Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM biên soạn bộ sách giáo khoa cho địa phương vào năm 2018.
Theo kế hoạch, nếu trong năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình khung, dự kiến đến năm 2018, bộ sách giáo khoa của TP.HCM sẽ được hoàn thành và đưa vào thí điểm trong năm học 2018 - 2019.
Bộ sách giáo khoa của TP.HCM sẽ biên soạn dựa trên định hướng phát triển năng lực học sinh, giảm tải tính hàn lâm, lý thuyết và tăng tính thực hành, ứng dụng theo hướng tích hợp, liên môn. Ngoài tính ứng dụng thực tiễn, bộ sách giáo khoa này sẽ thể hiện cả tính địa phương, đặc biệt đối với môn Lịch sử, Địa lý…
Năm 2018, TP.HCM sẽ có bộ sách giáo khoa riêng. (Ảnh minh họa)
Đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức tập huấn cho đội ngũ tác giả viết sách gồm các chuyên gia đầu ngành và giáo viên nhiều kinh nghiệm của từng bộ môn theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Sách giáo khoa của TP.HCM biên soạn đều dựa vào chương trình, SGK và yêu cầu về chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD-ĐT.
Như vậy, TP.HCM là địa phương đầu tiên có một bộ SGK riêng thực hiện theo Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do Chính phủ phê duyệt.
Chương trình mới, sách giáo khoa mới lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo; Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cho mỗi học sinh; tăng cường năng lực ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống, làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng, phát huy thành quả khoa học công nghệ thế giới, nhất là công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin.
Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học, cấp học trên.
Đồng thời, chương trình mới, sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu và góp phần tạo động lực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; phải xác định cụ thể nội dung và yêu cầu cần đạt đối với mỗi môn học, lớp học, cấp học nhưng không quá chi tiết để căn cứ vào chương trình biên soạn được nhiều sách giáo khoa.