Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố điểm thi vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024.
Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 năm 2023
Thí sinh có thể tra cứu điểm thi lớp 10 Hà Nội tại địa chỉ https://tracuu.hanoi.edu.vn
(Ảnh minh họa).
Thực hiện công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tuyển vào trường THPT tại Hà Nội năm học 2023-2024 khoảng 102.000 em (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học trước). Trong đó, số lượng tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023), chiếm tỷ lệ 55,7%. Đây là tỷ lệ thấp kỷ lục trong vài năm trở lại đây.
Số còn lại sẽ vào học các trường THPT công lập tự chủ và tư thục, trung tâm GDNN - GDTX và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Xác minh thông tin bé 9 tuổi chậm phát triển bị cô giáo bạo hành bầm tím cơ thể
Trước đó, ngày 29-6, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin tố cáo cô giáo bạo hành một cháu bé 9 tuổi. Nội dung nhanh chóng nhận được nhiều sự phản ứng từ dư luận.
Đáng chú ý, theo nội dung được đăng tải, cháu bé 9 tuổi bị chậm phát triển, mỗi tháng gia đình đã chi 13 triệu đồng để nhờ giáo viên dạy can thiệp dịp nghỉ hè. Lớp học này có địa chỉ trên đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Vị phụ huynh này đã có cuộc trò chuyện với 1 người khác, qua đó gửi nhiều hình ảnh con của mình bị đánh bầm tím trên cơ thể, đặc biệt ở vùng mông.
Hình ảnh cháu bé 9 tuổi bị bầm tím trên cơ thế.
Liên quan đến vụ việc, thông tin từ lãnh đạo UBND phường Phương Liệt cho biết khi nắm được thông tin phản ánh về việc cháu bé 9 tuổi chậm phát triển nghi bị giáo viên dạy can thiệp bạo hành, lực lượng Công an phường Phương Liệt đã vào cuộc xác minh.
“Công an phường đã cử bộ phận chuyên môn xuống tại địa chỉ có phụ huynh phản ánh nhưng không có ai. Qua xác minh được biết căn hộ ở số 360 Giải Phóng trên được 1 cô giáo thuê ở. Giáo viên cũng dạy tự phát. Có thể do phụ huynh quen biết nên gửi gắm con chứ không có trường lớp, giấy phép. Qua sự việc gia đình chỉ ra công an phản ánh chứ không đề nghị gì. Hiện công an đang tiếp tục làm rõ vụ việc này” - lãnh đạo UBND phường Phương Liệt thông tin.
Không giao con cho vợ cũ theo bản án ly hôn, người bố bị tuyên án tù
Sáng 30/6, TAND TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Đàm Truyền Khải (SN 1980, trú tại phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) về tội “Không chấp hành án”, theo Điều 380 BLHS. Bị cáo Khải bị cáo buộc không giao con cho vợ cũ theo bản án ly hôn đã có hiệu lực.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Bắc Ninh, Khải và chị Cấn Thị Thùy Dương (SN 1990, trú tại phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh) đã ly hôn theo bản án của TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên tháng 9/2022. Tại bản án ly hôn, TAND tỉnh Bắc Ninh giao quyền nuôi con chung là cháu Đ.G.T (SN 2021) cho chị Dương.
Tháng 10/2022, Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Ninh ra quyết định, yêu cầu Khải phải giao người chưa thành niên là con chung (cháu T) cho chị Dương trực tiếp nuôi dưỡng. Sau đó, Khải không thực hiện dù chấp hành viên nhiều lần đôn đốc, thúc giục.
Cơ quan thi hành án sau đó sau đó còn gửi công văn tới Điện lực Bắc Ninh (nơi Khải làm việc) để phối hợp, nhưng Khải vẫn không giao con. Tháng 11/2022, chấp hành viên cơ quan thi hành án ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án, tuy nhiên Khải tiếp tục không chấp hành. Cũng vì không chấp hành quyết định thi hành án mà Khải bị xử phạt hành chính 3 triệu đồng.
Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Ninh sau đó phải phối hợp với UBND phường sở tại, cùng các ban ngành, đoàn thể đến động viên, thuyết phục Khải giao con. Nhưng thêm một lần nữa, Khải không thực hiện theo quyết định của bản án ly hôn.
Bị cáo Khải tại phiên tòa sáng 30/6.
