Tình yêu khiến con người trở nên mạnh mẽ. Với những người chạy thận, đó là ngọn lửa cháy đi những buồn phiền, lo toan để họ vươn lên chiến thắng bệnh tật.
Đó là chuyện tình yêu của anh Lê Việt Hưng (SN 1975) ở Thanh Trì – Hà Nội và chị Phùng Thị Hằng, (SN 1982) ở Ba Vì, Hà Nội. Tình yêu nảy nở khi hai người đã ở bên chân dốc cuộc đời. Dù biết bạn đời của mình sống nhiều lắm chỉ được vài năm nữa, nhưng họ vẫn quyết tâm đến với nhau.
Thời gian ngắn ngủi
Chị Hằng sinh ra trong gia đình thuần nông có bốn anh chị em. Cách đây 5 năm, chị phát hiện trong người có những biểu hiện lạ như bỗng nhiên tóc rụng nhiều, nói là mệt. Thấy vậy, gia đình đưa chị đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ cho biết chị bị viêm cầu thận. Đang là cô giáo dạy mầm non, chị Hằng đành nghỉ việc vì bệnh đã chuyển sang suy thận. Mỗi tuần, chị phải truyền hóa chất 3 lần mới hy vọng kéo dài sự sống. Kể từ đó, chị xuống “xóm chạy thận” ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) vật lộn với đủ thứ nghề kiếm sống để có tiền chạy thận.
Còn anh Hưng, năm 2000 cũng phát hiện bị suy thận, phải truyền hóa chất từ đó cho tới nay. Nhắc tới chuyện tình cảm, anh bảo, hai người gặp nhau khi cùng đi phát tâm ở một ngôi chùa. Sau chuyến đi ấy, anh Hưng đã xin số điện thoại của chị Hằng, từ đó họ thường xuyên nhắn tin cho nhau. Lúc đầu, cũng chỉ thi thoảng gặp mặt, uống với nhau cốc nước, trò chuyện với nhau những gì diễn ra trong cuộc sống chứ chưa hề có ấn tượng gì sâu đậm. Tình cảm tiến triển nhiều hơn là lúc chị Hằng phát bệnh phải đi cấp cứu. Khi đó không còn ai, chị đã gọi điện cho anh Hưng. Anh đã đến đưa chị đi cấp cứu, hàng ngày chăm sóc tận tình cho chị.
Dù mang trong người căn bệnh suy thận, nhưng anh Hưng, chị Hằng vẫn quyết tâm đến với nhau để chia sẻ những vui buồn. Ảnh: P.T
Ngày đó anh Hưng vẫn đang chạy thận ở Bệnh viện Nông Nghiệp. Sau mỗi ngày chạy thận, anh lại tranh thủ vào Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc, động viên chị vượt qua bệnh tật. Cứ như thế, hình ảnh của anh Hưng đã đi vào trái tim chị Hằng lúc nào không biết.
Chị Hằng tâm sự: “Bản thân mình cũng biết mang căn bệnh suy thận trong người là sẽ khổ như án tử được báo trước nên chẳng nghĩ tới chuyện lập gia đình. Lúc đầu mình chỉ nghĩ đó chỉ là tình thương giữa những người cùng mắc trọng bệnh, tình anh em, quý mến mà thôi. Những ngày anh Hưng một mình chăm sóc cho mình ở bệnh viện, hai người nói về gia đình, cuộc sống, nói cả đến cái chết. Những lúc ấy, mình lại khóc và được anh Hưng động viên nhiều. Có lẽ mình yêu anh từ lúc đó. Ngày anh Hưng ngỏ lời yêu, mình vừa hạnh phúc vừa tủi thân. Mình nghĩ không sống được bao lâu thì lấy nhau chỉ đem lại cho nhau vất vả, muộn phiền, nhưng anh Hưng bảo cả hai có cùng hoàn cảnh nên sẽ đồng cảm hơn để đi với nhau đến những ngày cuối đời”.
Hai người đã thuê trọ tại một căn phòng nhỏ ở “xóm chạy thận” gần Bệnh viện Bạch Mai… Không chỉ bị suy thận, chị Hằng còn bị suy tim, sức khỏe ngày càng yếu, không làm được gì. Để lo cho cuộc sống riêng của hai người, anh Hưng ngoài thời gian chạy thận còn đi làm xe ôm.
“Với những người khác, họ có nhiều thời gian sống bên nhau để mà giận dỗi nhau, còn với chúng tôi thì khác, thời gian không còn nhiều nên quý trọng nhau từng giờ. Nhiều khi cũng nghĩ tới chuyện con cái nhưng rồi ý nghĩ đó nhanh chóng qua đi vì cả hai đều mang trọng bệnh. Giờ chỉ cần được sống thêm bên nhau một ngày, một tháng đã là hạnh phúc lắm rồi, mình không dám đòi hỏi gì thêm”, anh Hưng chia sẻ.
Hạnh phúc nhân đôi
Cũng giống cặp đôi Hằng - Hưng, ở “xóm chạy thận” cũng có khoảng hơn chục đôi bạn trẻ đến với nhau bằng sự đồng cảm, yêu thương chân thành. Câu chuyện đầy xúc động về cặp vợ chồng anh H (33 tuổi, quê Hải Phòng) như một minh chứng cho tình yêu kỳ diệu ở “xóm chạy thận” này.
Khi vừa tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin được ít ngày, anh H bị ốm nặng phải đưa vào bệnh viện. Chính lúc này anh phát hiện mình mắc bệnh viêm cầu thận mãn. Mọi hy vọng, hoài bão của chàng cử nhân sụp đổ trước mặt. Không chấp nhận sự bế tắc, anh quyết định lên Hà Nội, vừa đi làm gia sư vừa chạy thận.
Trong một lần ngồi ở quán vỉa hè uống nước, anh H tình cờ gặp cô gái nhỏ nhắn quê ở Ninh Bình. Dù biết anh mang trọng bệnh nhưng cô vẫn chấp nhận mọi khó khăn, quyết tâm làm vợ anh.
Anh H đã vượt qua được mặc cảm bệnh tật để cầu hôn với người con gái mình yêu. Ngày hai anh chị công khai mối quan hệ của mình, cả “xóm chạy thận” mừng lắm. Nó làm cho họ sáng lên hy vọng về tương lai. Một người bệnh tật hiểm nghèo được một người bình thường chấp nhận yêu thương, cùng đi suốt cuộc đời này.
Cũng có nhiều người khuyên vợ anh từ bỏ ý định lấy một người mắc bệnh thận bởi nó như một cái “án tử” được báo trước sẽ đến bất kỳ lúc nào. Nhưng chị vẫn chấp nhận tất cả.
Với đề nghị không công khai hình ảnh, cũng như địa chỉ cụ thể về cuộc sống hiện tại của mình, anh H bảo: “Từ ngày làm đám cưới đến giờ, dù vợ chồng tôi đã có một cô con gái 5 tuổi ngoan ngoãn nhưng bố mẹ vợ vẫn không hề biết chàng rể hiền lành này mắc bệnh hiểm nghèo. Căn bệnh suy thận khiến tôi suy sụp nhiều khi mới biết bệnh. Nhưng chính tình yêu của vợ tôi đã giúp tôi làm được điều mình vẫn mong muốn là tiếp tục học lên”. Hiện tại, anh làm giảng viên của một trường đại học và theo học lên thạc sỹ. Con gái anh chị không chỉ là minh chứng cho tình yêu, hạnh phúc của gia đình mà còn như là niềm hy vọng của cả “xóm chạy thận”.
Rời “xóm chạy thận”, tôi chợt nghĩ tới câu triết lý trong tác phẩm “Mùa lạc” của Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ, hy sinh”. Tình yêu luôn tồn tại, kể cả khi người ta đi gần hết con đường sự sống.