Theo BS Nguyễn Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 1), trẻ mắc bệnh tay chân miệng không phải hoàn toàn do ở bẩn.
Độc giả Thùy Dương tâm sự về những lo lắng khi con bị tay chân miệng: 'Kem nhà em mấy hôm nay đột nhiên xuất hiện rất nhiều nốt đỏ ở chân và tay. Có nốt sần, có nốt lại nổi mụn nước. Vì chủ quan nghĩ rằng chỉ cần bôi kem da là đủ nên vợ chồng em cũng không đưa Kem đi khám. Tuy nhiên, khác với mọi lần, lần này dù đã kiên trì bôi kem đến ngày thứ 5 nhưng những vết đỏ chẳng có dấu hiệu thuyên giảm. Sau đi khám mới phát hiện bị tay, chân, miệng".
Thấy Kem bị nổi nốt, chị dâu hét ầm lên rồi ngay lập tức xua con tránh xa Kem nhà em như tránh "ghẻ". Người chị dâu mắng rằng: "Làm mẹ gì mà ở bẩn, để con gái nó bị chân tay miệng loét hết cả người. Còn không mau đưa đi khám. Đẻ con gái như thế có xấu hổ không?".
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh (Trưởng khoa nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1), nguyên nhân gây bệnh không phải hoàn toàn do ở bẩn, căn nguyên là do virus ở hệ tiêu hóa. Loại virus này có tính lây lan cao trong môi trường nên những bé sống trong gia đình được giữ vệ sinh tương đối tốt vẫn có thể mắc phải. Vì những bé bị bệnh tay, chân, miệng ít có triệu chứng ban đầu nên dễ phát tán virus ra môi trường. Virus từ môi trường qua bàn tay của người lớn và trẻ con hoặc đồ chơi để vào cơ thể gây bệnh.
Bác sĩ Khanh cho biết: “Ban đầu trẻ có những nốt mọng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, chân nhưng nhiều gia đình không để ý hoặc chủ quan. Thường là đến khi có những nốt ở miệng, lở miệng do bóng nước vỡ ra gây đau và sốt cao thì mới biết là trẻ bị tay, chân, miệng”.
Khi trẻ bị mắc bệnh tay, chân, miệng cần có quá trình theo dõi kỹ lưỡng để đưa đến bệnh viện kịp thời. “Nếu trẻ sốt cao từ 2 ngày trở lên, bị giật mình khi ngủ, đi loạng choạng, chân tay yếu, run chi...cần đưa đến bác sĩ để thăm khám và cấp cứu”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để phòng tay chân miệng (ảnh minh họa)
Với bệnh chân, tay, miệng nếu khi có biến chứng mà không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong, trường hợp nặng có thể để lại di chứng ở não. Nếu không có tình trạng sốt cao hay các biến chứng thì thường từ 7-10 ngày sẽ khỏi. Đa số trẻ bị bệnh là dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi.
Cũng theo bác sĩ Khanh, vấn đề quan trọng nhất khi trẻ bị mắc chân, tay, miệng là ở miệng có thể bị lở do bóng nước trong miệng vỡ ra gây đau làm cho trẻ ăn được. Do vậy, phụ huynh phải làm sao để trẻ giảm đau và cho được thức ăn vào cơ thể.
“Có thể chia bữa ăn nhỏ ra, ăn nhiều lần, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu. Tránh thức ăn nóng, cay gây đau”, bác sĩ Khanh khuyên.
Một số bác sĩ khác đưa ra lời khuyên, bệnh lây chủ yếu do tiếp xúc với dịch tiết từ miệng, phân, nước bọt của trẻ bệnh và có thể phát tán qua đường hô hấp khi trẻ bị bệnh ho. Cho nên, phụ huynh vẫn cần giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng hàng ngày. Ngoài ra, vệ sinh sàn nhà, đồ chơi thường xuyên.
Khi trẻ bị mắc bệnh tay, chân, miệng cần sự tư vấn kỹ từ bác sĩ chuyên khoa để có cách xử trí kịp thời, không nên tự tiện dùng thuốc.