Chiếc trống trung thu nhiều màu sắc được những người thợ tại làng Hảo (Liêu Xá, Hưng Yên) sản xuất một cách khéo léo.
Có mặt tại làng Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên), âm thanh đầu tiên tôi nghe được là tiếng bưng trống của các hộ sản xuất từ xa vọng lại. Đây là một trong số rất ít các làng còn giữ được nghề làm trống truyền thống vào mỗi dịp trung thu. Thu nhập chủ yếu từ “lấy công làm lãi”, bỏ qua sức ép, sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, những người dân nơi đây vẫn quyết tâm giữ bằng được cái nghề mà ông cha để lại.
Đi qua con đường làng được bê tông hóa, tôi có mặt tại nhà anh Vũ Hữu Trường (29 tuổi), có thâm niên gần 15 năm làm trống. Tay thoăn thoắt bưng trống, thuộc da, anh Trường cho biết, bản thân anh cũng không biết nghề làm trống của làng có từ bao giờ. Chỉ biết cứ đời cha lại truyền lại cho đời con. "Mấy năm trước, bị hàng Trung Quốc cạnh tranh, nhiều hộ dân trong làng bỏ làm trống, riêng gia đình tôi vẫn quyết giữ nghề của cha ông để lại. Hai năm trở lại đây, người tiêu dùng bắt đầu quay lại đồ chơi truyền thống, chúng tôi nhận được các đơn đặt hàng của khách khắp trong Nam ngoài Bắc. Hàng sản xuất ra tới đâu là hết tới đó. Càng giáp tết Trung thu, đơn đặt hàng ngày càng nhiều, gia đình tôi phải thuê thêm thợ về làm mới kịp giao hàng cho khách", anh Trường vui vẻ nói.
Không chỉ có gia đình anh Trường, nhiều hộ dân khác trong làng cũng đang tất bật sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Ông Vũ Đắc Dùng, một hộ sản xuất phía đầu làng cho biết: "Thời gian gần đây, khi các thông tin liên quan tới việc hàng Trung Quốc có chứa chất độc khiến người tiêu dùng hoang mang. Nhiều người đã quyết định tìm về với đồ chơi truyền thống. Đơn đặt hàng từ rất nhiều nơi gửi về, đặc biệt là Hà Nội. Gia đình tôi phải từ chối 1 số đơn đặt hàng vì sợ chậm tiến độ, mất uy tín với khách", ông Dùng nói.
Về làng Hảo (Liêu Xa, Yên Mỹ, Hưng Yên) không khó để bắt gặp hình ảnh người dân tất bật sản xuất trống phục vụ trung thu.
Công đoạn thuộc da...
... bưng trống rất quan trọng và đòi hỏi sự khéo léo. "Nếu bưng da quá căng, trống kêu không tròn tiếng. Còn nếu da quá trùng thì sản phẩm sẽ nhanh hỏng", ông Dùng - một người thợ lâu năm trong nghề làm trống cho biết.
Sau khi bưng trống, người thợ thường thấy khuỷu tay để thử độ đàn hồi.
Công đoạn ghim mặt trống để cố định sản phẩm.
Một trong những nguyên liệu quan trọng nhất để làm trống là da trâu...
... và gỗ đề. Để hoàn thiện một sản phẩm cần ít nhất 5 - 10 phút.
Gỗ đề sau khi mua về được cắt thành từng đoạn nhỏ, rồi cho vào máy tiện thành hình tròn.
"Mỗi khúc gỗ như thế này có thể làm được 5 chiếc trống với có kích thước từ to đến nhỏ", anh Vũ Huy Tự (Liêu Xá, Hưng Yên) cho biết.
Công đoạn bào trống đòi hỏi sự khéo léo.
Sau khi tiện xong, vỏ trống sẽ được "khoác" một lớp sơn đỏ.
Mỗi chiếc trống như thế này được bán với giá 30 nghìn đồng.
Những loại nhỏ hơn có giá 20 nghìn đồng/chiếc.
Bé Đạt Anh (4 tuổi) rất thích thú khi được ngồi chơi trống do chính tay bố của em làm.
Phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội), không khí trung thu tràn ngập phố phường.
Năm nay, các mặt hàng truyền thống trong nước sản xuất được nhiều người tiêu dùng quan tâm và chọn mua.