Tết trung thu năm nay, các em thiếu nhi được trải nghiệm làm nghệ nhân, đắm chìm trong không gian mang đậm sắc màu truyền thống.
Trung thu hàng năm, tại Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, Hà Nội) thường diễn ra hoạt động vui chơi, giải trí gắn liền với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tham dự sự kiện, các em thiếu nhi sẽ được học cách làm diều, các loại đèn ông sao, đèn con thỏ, tò he... khơi gợi nét trung thu xưa của người Việt.
Không gian đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, Hà Nội) ngập tràn không khí Tết trung thu.
Các nghệ nhân mang đến những đồ chơi dân gian truyền thống.
Các em nhỏ háo hức làm đèn ông sao.
Đèn ông sao truyền thống chỉ có màu đỏ duy nhất với biểu tượng ngôi sao vàng năm cánh trên quốc kỳ.
Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn.
Háo hức với các sản phẩm do chính tay mình hoàn thành.
Phụ huynh đưa con đến đình Kim Ngân xem diều, học làm đèn... đều có chung một mong muốn trẻ nhỏ hiểu được nét đẹp về các trò chơi dân gian cần được bảo tồn và gìn giữ của dân tộc Việt Nam.
Một phụ huynh hướng dẫn còn làm đèn trung thu.
Ông Tiến sĩ giấy thường được bày trong mâm cỗ đêm trung thu. Sau khi phá cỗ, ông Tiến sĩ giấy sẽ được trẻ nhỏ rước đi khắp nơi.
Hình ảnh ông Tiến sĩ giấy mang theo ước vọng con trẻ sẽ học hành chăm chỉ, đỗ đạt, nên người.
Những chiếc tàu thủy sắt - từng là món đồ chơi ao ước của nhiều thế hệ tuổi thơ Hà Nội trước đây. Nguyên liệu để làm ra những chiếc tàu thủy sắt cũng rất đơn giản, đó là những phế thải như ống bơ, hộp sữa…vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường.
Tàu thủy sắt có thể di chuyển trên mặt nước và phát ra tiếng kêu như động cơ tàu thủy thật. Vừa chơi, trẻ em còn có thể rút ra nhiều bài học khoa học lý thú, nhất là các lý thuyết cơ bản về nhiệt học, chuyển động.
Không gian nặn tò he cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều phụ huynh và các em nhỏ.
Bé Nam (8 tuổi) chăm chú học nặn tò he để mang về tặng em gái.