Nhận thấy vụ việc xuất hiện nhiều tình tiết mới nên tòa trả lại hồ sơ cho phía Viện kiểm sát, đề nghị tiếp tục điều tra, bổ sung và làm rõ.
Đối chứng các lời khai giữa Tường và nhân viên thẩm mĩ viện, HĐXX nhận thấy xuất hiện thêm các tình tiết mới liên quan đến chuyên môn và trách nhiệm của các bên liên quan.
Cụ thể: Khi tòa hỏi trong quá trình phẫu thuật cho chị Huyền, thời gian chị Huyền có biểu hiện sốc thuốc là bao lâu, một nhân viên thẩm mĩ tên là Thoa đã trả lời: Với ca bình thường, thời gian sốc thuốc trước đấy là khoảng 4 tiếng. Nhưng, với trường hợp của chị Huyền là hơn 2 tiếng, từ 12h đến 2h chiều. Tuy nhiên, trước đây, trong lời khai của mình tại cơ quan điều tra thì Tường lại khai là 4 tiếng.
10h45: HĐXX bắt đầu trở lại làm việc.
10h35: HĐXX tạm nghỉ 15 phút để hội ý.
Một ngày trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, trả lời báo chí, ông Lê Văn Viễn, bố đẻ nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền cho biết gia đình không đồng tình với nội dung cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát về tội danh của bác sĩ Tường. Theo ông Viễn, bị can Tường phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người. "Hành vi của Tường là quá dã man, coi thường tính mạng khách hàng. Khi nạn nhân nguy kịch, không đưa vào bệnh viện cấp cứu mà lại tìm cách phi tang", ông Viễn bức xúc.
“Trong 3 tháng đầu tiên gia đình đã chi tới 600 triệu đồng để tìm kiếm thi thể từ khu vực cầu Thanh Trì tới tận cửa biển Ba Lạt (Thái Bình). Cuộc sống các thành viên trong gia đình hoàn toàn đảo lộn vì lo lắng, tuyệt vọng. Chồng và các con của nạn nhân không làm việc, học hành sa sút, tổn thương tinh thần trầm trọng”, ông Viễn nói.
Ông Viễn cũng cho rằng, bác sĩ Tường phải chịu mức án trên 20 năm, không được đặc xá, không được tiếp tục hành nghề sau khi hết thời hạn giam giữ. Khánh cũng phải bị xử lý nghiêm. Bà Nguyễn Thị Hằng, vợ bác sĩ Tường cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
10h32: Trả lời phần câu hỏi của kiểm sát viên về lý do đem xác phi tang, bị cáo Tường cho biết, khi đang chở xác chị Huyền đến cổng bệnh viện Bạch Mai, thấy đông người qua lại, nên đã dừng lại để chờ đợi. “Lúc này, Khánh (Đào Quang Khánh - nhân viên bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) lên tiếng: "Hay là phi tang? Tôi mới hỏi lại "phi tang là như nào, thì Khánh bảo đem vứt xác", Tường nói.
Lý giải việc phải nhờ "gợi ý" của Khánh, bị cáo Tường nói: "Lúc đó bị cáo quá hoảng loạn nên không nghĩ được gì".
"Một người lớn hơn, kinh nghiệm hơn, lại đi nghe theo lời khuyên của một trẻ vị thành niên sao?", vị kiểm sát viên lớn tiếng. Tường im lặng.
10h20: Kiểm sát viên hỏi: “Theo bị cáo, nguyên nhân chết của chị Huyền là gì?”. Bị cáo Tường trả lời: “Dạ, do chị Huyền nôn khi dịch trào ngược ạ”.
10h17: HĐXX tạm dừng xét hỏi, nhường phần thẩm vấn cho kiểm sát viên.
Trả lời câu hỏi của Kiểm sát viên liên quan quá trình phẫu thuật, bị cáo Tường thừa nhận đã “làm không đúng quy định" trong việc phẫu thuật, tạo hình.
10h15: Tòa tiếp tục hỏi bị cáo Nguyễn Mạnh Tường về quá trình phẫu thuật.
10h10: Tòa chuyển sang thẩm vấn một số y tá và nhân viên thẩm mĩ viện Cát Tường có liên quan đến vụ việc.
Bùi Thị Hoa – nhân viên thẩm mỹ viện: Trong quá trình phẫu thuật chị có mặt để chứng kiến, chị Huyền có biểu hiện lên cơn đau, co giật. Bác sĩ Tường bảo đi mua thuốc trợ tim nhưng không mua được. Trong quá trình tòa án hỏi chị Hoa trả lời lưỡng lự và đứng suy nghĩ. Tòa cho ngồi xuống.
Chị Vân – nhân viên: Sau khi xong thì chị Huyền mới có biểu hiện co giật.
10h03: Tòa hỏi: Từ lúc tiêm thuốc gây tê, sau bao lâu bị cáo thực hiện phẫu thuật cho chị Huyền?
Tường trả lời: Khoảng 1,5-2 tiếng đồng hồ, để chị Huyền nằm tư thế ngửa, lộ phần bụng, tiêm thuốc tê vào hai bên hông và tiến hành gây tê vùng bụng. Khi thấy chị Huyền có kêu đau thì bị cáo tiếp tục tiêm thuốc. Bị cáo hút 11 xi lanh, mỗi xi lanh 5ml. Quá trình hút mỡ kéo dài từ 1-2 tiếng và được thực hiện nhiều lần.
9h58: Trong quá trình trả lời các câu hỏi của Thẩm phán Lê Thị Hợp, bị cáo Tường tỏ ra rất bình tĩnh và trả lời rành mạch các câu hỏi.
Thẩm phán Lê Thị Hợp hỏi: “Bị cáo nói rõ thêm về tình tiết diễn biến vụ việc sau khi tiến hành phẫu thuật cho chị Huyền?”. Bị cáo tường trả lời: “Sau khi phẫu thuật xong, chị Huyền bắt đầu có biểu hiện co giật. Lúc đó bị cáo và mọi người rất lo lắng và hốt hoảng. Bị cáo bảo y tá đi mua thuốc động kinh nhưng y tá đi xong rồi về bảo là không mua được thuốc”.
9h48: Chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp hỏi: “Yêu cầu bị cáo Tường nói chi tiết quy trình các thao tác trước khi phẫu thuật cho chị Lê Thị Thanh Huyền?”.
Bị cáo Tường cho biết: Bị cáo không trực tiếp làm các thao tác này mà “chị Mai” làm trước. Theo lời bị cáo Tường thì người có tên là “chị Mai” đã “chụp tim, phổi, siêu âm” và các thao tác tiếp theo thì các y tá trực tiếp làm. Bị cáo Tường chỉ kiểm tra các phản ứng thử của chị Huyền.
Bác sỹ Tường đang trả lời thẩm vấn tại tòa
Bị cáo Tường cũng cho biết trước đó không hề quen biết chị Huyền, không có gặp gỡ trao đổi qua lại. Chỉ biết chị Huyền khi chị đến cơ sở thẩm mĩ.
Chủ tọa cũng hỏi bị cáo Tường về công thức pha chế thuốc khi tiến hành phẫu thuật gây tê. Bị cáo Tường trả lời đó là công thức chung của ngành y mà Tường học được từ ngày đi học.
9h40: Bị cáo Tường được tòa yêu cầu khai lại từ đầu về quá trình gây án, Tường kể lại sự việc và nét mặt tỏ ra bình thản. Bị cáo Khánh đứng bên cạnh thì cúi gằm mặt xuống.
Tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp thẩm vấn bị cáo Nguyễn Mạnh Tường. Nội dung thẩm vấn tập trung vào các điều kiện mở Thẩm mĩ viện Cát Tường.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Tường cho hay, toàn bộ công tác quản lý, tư vấn chuyên môn được giao cho một người khác mà theo lời Tường là "chị Mai". Tuy nhiên, cũng theo lời bị cáo Tường thì "Chị Mai tốt nghiệp Đại học Công đoàn", nghĩa là không có chuyên môn.
9h35: Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh lần lượt lên trước vành móng ngựa để khai về vụ việc.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường
Bị cáo Đào Quang Khánh
9h30: Tòa bắt đầu chuyển sang phần thẩm vấn.
9h25: ông Đỗ Minh Tuấn - đại diện Viện KSND TP Hà Nội công bố xong bản cáo trạng.
8h56: Đại diện Viện KSND TP Hà Nội đọc cáo trạng với nội dung truy tố 2 bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường) và Đào Quang Khánh (bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường).
Các phóng viên đưa tin được bố trí ở một phòng khác và xem tường thuật phiên tòa qua màn hình
8h30: Phiên tòa xét xử vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người và phi tang xác chết bắt đầu. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Thị Hợp.
Đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa là ông Đỗ Minh Tuấn.
Ngồi trước vành móng ngựa là hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh. Phía dãy ghế sau là thân nhân gia đình nạn nhân và cạnh bên là thân nhân gia đình bị can. Thân nhân gia đình người bị hại bao gồm có bố mẹ ruột, bố mẹ chồng, chồng và con cùng một số anh em họ hàng chị Lê Thị Thanh Huyền.
08h10: Các phóng viên được cấp thẻ vào tham dự phiên xử bất ngờ khi phía Tòa thông báo họ được chuyển vào một phòng riêng và theo dõi phiên xử qua màn hình thay vì trực tiếp theo dõi tại phòng xử án. Các hình ảnh đầu tiên về bị cáo Tường đều được chụp qua màn hình.
Cả hai bị cáo Tường và Khánh đều tỏ ra lo lắng trước khi bị thẩm vấn.
Ở ngoài cổng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, rất nhiều người dân quan tâm đến vụ án cũng đã đến khu vực xung quanh tòa án HN.
08h: Ông Lê Văn Viễn – bố nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền cùng 2 con trai của chị Huyền đến phiên tòa. Trên tay là di ảnh người quá cố. Trả lời nhanh các PV, ông Viễn cho biết ông mong muốn công lý sẽ được thực thi và pháp luật sẽ trả lại sự công bằng cho con gái ông.
07h45: Các phóng viên, nhà báo đến đưa tin về phiên tòa được yêu cầu tập trung vào một khu vực. Phiên tòa xét xử vụ án đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân.
07h30: an ninh xung quanh khu vực TAND TP HN được thắt chặt.
Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm là Thẩm phán Lê Thị Hợp. 2 bị can trong vụ án là ông Nguyễn Mạnh Tường (41 tuổi, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) và Đào Quang Khánh (18 tuổi, ngụ ở phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội). Luật sư bào chữa cho bị can Nguyễn Mạnh Tường là Luật sư Chu Thị Trang Vân. Hai luật sư Nguyễn Anh Thơm và Tạ Anh Tuấn tham gia bào chữa cho bị can Đào Quang Khánh. Cho đến khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, xác nạn nhân trong vụ án là chị lê Thị Thanh Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Trong khi đó, gia đình bị hại Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ngụ ở quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) mời luật sư Vũ Gia Trưởng và Phạm Hương Giang tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Phiên tòa được dự báo sẽ có nhiều tình tiết bất ngờ và lần đầu tiên sẽ được tiết lộ. Một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư các bên bị can và bị hại đều có những phát biểu trước báo giới khẳng định sẽ làm hết sức để bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp của thân chủ. Trước đó, ông Lê Văn Viễn, bố chị Lê Thị Thanh Huyền cho hay, ngày 8/4/2014, gia đình ông có nhận được hai giấy mời của TAND TP. Hà Nội tham gia phiên tòa ngày 14/4 tới. Thành phần được mời tới phiên tòa có 2 vợ chồng ông và anh Huy (chồng chị Huyền). “Tôi không hiểu tại sao bố mẹ chồng của Huyền hằng ngày sống cùng nhưng tòa lại không mời đến dự phiên tòa xét xử sắp tới", ông Viễn nói. Ngay sau khi nhận được giấy mời, gia đình ông Viễn đã có ý kiến phải hồi gửi lại tòa yêu cầu cho thêm người trong gia đình ông tham dự phiên tòa. Tới sáng ngày 11/4, danh sách 36 người thân nội ngoại của chị Huyền đã được TAND TP Hà Nội phê duyệt và đồng ý. Tuy vậy, gia đình người nhà nạn nhân cũng phải làm giấy cam kết đảm bảo trật tự và giữ ổn định tại phiên tòa. |