Khi tay chân con nổi bỏng nước, miệng lở loét, khó thở thì phụ huynh mới hoảng hốt cho con nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh tay chân miệng nặng đến độ 3, phải thở bằng máy mới ân hận vì lâu nay xem thường chăm sóc sức khỏe cho con.
Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đang điều trị cho hai bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng nặng đến cấp độ 3. Đó là bé V.N.K (8 tháng tuổi, ngụ huyện Định Quán) và bé L.M.N (18 tháng tuổi, ngụ TP. Biên Hòa).
Hai bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, tay chân nổi bóng nước, miệng lở loét, mạch đập nhanh, khó thở…Các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tay chân miệng nặng cấp độ 3, cho thở bằng máy và điều trị tích cực. Hiện em N vẫn còn thở máy, còn em K bệnh đã có chuyển biến tích cực hơn.
Bệnh tay chân miệng nếu không đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời mà để bệnh ngày càng nặng có thể khiến trẻ biến chứng thần kinh tử vong
Theo bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm, trung bình mỗi ngày khoa điều trị nội trú cho khoảng 30 – 40 trẻ bị bệnh tay chân miệng, đông nhất là trẻ từ 1 – 3 tuổi. Từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng cao hơn, mặc dù đã được tuyên truyền phòng chống cho con nhưng nhiều phụ huynh vẫn xem nhẹ bệnh này nên khi đưa vào viện trẻ đã suy hô hấp, suy tuần hoàn, nặng gây biến chứng thần kinh.
Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe – Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng. Do vậy để phòng, chống bệnh tay chân miệng có hiệu quả, phụ huynh có con nhỏ dưới 5 tuổi cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch vào các thời điểm quan trọng: trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh cho trẻ, sau khi chăm sóc trẻ, rửa tay khi thấy tay bẩn.
Trẻ được bác sĩ khám bệnh tay chân miệng
Thực hiện phương châm 3 sạch “ăn sạch, ở sạch, đồ chơi của trẻ sạch”. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm, mút đồ chơi.
Ăn chín, uống sôi, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi của trẻ em bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường.
Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Không nên tự điều trị và để bệnh nặng mới đưa đến cơ sở y tế dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.