Để phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch chi tiết với 2 giai đoạn cho một tháng sắp tới.
Hôm nay (ngày 15/8), Bộ Y tế đã công bố 4.516 ca nhiễm COVID-19 (F0) mới tại TP.HCM. Lượng F0 này cao hơn so với con số ghi nhận mỗi ngày trong tất cả 16 ngày liền trước, đồng thời kéo dài chuỗi 2 ngày tăng liên tiếp (ngày 13/8 là 3.531 F0, ngày 14/8 là 4.231 F0).
Trong khi F0/ngày tăng thì số bệnh nhân xuất viện/ngày lại ít hơn so với hôm qua. Cụ thể, tính tới 17h ngày 15/8, TP.HCM có thêm 2.146 bệnh nhân xuất viện. Trước đó, cùng khoảng thời gian trong ngày 14/8 có tới 3.417 bệnh nhân xuất viện.
Biểu đồ số ca nhiễm COVID-19 từ ngày 9/7 đến ngày 15/8.
Trước tình hình dịch COVID-19 như trên, cùng với số bệnh nhân COVID-19 tử vong mỗi ngày vẫn còn cao (như trong ngày 15/8, tính tới 17h đã có 282 trường hợp tử vong), ngày 15/8, TP.HCM đã công bố kế hoạch cho giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 sắp tới.
Theo đó, TP.HCM sẽ kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong buổi lễ "Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19" vào sáng 15/8.
Cũng trong ngày 15/8, tại một hội nghị trực tuyến với Chính phủ và một số địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo Chính phủ chi tiết kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9. Kế hoạch này chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (từ ngày 15 - 31/8): Mục tiêu kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11.
- Giai đoạn 2 (từ ngày 1 - 15/9): Phấn đấu đến ngày 15/9 số trường hợp tử vong giảm 20%, số trường hợp nặng giảm 20%; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện không quá 2.000 người mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.
Về thực hiện giãn cách xã hội, theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian tới, TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả theo nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó", hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng được phép ra khỏi nhà. Tại các khu phong tỏa đảm bảo “ngoài chặt, trong chặt” gắn với công tác kiểm tra giám sát; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”.
Nói thêm về mô hình tự quản "vùng xanh", đến nay, TP.HCM đã có 10.248 "vùng xanh". Đó là những khu an toàn, chưa có ca nhiễm hoặc không còn nguy cơ lây nhiễm, đang được lực lượng chức năng túc trực bảo vệ để giữ an toàn. Mô hình này vừa góp phần nâng cao ý thức của nhân dân vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Để tiếp tục giữ vững và mở rộng thêm nhiều "vùng xanh" như vậy, TP.HCM kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng trong việc tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp nằm trong khu vực phong tỏa, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định của chính quyền địa phương để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình.