Cùng trúng số độc đắc, bỗng dưng có tiền tỷ trong tay nhưng hai người đàn ông này lại có kết cục trái ngược hoàn toàn.
Người đàn ông trúng độc đắc tiền tỷ, vài năm sau sống bám nhà vệ sinh
Anh M (SN 1967, Cà Mau) cùng vợ con vốn sống bằng nghề buôn bán nhỏ trước cửa bệnh viện huyện Đầm Dơi. Họ tu chí làm lụng nên kinh tế rất khá giả, có của ăn của để. Thậm chí anh còn sắm cả ca nô để phục vụ, chuyên chở bệnh nhân có nhu cầu chuyển viện lên tuyến trên.
Cuộc sống của vợ chồng anh M cứ thế êm đềm trôi qua cho đến một ngày anh trúng liền 8 tờ vé số độc đắc. Từ đó anh bước sang một trang đời mới khiến nhiều người ở Đầm Dơi ngạc nhiên.
Có trong tay tiền tỷ, anh M bắt đầu tính chuyện làm ăn lớn cho xứng với mác đại gia Cà Mau. Anh quyết định bỏ tiền mua 4 chiếc ô tô 16 chỗ chuyên chở khách rồi trở thành ông chủ trong lĩnh vực vận tải, sở hữu dàn xe ô tô "xịn xò". Số tiền mỗi ngày công ty kiếm được vào khoảng hàng chục triệu đồng.
“Thời điểm tôi đầu tư trong lĩnh vực vận tải, đường giao thông tỉnh nối liền huyện Đầm Dơi chưa xong, chỉ mới đổ đá. Do đó nhiều người chế giễu tôi không biết tính toán, mua xe ô tô rồi lại đắp chiếu để đấy. Ngờ đâu không lâu sau, tuyến đường huyết mạch được hoàn thành trước thời hạn.
Lúc này, nhu cầu đi TP.HCM của người dân miền Tây tăng cao, các chuyến xe sẵn sàng phục vụ với giá cả hợp lý nên rất đông khách. Người ta bắt đầu “quay xe” khen tôi biết tính toán làm ăn, trở thành đại gia máu mặt nhất nhì phố huyện”, anh M tâm sự.
Ngoài đầu tư kinh doanh, anh M còn tìm mua một căn nhà mặt tiền ngay tại trung tâm huyện để vợ con ở. Hơn nữa, anh cũng chọn nơi này làm trụ sở giao dịch chính cho công ty vận tải của mình.
Nhà vệ sinh nơi anh M bấu víu lúc sa cơ.
Đổi đời nhờ trúng số, anh M lại càng giàu hơn khi công việc kinh doanh thuận lợi. Anh bắt đầu thay đổi, vung tiền tuyển người giúp mình việc trong nhà. Tiêu chuẩn mà anh đưa ra chính là trẻ và đẹp. Vì thế, xung quanh anh lúc nào cũng có vài ba cô gái mới lớn song chẳng được bao lâu thì vợ anh lại... sa thải.
Sau đó anh M bắt đầu các mối tình một đêm. Cuối cùng anh đã dừng chân bên một cô gái Sài Gòn xinh như hoa. Anh chi tiền cho cô gái này không biết tiếc tay. Anh nguyện bỏ ra tiền để thuê nhà lầu xe hơi cho bồ ở rồi tận tình chăm sóc lúc cả hai có con riêng. Khi đó “bà cả” phát hiện rồi đánh ghen nhưng anh nhất định không chịu bỏ, giấu vợ chuyển tiền cho nhân tình đều đặn.
Chính vì thói trăng hoa, tiền trong túi của vị đại gia cứ vơi dần, công việc kinh doanh sa sút hẳn. Anh đành cầm cố dàn xe để giải quyết nợ nần, thậm chí phải gán nợ căn nhà mặt phố, đưa vợ con trở về căn nhà nhỏ khi xưa. Từ đó cuộc sống vương giả sau khi trúng số của anh ấy kết thúc một cách chóng vánh.
Sau khi trắng tay, anh M quay trở lại chốn cũ mưu sinh. Anh phải làm công việc ở nhà vệ sinh công cộng trước cổng bệnh viện huyện Đầm Dơi. Đặc biệt phần lớn số tiền lương hàng tháng, anh đều dành để mua vé số với hi vọng may mắn thêm lần nữa để được đổi đời.
Người đàn ông trúng số vẫn sống chi li và tiết kiệm
Năm 1984, Công ty Xổ số kiến thiết Sông Bé phát hành vé số. Lúc đó, ông T (SN 1950, TP.HCM) thất nghiệp liền lấy vé số đi bán dạo kết hợp với nghề bơm ga bật lửa mưu sinh qua ngày. Ông và vợ ngày ngày đi rong ruổi khắp các con đường ngõ hẻm mời chào người mua. Chập choạng tối, họ lại quay trở về căn nhà mục nát được cất dựng trên thửa ruộng cha mẹ để lại.
“Tôi gọi là nhà cho sang miệng thôi, chứ thực chất đó chỉ là túp lều để vợ chồng tôi và lũ trẻ bám víu. Hồi ấy, vé số còn khá mới mẻ đối với người dân nên tôi bán chậm lắm, đến mức chẳng đủ ăn đủ uống. Vì thế, tôi đành phải vay mượn hàng xóm, họ hàng tiền để chi trả phí sinh hoạt hàng ngày”, ông T tâm sự.
Vay ăn một ngày... hai ngày... ba ngày... dần dần số tiền ông T mượn của họ hàng lên tới “tiền núi”. Và đương lúc nợ nần chồng chất, ông bỗng trở thành đại gia vé số trong sự ngỡ ngàng của bao người.
Ngôi nhà của ông T sau khi trúng số.
“Hôm đó, tôi đi bán vé số về muộn hơn mọi ngày vì vắng khách, còn nguyên tệp vé hồi sáng lấy ở đại lý. Tôi chán nản nhưng vẫn phải lết dậy đem chúng ra đại lý trả trước giờ quay bóng. Nghĩ thế nào, tôi bỏ tiền ra mua mấy tờ coi như thử vận may của bản thân”, ông T nhớ lại.
Khi có kết quả, ông T không kìm nén nổi sung sướng khi biết mình vừa trúng 2 giải độc đắc. Song vé số nhận thưởng của giải cao nhất chỉ 65 triệu đồng – không đủ để vợ chồng ông chi trả nợ nần. Vì thế ông chẳng dám mở tiệc chiêu đãi vợ con, thậm chí lĩnh tiền xong vẫn đi làm vé số và bơm ga bật lửa.
Thấu hiểu hoàn cảnh của người đàn ông ki cóp này, trời thương tiếp tục cho ông trúng thêm 6 giải độc đắc liền một lúc với tổng giá trị giải thưởng lên tới 1.5 tỷ đồng. Lúc này ười dân nghèo trong xã đều hi vọng được một bữa no khi ông mở tiệc chiêu đãi. Ngờ đâu ai cũng thất vọng bởi chẳng có buổi tiệc linh đình nào cả. Thay vào đó họ thấy cảnh vợ ông đạp chiếc xe cà tàng ra chợ mua một miếng thịt lợn nướng sẵn để thiết đãi cả nhà.
Nhắc đến việc vì sao lại tằn tiện như vậy, ông T cười bảo xưa cha mẹ ông cũng thuộc diện giàu có trong xã. Song so với anh em trong nhà, ông phải chịu nhiều thiệt thòi về thể xác. “Hồi nhỏ, tôi lên cơn sốt cao rồi bị co giật, đôi chân bị liệt và cứ dần teo tóp. Tôi đã không khuất phục, tập đi bằng sự giúp sức của đôi bàn tay chống vào đầu gối.
Còn về cách chi tiêu, ba tôi đã dạy anh em tôi rằng phải chi tiêu hợp lý, biết chắt chiu từng đồng từng hào lúc khỏe mạnh để khi ốm đau có chỗ “nương nhờ”. Vì thế đi ngoài đường thấy cái chai hay đồ gì dùng được bị vứt bỏ sẽ thu gom lại để đến lúc cần sẽ đem gia dùng”, ông T nói.
Nhờ đức tính “siêu tiết kiệm” và nghĩ xa, ông T đã gửi toàn bộ số tiền trúng số vào ngân hàng. Vì thế các con của ông đã được học hành đầy đủ, thậm chí còn có người còn được sang Nhật học tập và làm việc. “Tôi nghĩ lộc trời ban thì phải biết cách sử dụng sao cho chính đáng. Nếu cứ có tiền trong tay rồi thích chi tiêu gì là chi thì “tiền ăn núi lở” chẳng mấy mà hết”, ông T bày tỏ.