Mới đây, CNN đã đưa ra danh sách 5 địa điểm rùng rợn nhất ở Đông Nam Á, và nhà tù Hỏa Lò ở Việt Nam cũng nằm trong danh sách này.
Nhà tù Hỏa Lò, Việt Nam
Theo tờ CNN, lịch sử có những giai đoạn thật trớ trêu, giống như việc những người bị đàn áp lại trở thành những người đàn áp. Nhà tù Hỏa Lò là một trong những trường hợp như vậy.
Nhà tù Hỏa Lò được người Pháp xây dựng năm 1896 để đàn áp, khống chế những người chống chủ nghĩa thực dân.
Sau 3 năm thiết kế và khởi công xây dựng, bắt đầu từ tháng 1/1899, nhà tù Hỏa Lò bắt đầu đảm nhận việc giam người. Theo thiết kế ban đầu, Hoả Lò chỉ đủ giam 500 tù nhân, nhưng nó đã nhiều lần được mở rộng để có thêm chỗ giam giữ tù nhân. Những năm 1950 – 1953, Hỏa Lò giam cầm tới 2.000 người tù.
Nơi đây hiện lưu giữ chiếc máy chém đã được thực dân Pháp dùng lưu động, tháng 1/1930 được vận chuyển lên Yên Bái để hành hình 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, nhà tù Hỏa Lò trở thành nơi giam phi công Mỹ nhảy dù khỏi máy bay trúng đạn khi không kích Hà Nội. Thượng nghị sĩ Mỹ, John McCain, cũng từng bị giam giữ tại đây.
Tại đây, một chế độ nhà tù hà khắc được áp dụng với các hình thức giam cầm và đầy đọa con người. Tù nhân bị giam xích bằng cùm đôi và nhốt trong những gian nhà, hầm tối chật chội, thiếu ánh sáng. Cửa ra vào chỉ được hé mở khi cai ngục đưa thức ăn vào 2 lần trong ngày.
2. Bảo tàng Pháp y Bangkok, Thái Lan
Đầu người chẻ đôi, tay chân cụt lòi xương, bào thai dị dạng... là những hiện vật kinh khủng được trưng bày ở Bảo tàng pháp y Siriraj tại Bangkok, Thái Lan.
Bảo tàng này hiện lưu giữ số lượng lớn xương và thi thể người phục vụ cho hoạt động học tập và nghiên cứu của các sinh viên y khoa hoặc chuyên gia pháp y.
Ngoài ra, người ta để những thi thể hoặc phần thi thể nạn nhân các vụ án mạng, xác những hài nhi chết yểu hay xác vô thừa nhận từ các vụ tai nạn giao thông vào trong các tủ kính.
Bảo tàng này có lưu giữ xác ướp của Si Quey, kẻ giết người hàng loạt, nổi tiếng những năm 50 thế kỷ trước.
3. Cánh đồng Chết, Campuchia
Tại Campuchia, cách chín dặm (14,5 km) từ Phnompenh, “cánh đồng chết” Choeung Ek đã trở thành một điểm thu hút đông đảo khách du lịch bởi sự kinh hoàng thu hút sự tò mò của du khách. Choeung Ek cũng như một trong hàng ngàn mạng lưới khác trên khắp đất nước, nơi Khmer Đỏ thực hiện hành vi diệt chủng vào cuối những năm 1970.
Dù đã được đưa vào làm du lịch nhưng bất cứ ai đi sâu vào Cánh đồng chết đều có cảm giác nghẹt thở, rùng mình khi đập vào mắt mình là vô số hố chôn tập thể, có cái vô danh nhưng cũng lắm cái mang tên đầy tử khí như: “Mộ 100 trẻ sơ sinh và mẹ”, “Mộ nhiều xác nhất với 450 xác”, “Mộ 166 người không đầu”, “Mộ 87 người mất tay, chân”...
Ở giữa Cánh đồng chết có một đài tưởng niệm các nạn nhân xấu, bên trong chất khoảng 8.000 hộp sọ, nhiều xương sọ còn ghi dấu tích của những vụ tra tấn bởi nhìn kĩ sẽ thấy những đường nứt, những khe rãnh chạy dọc, chen ngang trên hộp sọ.
4. Bảo tàng Chiến tranh Penang, Malaysia
Bảo tàng chiến tranh Penang cũng từng có mặt trong danh sách 10 địa điểm ghê rợn nhất Châu Á do kênh truyền hình Geographic Channel bình chọn.
Nằm trên một ngọn đồi, nơi có một pháo đài cổ của Anh, bảo tàng vẫn giữ được nguyên những nhiên liệu, vũ khí. Những công nhân xây dựng tại đây kể rằng họ nhìn thấy nhiều bóng ma to lớn tại đây.
Đây là bảo tàng trưng bày các vật dụng tiêu biểu được sử dụng trong Thế chiến II. Pháo đài quân sự hùng mạnh được người Anh xây dựng vào năm 1930 để bảo vệ hòn đảo từ kẻ thù.
Sau khi lọt vào tay phát xít Nhật, pháo đài trở thành nơi giam giữ, tra tấn tù binh để lấy thông tin trước khi sát hại họ.
5. Dấu vết của sóng thần ở Thái Lan
Khu tưởng niệm này được lập lên nhằm tưởng nhớ những nạn nhân của trận sóng thần khủng khiếp năm 2004, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người Thái Lan và du khách nước ngoài.
Ngôi làng Ban Nam Khem là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Thái Lan với 1.400 du khách và dân địa phương thiệt mạng trong thảm họa.
Đài tưởng niệm chính ở đây là một tàu cảnh sát biển ở Khao Lak – một tổ hợp các làng chài chịu hậu quả nặng nề của sóng thần.