Dù nghi ngại TQ, các nước vẫn phải cho họ quần thảo trong “sân nhà” tìm MH370.
Trong khi chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 mất tích vẫn đang được tiến hành với sự tham gia của nhiều lực lượng, một số quốc gia có liên quan đang nghi ngờ rằng Trung Quốc đang lợi dụng thảm kịch này để tiến hành các hoạt động gián điệp đối với họ.
Ngày 26/3, tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đăng bài viết cho rằng trong khi các quốc gia đổ về vùng biển nam Ấn Độ Dương tìm kiếm MH370 vì lòng nhân đạo, sự tham gia của Trung Quốc vào chiến dịch này đang ngày càng bị các nước nghi ngờ về động cơ của Bắc Kinh.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ấn Độ đã trả lời WSJ rằng hồi tuần trước họ đã từ chối yêu cầu của phía Trung Quốc đưa tàu chiến vào gần quần đảo Andaman để tìm kiếm MH370 vì lo ngại rằng Trung Quốc đang lợi dụng hoạt động tìm kiếm để thu thập thông tin tình báo về các cơ sở quốc phòng trọng yếu của Ấn Độ.
Tàu chiến Trung Quốc tham gia tìm kiếm MH370
Vị quan chức này nói: “Họ có thể lợi dụng lá bài nhân đạo để tìm cách đưa tàu chiến vào khu vực đó. Chúng tôi có đầy đủ trang thiết bị hiện đại để tìm kiếm MH370 nếu nó rơi xuống lãnh hải của Ấn Độ.”
Ông Brahma Chellany thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích “để tạo lợi thế về mặt quân sự, một minh chứng cho cách hành xử ngày càng hung hăng của họ.”
Trong khi đó, ông Rory Medcalf, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy của Úc nhận định rằng chiến dịch tìm kiếm chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc “nhắc nhở mọi người rằng Trung Quốc ngày càng sẵn sàng đưa quân tới những khu vực xa lạ để giúp đỡ đồng bào của họ, hay ít nhất là tỏ vẻ như đang giúp đỡ.”
Hiện Trung Quốc đã điều 7 tàu chiến và hai máy bay trinh sát IL-76 tới khu vực tìm kiếm ở phía nam Ấn Độ Dương, đồng thời 21 vệ tinh nước này cũng đang lùng sục dọc hành lang này để tìm kiếm dấu hiệu của chiếc máy bay mất tích.
Ông Gary Li, một chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Hàng hải IHS nhận xét: “Cả hải quân lẫn cảnh sát biển Trung Quốc chưa từng thực hiện một chiến dịch tìm kiếm nào quy mô lớn như thế này. Nó tạo ấn tượng về khả năng cơ động nhanh chóng của họ, trong khi chúng ta vẫn cho rằng Trung Quốc rất ngại chấp nhận rủi ro.”
2 máy bay trinh sát tầm xa IL-76 của Trung Quốc tại căn cứ không quân Úc
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng Trung Quốc cũng đã bộc lộ những nhược điểm của mình trong việc “khoe sức mạnh quân sự” khi chỉ cử 2 máy bay trinh sát tầm xa IL-76 tham gia tìm kiếm, vì đây vốn chỉ là loại máy bay chở hàng không có nhiều khả năng đặc biệt trong tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, việc Trung Quốc chỉ điều một tàu hậu cần để hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm sẽ khiến tàu chiến nước này rất khó xoay xở trong tương lai khi phải hoạt động quá xa căn cứ.
Nhà phân tích Andrew Davies thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc cho rằng việc Trung Quốc rầm rộ điều tàu, máy bay tham gia tìm kiếm MH370 là nhằm tìm cách “nâng cao hình ảnh” trên trường quốc tế và trong nước.
Tuy nhiên, ông này cho rằng có vẻ như Trung Quốc lại thiếu một loại máy bay tuần tra biển tầm xa chuyên dụng được trang bị radar công suất cao để phục vụ cho những sứ mệnh như thế này.
Davies cho biết: “Nhiều năm nay, hải quân Trung Quốc chỉ tập trung xây dựng chiến lược chống tiếp cận, thế nên năng lực hoạt động tầm xa của họ còn khá non nớt.” Bằng chứng của nhận định này là việc họ điều 2 tàu chiến trang bị tên lửa có độ chính xác cao đi tìm MH370, trong khi tàu chiến này được thiết kế để ngăn chặn tàu và máy bay nước ngoài tiến vào lãnh hải Trung Quốc trong trường hợp nổ ra xung đột.
Đội tàu hộ tống số 17 của hải quân Trung Quốc được cử đi tìm MH370
Hoạt động tầm xa đáng kể nhất của hải quân Trung Quốc trước khi xảy ra vụ MH370 là những cuộc tuần tra chống cướp biển ở vịnh Aden được tổ chức vài năm qua. Tuy nhiên lực lượng của hải quân Trung Quốc tham gia các đợt tuần tra này cũng chỉ có 2 tàu chiến và một tàu hậu cần.
Tuy nhiên, chiến dịch tìm kiếm MH370 lần này vượt xa những cuộc tuần tra chống cướp biển trên rất nhiều về quy mô hoạt động.
WSJ cho rằng khả năng thực sự của hải quân Trung Quốc trong chiến dịch này không quan trọng bằng thông điệp mà họ phát đi với thế giới và người dân trong nước rằng họ sẵn sàng phản ứng một cách nhanh chóng với vụ máy bay mất tích, một động thái hoàn toàn trái ngược với sự thờ ơ mà họ thể hiện trong vụ siêu bão Hải Yến tàn phá Philippines hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc trong sứ mệnh đa quốc gia lần này đã bộc lộ nhiều hạn chế của họ khi khu vực tìm kiếm chuyển dịch xuống vùng biển nam Ấn Độ Dương, nơi MH370 được cho là đã đâm xuống.
Sự yếu kém đó thể hiện ngay trong việc một máy bay IL-76 của họ hạ cánh xuống nhầm sân bay ở thành phố Perth hôm thứ Bảy tuần trước trước sự ngơ ngác của các kiểm soát viên không lưu Úc. Thay vì hạ cánh xuống căn cứ không quân Pearce, phi hành đoàn của chiếc máy bay trinh sát tầm xa này lại đáp xuống đường băng của sân bay dân sự Perth cách đó 42 km, rồi sau đó phải cất cánh lần nữa mới tìm về được đúng bãi đáp.
Máy bay trinh sát tầm xa IL-76 của Trung Quốc từng hạ cánh nhầm sân bay ở Úc
Sự cố lần này chứng tỏ các phi công Trung Quốc đã tỏ ra rất bỡ ngỡ khi phải hoạt động trên một địa bàn xa xôi cùng với lực lượng của nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật, New Zealand và Mỹ.
Hôm thứ Hai, một máy bay IL-76 của Trung Quốc cũng báo cáo là đã nhìn thấy một số vật thể lạ trôi nổi trong khu vực tìm kiếm, thế nhưng họ lại không thể chụp ảnh được các vật thể đó và cũng không xác nhận được chúng có liên quan đến chiếc máy bay mất tích hay không.
WSJ cho rằng các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ ngày càng có những hoạt động thường xuyên và quyết liệt hơn về phía nam khi nước này không ngừng tăng cường sức mạnh hoạt động biển xa cho hải quân.
Tuy nhiên, cho đến nay, tầm quan trọng của việc tìm kiếm dấu vết MH370 đã lấn át những nghi ngại, ngần ngừ của các quốc gia khiến họ phải vui vẻ chấp nhận cho máy bay, tàu chiến của Trung Quốc quần thảo bên trong “sân nhà” của mình.