Lần thứ hai, cơ quan thi hành tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với Khải vào tháng 2/2023, song Khải vẫn không giao con. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự đã kiến nghị cơ quan công an xem xét, xử lý hình sự đối với Khải theo quy định.
Tháng 4/2023, Cơ quan điều tra Công an TP Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Khải về tội “Không chấp hành án”. Từ đây, Khải mới chịu giao con cho vợ cũ nuôi dưỡng.
Tai tòa, bị cáo Khải khai, lý do không giao con chung cho chị Dương vì chị Dương không tuân thủ chế độ tiêm chủng cho cháu. Khi Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đến nhà và trao đổi với gia đình và nói sẽ phối hợp UBND phường sở tại đảm bảo việc cháu được tiêm thì Khải mới đồng ý giao con cho chị Dương.
Về việc quyết định xử phạt hành chính và cáo trạng truy tố mình, bị cáo Khải không có ý gì. Tuy nhiên, bị cáo Khải cho rằng, về lý là đúng nhưng về tình thì cháu đang tiêm bù, chưa được khỏe mạnh, thiệt thòi về chế độ y tế nên bị cáo chưa giao con.
Chủ tọa phiên tòa giải thích, bị cáo thương con và ông bà quý cháu nên cố níu kéo mà vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc thương con và việc phải chấp hành quy định của pháp luật theo bản án ly hôn thì bị cáo phải thực hiện, chứ không thể đưa ra các lý do để không thi hành bản án.
Có mặt tại phiên tòa, chị Dương khẳng định, những điều bị cáo Khải khai là bịa đặt chứ không đúng sự thật. Theo trình bày của chị Dương, ông bà nội cháu T và bị cáo Khải thương con, thương cháu nhưng ích kỷ, không đặt lợi ích của con, của cháu lên trên.
“Khải tách tôi khỏi con lúc tôi mới sinh được 8 tháng, và đó là quãng thời gian con trẻ cần mẹ nhất. Điều đó khiến tôi bị hành hạ về tinh thần, không ai bù đắp cho tôi được. Giờ, tôi chỉ có mong muốn an toàn để nuôi con”, chị Dương trải lòng.
Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm, bị cáo Khải coi thường pháp luật khi không chấp hành bản án của tòa án. Tuy nhiên, do bị cáo Khải phạm tội lần đầu và cũng đã thành khẩn khai báo nên có thể cho bị cáo được hưởng án treo, và giao UBND phường nơi bị cáo cư trú quản lý, giáo dục.
Sau nghị án, Hội đồng xét xử đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát khi tuyên phạt bị cáo Khải án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Không chấp hành án”. Ngoài hình phạt tù, bị cáo Khải còn phải chịu thêm thời gian thử thách là 12 tháng.
Phó Giám đốc Công an HN: Bắn chết dê của dân là hành động không thể chấp nhận được
Con dê của người dân bị bắn chết.
Chiều 30/6, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2023 của UBND TP.Hà Nội, lãnh đạo Công an TP.Hà Nội đã có chia sẻ về vụ việc 3 cựu công an bắn chết dê của người dân ở xã An Phú (huyện Mỹ Đức).
Theo đại tá Nguyễn Thành Long – Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội, đây là sự việc rất đáng tiếc, đáng buồn với lực lượng Công an nhân dân nói chung, Công an TP.Hà Nội nói riêng.
Đại tá Long cho hay, liên quan đến vụ việc này, khi thấy có dấu hiệu tội phạm, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ các thông tin liên quan.
“Đây là hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về đạo đức, lối sống, quy tắc ứng xử. Trong bối cảnh lực lượng Công an nhân dân nói chung, Công an TP.Hà Nội nói riêng đang tăng cường, đẩy mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân thì hành động này là không thể chấp nhận được”, đại tá Long nói.
Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội khẳng định, việc tước danh hiệu Công an nhân dân, khởi tố vụ án hình sự thể hiện tính nghiêm minh, quyết liệt của lực lượng Công an trong việc đấu tranh với mọi hành vi vi phạm trong nội bộ, không có vùng cấm.
Trước đó, chiều 27/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa về tội “Trộm cắp tài sản” để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định.
Theo Công an Hà Nội, vào trưa 26/6, 3 cán bộ công an đi ô tô con, mang theo 1 khẩu súng hơi vào khu vực núi Mào Gà để bắn chim.
