Trẻ méo miệng vì quạt và điều hòa

Ngày 30/10/2016 09:21 AM (GMT+7)

Mới đây, một bà mẹ trẻ của bé gái 2 tuổi ở Hải Phòng bị méo miệng do bật quạt khi nằm ngủ đã lên tiếng cảnh báo cho các bậc phụ huynh có con nhỏ. Việc bật quạt khi nằm ngủ trong thời tiết giao mùa là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị liệt mặt, méo miệng…

Méo miệng do… lạnh

Như thông tin đã đưa, chị Thu Huyền (ở Hải Phòng), mẹ của bé Trà My cho biết, sáng sớm ngủ dậy, con gái chị bỗng dưng bị méo mặt. Mắt bé một bên mở, một bên nhắm chặt, nước mắt cứ tự chảy ra. Cháu ăn uống rất khó vì không thể khép miệng lại được. Sau 3 ngày theo dõi, thấy mặt con không trở về bình thường, uống nước cũng khó khăn nên gia đình đã đưa bé My đến bệnh viện. Khi bé được đưa đến bệnh viện thì gia đình mới biết là bé My mắc phải căn bệnh liệt dây thần kinh số VII dẫn đến méo miệng như vậy. Chị Huyền kể lại rằng, trước khi bé My bị méo miệng thì đêm đó mẹ con chị bật quạt ngủ suốt đêm. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận bé Trà My bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên vì bị nhiễm lạnh. Bé My được các bác sĩ điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp với bấm huyệt đến hơn 1 tháng sau đỡ. Hiện tại, khuôn mặt của bé My đã gần như hồi phục hoàn toàn.

Ngoài trường hợp của bé My, trước đó một bé gái 5 tuổi (ở Giang Tô, Trung Quốc) cũng phải nhập viện với khuôn mặt hoàn toàn bị tê liệt. Miệng của bé bị đơ, góc mép lệch hẳn sang một bên, mắt nhắm hờ không khép chặt lại được. Nguyên nhân là do nằm điều hòa suốt đêm với nhiệt độ quá thấp.

Hay trường hợp bé Lê Quang Lực, 4 tuổi (ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế) lại mắc phải căn bệnh này trong khi chơi đùa và bị ngã, mặt chạm nhẹ xuống sàn nhà.

Trẻ méo miệng vì quạt và điều hòa - 1

Trẻ dễ bị méo miệng, nếu nằm điều hòa quá lạnh. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Lương Tài (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), thời điểm giao mùa, đặc biệt là khi gặp gió lạnh bất thường sẽ gây ra những bệnh ở trẻ ví dụ như: Viêm mũi, phế quản, phổi… Thế nhưng, có một căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng mà không phải bố mẹ nào cũng biết đó là căn bệnh: Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, khiến trẻ bị liệt mặt, méo miệng ngay tức thì. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh này sẽ để lại những di chứng lâu dài về sau. Trên thực tế, có rất nhiều bố mẹ vì không cẩn thận phòng tránh cho con trong những đợt gió lạnh về đã khiến con gặp phải căn bệnh đáng sợ này.

Cũng theo bác sĩ Lương Tài, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên như: Tai nạn, zona, viêm nhiễm các vùng quanh tai, mũi, họng, chấn thương sọ ở vùng, xương chũm... gây ra. Tuy nhiên, có đến 80% bệnh nhân liệt dây VII là do lạnh đột ngột, gây co mạch dẫn tới tổn thương nhánh ngoại biên của dây VII, không chi phối được các cơ bám da mặt. Chứng này xảy ra ở mọi thời điểm, nhưng khi giao mùa thu đông, nhiều người mắc hơn, nhất là những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ nhỏ.

Theo một số thông tin từ bác sĩ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiệt độ quá lạnh, dẫn đến sự co thắt dây thần kinh ở khuôn mặt, tắc mạch máu, phù nề và có triệu chứng liệt khuôn mặt. Bệnh không nguy hiểm và chỉ cần điều trị bằng châm cứu từ 7-10 ngày là có thể khỏi nhưng có trường hợp phải điều trị 2-3 đợt và rất hiếm trường hợp điều trị không khỏi. Bệnh tiến triển nhanh nhất trong 3 ngày đầu nên càng chữa trị sớm càng tốt. Nếu để lâu thì dây thần kinh số VII đang ở thể bị kích thích sẽ chuyển sang thể kích thích và khả năng trở lại bình thường của khuôn mặt là rất khó.

Cách chữa trị phổ biến hiện nay gồm cả Đông y và Tây y. Y học hiện đại có thể dùng thuốc, xoa bóp vùng mặt để chữa trị. Y học cổ truyền thường châm cứu (ôn châm, điện châm), kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện cơ...

Cách phòng tránh bệnh méo miệng ở trẻ

Theo các chuyên gia y tế, bố mẹ cần luôn giữ cho con không bị lạnh khi đi ra ngoài trong những ngày thời tiết giao mùa. Nhất là trong thời điểm này, mặc dù ban ngày trời nắng nóng nhưng vào buổi sáng sớm và chiều tối, bố mẹ nên khoác áo mỏng, đội mũ cho trẻ khi đưa trẻ đến trường và lúc đón con về. Thời điểm này sáng sớm và đêm trời se lạnh, nếu phải ra đường cần mặc áo khoác mỏng. Tránh nằm, ngồi nơi cửa có gió lùa. Lúc đưa con đi bộ vào buổi sáng hoặc tối ở công viên, sân tập thể nếu thấy gió quá mạnh, quá lộng thì nên đưa con về để tránh bị trúng gió.

Khi tắm cho trẻ cần tránh nơi có gió lùa, lau người khô nhanh, mặc quần áo ấm sau đó mới cho trẻ ra ngoài để không bị mất nhiều nhiệt và nhiễm lạnh. Không nhất thiết là ngày nào cũng phải tắm cho trẻ. Chỉ tắm khi trẻ khỏe mạnh. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi thì tốt nhất là chỉ lau người cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín, hoặc tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm. Không tắm cho trẻ quá khuya. Bởi thời tiết giao mùa khi về đêm thường hạ xuống thấp. Nếu không cẩn thận cũng rất dễ làm cho trẻ bị nhiễm lạnh. Ngưỡng an toàn là tắm cho trẻ trong vòng 5 phút trở xuống. Tắm quá 5 phút hoặc lâu hơn nữa sẽ rất dễ khiến trẻ bị nhiễm lạnh. Trẻ bị nhiễm lạnh có thể dẫn đến sốt, cảm và liệt dây thần kinh số VII dẫn đến méo miệng…

Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho con ăn uống đủ dưỡng các dưỡng chất. Ngoài cơm, cháo, bánh mì, thịt cá trứng… bố mẹ cũng nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp. Nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng định kỳ để có chế độ bổ sung vi chất kịp thời cho trẻ.

Sáng sớm ngủ dậy, bố mẹ không nên mở toang ngay cửa ra vào và cửa sổ để tránh cho trẻ không bị tiếp xúc đột ngột với gió lạnh ngoài trời. Cũng như vậy, lúc vừa ngủ dậy không nên cho trẻ chạy ra ngoài ngay.

Theo Ngân Khánh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự