Trẻ liên tiếp nhập viện do tai nạn sinh hoạt, thủ phạm là vật dụng ngay trong nhà

Ngày 12/03/2020 00:08 AM (GMT+7)

Chỉ một phút lơ là trẻ có thể sẽ gặp phải tai nạn sinh hoạt rất nguy hiểm, vì thế bố mẹ và người thân cần phải cẩn thận hơn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ.

Liên tiếp trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Đức - Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho biết thời gian gần đây khoa liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt trong gia đình. Chỉ tính riêng từ ngày 28/2 đến 1/3, khoa tiếp nhận 4 bệnh nhi từ 4 đến 11 tuổi nhập viện với những chấn thương khác nhau.

Bác sĩ Đức cho biết, việc bố mẹ, người thân thiếu cảnh giác, lờ là trong việc chăm sóc, để ý đến con em dẫn đến nhiều tai nạn sinh hoạt xảy ra với trẻ nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, chuyên khoa Chỉnh Hình Nhi cho biết, trong số các trường hợp nhập viện, thương tâm nhất là trường hợp của cháu Nguyễn Bảo Linh (4 tuổi, Hà Nội). Ngày 28/02, hai chị em bé Linh chơi với nhau tại nhà. Trong lúc chơi đùa, bé Linh chui vào máy tời vải của gia đình, rồi thò tay vào mô tơ và bị máy cán nghiến bàn tay phải.

Tai nạn bất ngờ khiến phần mềm mặt trước và mặt sau bàn tay phải của bé bị dập nát, vỡ xương bàn tay. May mắn, cháu được gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện 103 sơ cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ liên tiếp nhập viện do tai nạn sinh hoạt, thủ phạm là vật dụng ngay trong nhà - 1

Thương tổn của một bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt sau khi được bác sĩ xử lý.

Nhập viện cùng ngày với bé Linh là cháu Hoàng Thanh Bảo (7 tuổi, Hà Nội). Tối ngày 28/02, khi chơi ở nhà bà ngoại, cháu đi xe đạp trong nhà và húc vào cạnh khung kính dựa ở gần đó. Khi kính vỡ, cháu bị các mảnh kính đâm vào chân. Trẻ được đưa đến bệnh viện trong trạng thái tỉnh táo. Khi mở vết thương kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy cháu bị đứt 3 gân duỗi, chụp X-quang thấy gãy 2 xương bàn chân số 3 và số 4.

Ngoài tai nạn khi chơi đùa, đôi khi các vật dụng trong nhà cũng là tác nhân khiến trẻ bị nạn. Trường hợp tai nạn của bé gái Hoàng Minh Thùy (11 tuổi, Thạch Thất) là một ví dụ điển hình. Vào khoảng 7 giờ tối ngày 1/03, trong quá trình vệ sinh cá nhân, cháu Thùy có tì ngực vào bồn rửa mặt bằng sứ có chiều cao đến ngang ngực cháu (đã có dấu hiệu rạn nứt) khiến 1/3 chiếc bồn rơi ra.

Cạnh sứ sắc nhọn đâm vào cơ thể cháu bé gây ra tình trạng thương tích ở nhiều vị trí: cổ bên phải, cánh tay phải, khuỷu tay trái. Cháu Thùy được đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tỉnh táo nhưng đau đớn và mất nhiều máu, rách cơ cổ, nhiều vết thương đã bị lóc da diện rộng.

Trường hợp thương tâm khác là bé Nguyễn Bảo Long (8 tuổi, Hưng Yên) đi xe đạp trong khu dân cư và không may va chân vào miếng tôn được dựng ở ngoài đường. Hậu quả, bé Long bị mảnh tôn sắc cứa vào cổ chân gây ra thương tích nghiêm trọng: đứt ngang mặt trước cổ chân, đứt toàn bộ gân duỗi, đứt động mạch chày trước, đứt một phần xương sên. Sau tai nạn, cháu được sơ cứu tại trung tâm y tế gần nhà và chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương.

Hiện tại, sau khi được phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhi đã dần hồi phục và có thể ra viện trong mấy ngày tới.

Trẻ liên tiếp nhập viện do tai nạn sinh hoạt, thủ phạm là vật dụng ngay trong nhà - 2

Hiện các ca bệnh đã được phẫu thuật, điều trị ổn định.

Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm của người lớn

Tại khoa Chỉnh hình Nhi, mỗi năm, các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp tai nạn ở trẻ nhỏ với các mức độ tổn thương khác nhau. Tai nạn do các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể như vùng cổ, cổ tay, cổ chân gây đứt động mạch là một trong những trường hợp nghiêm trọng và rất có thể gây ra tử vong ở trẻ nếu không được sơ cấp cứu đúng cách.

Bác Hoàng Hải Đức cho biết, tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường xảy đến bất ngờ, khó lường trước và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể các em. Ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Mặc dù nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình hình trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích vẫn chưa giảm.

“Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ.

Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của người lớn là trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Cách sơ cứu trẻ bị tai nạn có vết thương, chảy máu:

Khi trẻ bị tai nạn mất máu quá nhiều sẽ dẫn đến choáng, hôn mê, không được xử lý kịp thời có thể tử vong. Đứng trước một vết thương chảy máu thì việc đầu tiên là cầm máu, giữ sạch vết thương để không làm nhiễm trùng thêm cho vết thương.

- Nếu vết thương nông cạn như trầy sướt, vết đứt nhẹ, chảy máu cũng cần phải đến y tế rửa vết thương, băng cầm máu, chống nhiễm trùng, không tự ý đắp bất cứ thứ gì lên vết thương.

- Nếu vết thương sâu, chảy máu nhiều, dùng tay ép chặt lên vết thương để cầm máu tạm thời, giơ cao vết thương và đến ngay y tế để cấp cứu. Trường hợp vết thương nặng chảy máu quá nhiều, thì đặt nạn nhân nằm tại chổ, dùng khăn hoặc vải sạch ép chặt lên vết thương và nhờ người hỗ trợ gọi y tế cấp cứu. Nên dùng găng tay khi tiếp xúc với máu.

Hai mẹ con lang thang ăn xin trên cầu Thanh Trì gặp tai nạn, người mẹ đã qua đời
Khi đang đi bộ trên cầu Thanh Trì, hai mẹ con đã gặp tai nạn khiến người mẹ tử vong, con bị xây xước nhẹ.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai nạn trẻ em