PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm hiện tại là đỉnh điểm của bệnh hô hấp ở trẻ.
Trao đổi với phóng viên, PGS Dũng cho biết, trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện tăng gấp 20% so với thời điểm này tháng trước.
“Riêng tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 100 cháu đến khám, trong đó quá nửa là số trẻ mắc bệnh hô hấp. Đa phần trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi”, PGS Dũng nói.
PGS Dũng cho biết, các ca bệnh đến khám và nhập viện do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, ho nhiều, có đờm, đau họng, viêm phế quản.
Trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện tăng gấp 20% so với thời điểm này tháng trước.
Trẻ nhỏ có biểu hiện bỏ bú, khó thở, ho do tắc đờm. Đặc biệt là những trẻ hen phế quản, thời tiết này khiến tình trạng ho, rít vì hen rất nặng nề. Những trường hợp nhỏ dưới 6 tháng tuổi bệnh cũng diễn tiến nhanh cấp tính và thường phải nằm ở viện lâu hơn vì khó uống thuốc.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì các bệnh lý hô hấp cũng tăng rất nhanh so thời điểm này vào tháng 8, tháng 9.
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong tổng số 2.500 - 3.000 trẻ khám/ngày, quá nửa là bệnh lý về hô hấp như sốt vius, ho, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, lượng bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện tại không tăng.
Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai lý giải, thời tiết miền Bắc đang chuyển từ thu sang đông; ngày nắng nóng, sáng và đêm se se lạnh. Điều kiện nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá lớn, cơ thể trẻ rất khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột này khiến vào buổi sáng sớm trẻ thường bị những cơn ho kéo dài, ngạt mũi nặng hơn.
“Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm độ ẩm trong không khí tăng khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp cũng gia tăng”, PGS Dũng nói.
PGS Dũng cho biết, năm nào cũng vậy, tháng 9, tháng 10 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp. Trẻ ho, sốt vào viện khám rất nhiều, đặc biệt là sốt virus. Các bác sĩ phải phân loại trẻ rất kỹ, chỉ những trẻ viêm tiểu phế quản, viêm phổi có suy hô hấp mới chỉ định nhập viện để tránh quá tải, còn các bệnh hô hấp khác đều điều trị ngoại trú. Không ít trường hợp, có trẻ vừa điều trị viêm phổi 1 tuần, đang chuẩn bị xuất viện lại bị sốt, khám lại đã bị viêm tiểu phế quản phổi.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai
“Những trẻ bị viêm phổi, điều trị gần được ra viện lại sốt virus hoặc mắc kèm bệnh viêm đường hô hấp trên nên kéo dài thời gian nằm viện”, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nếu trẻ không có biểu hiện về bệnh, phụ huynh không cần nhỏ nước muối suốt. Bình thường mũi đã có cơ chế tự làm sạch. Nhưng với trẻ đang bị viêm mũi, dùng nước muối biển để xịt là một biện pháp trợ giúp mũi đẩy sạch vi khuẩn khỏi mũi họng và với trẻ chưa biết xì mũi. cần dùng hút mũi 2 đầu để hút dịch mũi ra.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cảnh báo phụ huynh tự đặt khí dung cho con tại nhà bởi đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng như bệnh viện. Đó là ổ nhiễm khuẩn khiến bé ốm. Bên cạnh đó khí dung có thể gây những phản ứng bất ngờ khiến bé ngừng thở.
Các chuyên gia cảnh báo, cha mẹ nên giữ cho mũi trẻ luôn khô ráo, sạch sẽ bằng cách tăng cường hút mũi, vệ sinh mũi ngay khi có biểu hiện viêm mũi.
Sau một đợt bị ốm, trẻ thường hay sút cân vì vậy cần phải cho trẻ ăn thêm 1 bữa so với bình thường, kể cả khi đã khỏi ốm để nhanh chóng lấy lại cân nặng như bình thường. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường rau xanh và hoa quả.