành vi, vai trò của 2 bị cáo Hằng và Võ.