Ở một số tỉnh, thành có số người mắc bệnh tay chân miệng cao hơn cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Đắk Lắk và Kon Tum.
Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành có số người mắc bệnh tay chân miệng cao hơn cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Đắk Lắk và Kon Tum.
Tại miền Bắc, bệnh nhi mắc tay chân miệng đang xuất hiện rải rác; các bệnh viện Nhi trung ương, Bạch Mai và Bệnh nhiệt đới trung ương mỗi tuần tiếp nhận khoảng vài chục ca đến khám, điều trị.
Bộ Y tế cũng cho biết bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương (Ảnh: Internet)
Trước tình hình bệnh nhân tay chân miệng xuất hiện sớm hơn mọi năm, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo phòng chống bệnh. Theo đó, tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Bộ Y tế cũng cho biết bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Số người mắc bệnh này trung bình tại Việt Nam khoảng 100.000-150.000 ca/năm, khoảng 30-40 trường hợp tử vong. Bệnh thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Do đó, nhiều nguy cơ bệnh tay chân miệng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.