“Mẹ chồng dặn dò tôi phải bảo ban và dạy dỗ Hạnh bởi còn trẻ con. Bà còn gửi gắm tôi chăm sóc con trai. Tôi đã làm tốt suốt thời gian qua. Vậy mà thiên hạ vẫn nói ra nói vào, bảo chúng tôi dở hơi mới làm vợ chồng", chị Cương nói.
Ở An Giang có một ngôi trường học bỏ hoang nhiều năm nay, ít ai dám qua lại vì… sợ. Vậy mà đó lại là nơi trú ngụ của cặp vợ chồng “đũa lệch” suốt thời gian qua.
“Chỗ đó nằm ngay đường tỉnh lộ, bị bỏ hoang vài chục năm nên ít người qua lại vì vắng vẻ và hoang sơ. Chúng tôi ở gần đó cũng chẳng dám bén bảng tới, thậm chí còn cấm tụi nhỏ ghé chơi. Một thời gian trước, có cặp vợ chồng chuyển đến đó sinh sống. Họ dọn dẹp rác, cắt cỏ cho quang bớt khuôn viên… Họ coi đó như nhà, chúng tôi cũng không ý kiến gì bởi nghe nói chính quyền đang xem xét phương án dẹp bỏ để xây dựng cơ sở hạ tầng gì đó”, một người dân sống gần ngôi trường hoang cho biết.
Lần theo đường chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nơi ở của cặp vợ chồng “cô – cháu” này. Họ tự giới thiệu tên Cương – vợ (40 tuổi) và Hạnh – chồng (20 tuổi) rồi kể về hoàn cảnh của bản thân cũng như cuộc hôn nhân cách xa về tuổi tác.
Ngôi trường hoang - nơi sinh sống của vợ chồng chị Cương.
“Tôi có một đời chồng mà chết rồi, con trai 11 tuổi hiện ở với bà ngoại (tức mẹ chị Cương – PV). Tôi quen anh Hạnh rất tình cờ, đó là một lần cả hai cùng đi xin ăn ở thành phố Châu Đốc. Tôi cảm mến và thương chàng trai nghèo đói giống như người mẹ thương con. Tôi quyết định “rủ” về sống chung, ngờ đâu anh đồng ý ngay lập tức. Thế là tôi có chồng… thứ hai”, chị Cương thật thà kể.
Thường người ta chỉ biết đến tác phẩm Văn học “Vợ nhặt” và nghĩ chỉ có trên trang giấy mới có chuyện hi hữu ấy. Nào ngờ ở hiện thực lại có người đàn bà goá chồng “nhặt” được chồng thông qua vài lời bông đùa. Thậm chí họ còn về ra mắt gia đình đôi bên và nhận được sự ủng hộ, dù khoảng cách tuổi tác… khá xa.
“Quen nhau, Cương dắt em về ra mắt bố mẹ. Em cũng sợ gia đình phản đối bởi đã nghèo, lại nhỏ tuổi hơn rất nhiều. Người ta bảo nếu vợ lấy chồng sớm, có thể sinh ra em… Em thấy cũng đúng vì em kém vợ đến 20 tuổi cơ mà.
Chị Cương và chồng trẻ kém 20 tuổi.
May mắn gia đình vợ đồng ý em. Mẹ chỉ nói rằng nếu xác định ở với nhau như vợ chồng thì phải sống hạnh phúc, cùng nhau vượt qua khó khăn”, Hạnh nói.
Nhận được sự ủng hộ của nhà vợ, Hạnh mạnh mẽ dắt chị Cương về nhà gặp mẹ ruột. Ban đầu chị cũng sợ bị phản đối bởi chị chỉ thua mẹ chồng vài tuổi. Song “may mắn” lần nữa mỉm cười với họ khi được mẹ ủng hộ với hi vọng cả hai sống thật hạnh phúc.
“Mẹ chồng dặn dò tôi phải bảo ban và dạy dỗ Hạnh bởi còn trẻ con. Bà còn gửi gắm tôi chăm sóc con trai. Tôi đã làm tốt suốt thời gian qua. Vậy mà thiên hạ vẫn nói ra nói vào, bảo chúng tôi dở hơi mới làm vợ chồng. Tôi kệ vì dù sao hạnh phúc của mình do mình tự quyết định chứ”, người phụ nữ 40 tuổi nói.
Dọn về chung sống như vợ chồng, vì hoàn cảnh hai gia đình khó khăn không có chỗ ở, chị Cương và Hạnh nghe dượng nói ở đường tỉnh lộ có ngôi trường bỏ hoang liền đến đó dọn dẹp sạch sẽ, coi đó là nhà để xây dựng tổ ấm. Chị bảo ban đầu cũng sợ chính quyền cấm hoặc có người phá, may sao tất cả đều suôn sẻ. Chị cũng chẳng sắm sửa gì, hễ nhặt được cái gì người ta bỏ đi còn dùng được là đem về sử dụng.
Cặp vợ chồng vô cùng tình cảm.
“Trong nhà tôi chỉ có bếp gas, xoong nồi và bát đũa, thêm cái chiếu làm chỗ ngả lưng. Ở đây tránh nắng tránh mưa, chứ nói về bất tiện thì nhiều vô kể. Ví dụ như không có nước sạch, toàn phải dùng nước dưới sông múc lên hoặc giặt đồ dưới đó thôi. Thi thoảng tôi gom đồ bẩn vào bao, đợi đầy thì đem về bà ngoại giặt giũ”, chị Cương nói.
Nhắc đến chuyện hai vợ chồng sinh sống bằng nghề gì, chị Cương thật thà: “Có làm gì đâu, toàn đi xin ăn thôi. Trước đây tôi có đi bán vé số, thu nhập hơn trăm/ngày nhưng dịch COVID-19 bùng phát, phải nghỉ. Sau đó chúng tôi chẳng có vốn mà lấy vé số bán nữa, đành đi xin cơm từ thiện hoặc ai cho gì thì ăn đó thôi”.
Chị Cương vừa dứt lời, Hạnh cho biết sắp tới sẽ đi tìm công việc để làm thuê, kể cả lương ít ỏi. Bởi cậu nhận thấy đi xin ăn mãi cũng không tốt, không thể ổn định cuộc sống sau này. “Em còn trẻ, lại có sức khoẻ nên ra Tết sẽ đi mần thuê kiếm tiền. Em phải lo cho vợ cuộc sống tốt, còn phải chăm sóc cho con trai của vợ nữa”, chàng trai 20 tuổi bộc bạch.
Cuộc sống thiếu thốn là vậy, cặp vợ chồng vẫn nuôi 2 con chó bầu bạn. Họ bảo đó là chó lang thang ngoài đường, thấy thương nên đưa về nuôi nấng. Hằng ngày chúng cũng ăn cơm từ thiện hoặc rau khoai như chủ.
Chia sẻ nỗi lo tương lai, chị Cương bảo lo lắng nhất có lẽ là chính quyền phá huỷ ngôi trường, sẽ không có chỗ để ở. Có lẽ khi ấy cả hai phải thuê phòng trọ hoặc tìm chỗ khác làm nơi dừng chân.