Trong ngày và đêm mai 25/12, do ảnh hưởng của bão số 16 (Tembin), ở Nam Bộ có mưa to; các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày.
Đảo Trường Sa Lớn đang có gió giật cấp 9
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão, ở Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn đang có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Lúc 10 giờ sáng nay 24/12, vị trí tâm bão số 16 ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Trong những giờ tới, bão số 16 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), như vậy chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân; cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).
Đường đi của bão số 16 trên biển Đông
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 10 giờ sáng mai 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 105,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h). Đến 22 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển gần bờ (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo) và đất liền ven bờ: cấp 4.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 220km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 130km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 36 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 104,0 độ Kinh Đông.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ sẽ có mưa lớn từ đêm mai 25/12 (Ảnh minh họa)
Đến 10 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,3 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Cà Mau và Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 5-7 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông và Vịnh Thái Lan trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và suy yếu thêm.
Cảnh báo mưa lớn: Trong ngày và đêm mai (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Thủ tướng ra công điện khẩn đối phó với bão số 16
Trong công điện khẩn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra trong khu vực); là vùng có quy mô kinh tế, đặc điểm dân sinh, thiết chế hạ tầng, đặc điểm tự nhiên dễ bị tổn thương khi bão đổ bộ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương rút kinh nghiệm, tránh tư tưởng chủ quan và để giảm thiệt hại như đã xảy ra với bão số 12 vừa qua và bão Linda năm 1997; tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do bão số 16.
Cuối giờ chiều nay 24/12, Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, trực tuyến với địa phương, để chỉ đạo ứng phó bão số 16. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường.