"Có điều gì đó đã xảy ra trên MH370, nhưng đó chắc chắn không phải là khủng bố".
Ngày 30/3, các nghị sĩ phụ trách tình báo của Quốc hội Mỹ cho biết các điều tra viên đã không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ đã xảy ra khủng bố trên máy bay MH370 cách đây 3 tuần, và việc tìm được chiếc máy bay để làm sáng tỏ những gì đã diễn ra là vô cùng quan trọng.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình tối qua, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein khẳng định họ không nhận thấy bất cứ âm mưu đen tối nào trong vụ mất tích bí ẩn của MH370.
Ông Rogers cho biết: “Tôi không thấy bất cứ kết quả điều tra nào giúp tôi kết luận rằng đã có điều gì đó đen tối trên chuyến bay, chỉ biết là đã có điều gì đó xảy ra.”
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers
Hồi tuần trước, các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết các điều tra viên FBI đã không tìm thấy bất cứ bằng chứng khủng bố nào trong thiết bị giả lập bay thu được tại nhà của cơ trưởng MH370.
Hôm Chủ nhật, hơn 20 quốc gia cùng 60 tàu thuyền và máy bay vẫn tiếp tục tìm kiếm chiếc Boeing 777 mất tích trước khi pin trong hộp đen của máy bay cạn kiệt trong vài ngày tới.
Ông Alan Diehl, người có 40 năm kinh nghiệm điều tra tai nạn cho chính phủ và quân đội Mỹ đã hối thúc Tổng thống Barack Obama đề nghị Malaysia cho phép Mỹ sử dụng một lượng lớn máy bay trinh sát P-3 Orion, máy bay vận tải MC-130 của không quân và tàu ngầm của hải quân Mỹ để săn tìm MH370 trước khi hộp đen “chết” hẳn.
Ông Diehl cũng cho rằng chiến dịch tìm kiếm MH370 sẽ rất tốn kém, nhưng điều đó là cần thiết để giải quyết bài toán về sự an toàn của 1.100 chiếc Boeing 777 hiện đang được sử dụng, cũng như để giảm bớt tác động tiêu cực đối với các sản phẩm trong tương lai của Boeing.
Ông nói: “Nếu trong vài năm tới, người ta vẫn thắc mắc về ‘bí ẩn máy bay Malaysia’, họ sẽ không mua máy bay của Boeing vì lo sợ bị lỗi. Điều đó có thể gây thiệt hại hàng tỉ USD cho Boeing và khiến hàng ngàn người Mỹ mất việc.”
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Feinstein cho biết hiện chính phủ Malaysia đang phụ trách chiến dịch tìm kiếm, và nếu muốn được Mỹ giúp đỡ về các nguồn lực tình báo và tăng cường tìm kiếm, chính phủ Malaysia phải chính thức đề nghị.
Lực lượng tìm kiếm sử dụng thiết bị thủy âm để dò tìm hộp đen MH370
Cho đến nay, Malaysia vẫn tin rằng hành trình của MH370 đã bị cố tình thay đổi, tuy nhiên việc ai đã thay đổi hành trình, và việc thay đổi đó có phải là do lỗi kỹ thuật hay không thì vẫn là một câu hỏi lớn.
Boeing 777 là một trong những loại máy bay an toàn nhất thế giới hiện nay. Tai nạn chết người gần đây nhất liên quan đến loại máy bay này là khi chuyến bay 214 của Asiana Airlines va vào tường chắn sóng tại sân bay San Francisco, khiến 3 người trong tổng số 307 hành khách thiệt mạng.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Rogers cho hay các điều tra viên Mỹ sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn nữa ổ cứng thiết bị giả lập bay của cơ trưởng MH370 cũng như điều tra nhân thân hành khách và phi hành đoàn nhưng việc này “sẽ mất rất nhiều thời gian”.
Khi được hỏi liệu Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ có những bức ảnh vệ tinh độ phân giải cao hơn về các mảnh vỡ phát hiện trên vùng biển nam Ấn Độ Dương hay không, bà Feinstein khẳng định là không, đồng thời cho rằng các quan chức tình báo Mỹ cũng không có thêm dữ liệu gì về MH370.
Bà Feinstein cho rằng những hình ảnh vệ tinh chụp được thiếu sắc nét có thể là do một số đặc điểm phức tạp của vệ tinh, tuy nhiên bà không giải thích thêm những đặc điểm đó là gì.
Bà nói: “Các bạn cần phải hiểu rằng tình báo Mỹ không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các vụ tai nạn máy bay. Đó không phải là công việc của họ. Công việc của họ là chống khủng bố, phòng thủ tên lửa và các nhiệm vụ tương tự.”
Trong hơn 2 tuần qua, thông tin được cả thế giới quan tâm nhất là số phận chiếc máy bay Malaysia mất tích cùng 239 người. Đã có tất cả 26 quốc gia tham gia tìm kiếm, nhiều vật thể lạ được phát hiện và rất nhiều giả thuyết được đưa ra sau quá trình phân tích các dữ liệu điều tra tuy nhiên tất cả cũng chỉ là những phỏng đoán. Chuyến bay mang số hiệu MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur vào lúc 0 giờ 40 phút ngày 8/3 (theo giờ Malaysia) để tới Bắc Kinh, mang theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Khi đạt tới độ cao 10.000m, chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar. Sau một tuần nỗ lực tìm kiếm quốc tế trên biển Đông không mang lại hiệu quả, ngày 20/3, phía Malaysia tin rằng máy bay bị ai đó có mặt trong buồng lái chuyển hướng một cách có chủ đích sang bờ biển phía Tây Bắc Malaysia sau khi đã tắt hệ thống liên lạc thông thường. Một chiến dịch tìm kiếm quy mô quốc tế với sự tham gia của 26 nước cùng phương tiện tìm kiếm hiện đại đều được huy động, từ vệ tinh đến thiết bị dò tìm dưới nước; từ tàu phá băng, tàu khu trục đến máy bay tìm kiếm hiện đại nhất đã quần thảo trên biển đông 5 ngày. Có rất nhiều vật thể lạ được tìm kiếm ở khu vực này tuy nhiên các máy bay đã không thể tiếp cận được do thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn. Những diễn biến mới xảy ra cùng ngày các quan chức Australia thông báo rằng họ đã phát hiện hai vật thể ở phía nam Ấn Độ Dương có thể liên quan tới chiếc máy bay. Vào 22 giờ ngày 24/3, khi những vật thể trôi nổi chưa được xác minh, Thủ tướng Malaysia đã mở cuộc họp báo khẩn cấp thông báo chiếc MH370 đã lao xuống biển Ấn Độ Dương, không một ai sống sót. Tuyên bố này đã dập tắt hi vọng về việc có người sống sót sau khi chiếc phi cơ mất tích hôm 8/3. Mời độc giả đoàn đọc toàn bộ thông tin vụ việc Máy bay Malaysia Airlines rơi xuống Ấn Độ Dương trên Tin tức EVA |