Trong lúc đi săn, nhóm này đã bắn chết 2 con dê của người dân và cho vào cốp xe ô tô rồi đi về. Khi đến khu vực cầu Ái Nàng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, cả nhóm bị người dân phát hiện và chặn lại.
Nhận được thông tin, Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an huyện Mỹ Đức điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc.
Căn cứ kết quả điều tra, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa.
Xét xử vụ người phụ nữ bị cưỡng chế test COVID-19, cả hai bị đơn đều vắng mặt
Chiều nay, 30-6, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính giữa nguyên đơn là bà Hoàng Thị Phương Lan (người phụ nữ bị cưỡng chế test COVID-19 vào năm 2021) và bị đơn là Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú và Chủ tịch UBND TP Thuận An (tỉnh Bình Dương). Hai bị đơn vắng mặt.
Bà Lan tại phiên tòa.
Đại diện VKSND tỉnh Bình Dương cho rằng việc vắng mặt của bị đơn không ảnh hưởng tới phiên tòa. Trong khi đó, cả 3 luật sư bảo vệ cho bà Lan đều cho rằng việc bị đơn vắng mặt ảnh hưởng tới vụ án, họ đề nghị hoãn phiên tòa này.
Về phần bà Lan, khi được HĐXX hỏi có rút đơn hay không, bà Lan khẳng định không.
Bà Hoàng Thị Phương Lan là nhân vật trong clip bị lực lượng chức năng phường Vĩnh Phú (TP Thuận An) phá khóa cửa, cưỡng chế đưa ra ngoài test COVID-19 vào tháng 9-2021.
Bà Lan còn bị Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 triệu đồng về hành vi "không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm".
Sau sự việc trên, lãnh đạo UBND phường Vĩnh Phú đã nhận khuyết điểm, đồng thời xin lỗi bà Hoàng Thị Phương Lan với lý do "nóng vội trong công tác phòng chống dịch". Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Phương Lan không chấp nhận lời xin lỗi mà gửi đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết. Do đó, bà đã gửi đơn kiện Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú và Chủ tịch UBND TP Thuận An.
Theo đơn khởi kiện của bà Lan, bà cho rằng Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú lấy lý do bà "không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm" để ban hành quyết định xử phạt hành chính là không đúng pháp luật.
Trước đó, ngày 31-5, TAND tỉnh Bình Dương đã mở phiên tòa xét xử lần 1, nhưng sau đó đã hoãn.
Thông xe cầu vượt chữ C "độc lạ" nhất Hà Nội
Sáng nay (30/6), UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức thông xe cầu vượt chữ C, tại nút giao giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa.
Cầu vượt chữ C tại nút giao giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch chính thức thông xe.
Dự án xây dựng cầu vượt nút giao giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được thực hiện nhằm nâng cao năng lực giao thông qua nút giao ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Đông Tác, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực; tăng cường năng lực giao thông trên các tuyến đường qua nút giao, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hình thành hạ tầng giao thông khung của thành phố Hà Nội.
Dự án bắt đầu triển khai thi công vào ngày 29/10/2021 với tổng mức đầu tư 147 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc một số nội dung liên quan đến công tác ngầm nổi, vận chuyển dầm thép của dự án, nên đã phải lùi tiến độ và tới sáng nay mới chính thức thông xe.
Lễ khánh thành dự án xây dựng cầu vượt nút giao giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.
Cầu vượt tại nút giao giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc là vầu vượt duy nhất ở Hà Nội chạy vòng cung hình chữ C.
Cầu vượt chữ C đưa vào sử dụng, được kỳ vọng sẽ giảm áp lực tại ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Đông Tác .
Cầu được xây dựng bằng kết cấu thép lắp ghép, tổ chức giao thông 2 chiều cho 2 làn xe hỗn hợp theo hướng Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch Cầu, có tổng chiều dài tính từ mố cầu 318m, chiều rộng 9m, chiều cao dầm thép 1,2m.
Dưới gầm cầu cũng trang bị hệ thống biển báo phân luồng giao thông.
Các phương tiện được phép quay đầu tại điểm mở bên dưới gầm cầu.
Cầu vượt chữ C sẽ cấm các phương tiện như: xe thô sơ và người đi bộ; xe ô tô tải; xe khách; xe buýt; các loại xe máy kéo; xe máy thi công chuyên dùng; các loại phương tiện có chiều cao quá 3.5m lưu thông qua cầu vượt.
Các phương tiện lưu thông trên cầu vượt chữ C.