Từ một loài thực vật hoang dại không tên tuổi, lá duối miền Tây bỗng trở thành món vừa ngon vừa lạ lẫm. Bởi vậy, nhiều người sành ăn đã không khỏi tò mò, tìm kiếm chúng về để thưởng thức.
Lá dại vùng sông nước miền Tây
Vùng sông nước miền Tây vốn nổi tiếng với rất nhiều món ăn bình dị, dân dã làm ngất ngây bao du khách Việt. Nơi đây còn có các loại lá mọc dại trở thành gia vị - rau ăn kèm không thể thiếu trong món ăn đặc sản, trong đó phải kể đến lá duối.
Lá duối chỉ thực sự nổi tiếng khi được phát hiện như một phụ liệu mới cho công thức nấu ăn của các đầu bếp lẫy lừng trong nhà hàng 5 sao. Thậm chí nó còn được đặt cạnh những cao lương, mỹ vị khác. Đó cũng là thời điểm người sành ăn bắt đầu truy tìm loại lá gia vị này để thưởng thức xem hương vị của nó ra sao mà hấp dẫn đến vậy!
Anh Hoàng Anh (34 tuổi) - một đầu bếp tại khách sạn lớn ở TP.HCM cho biết, duối là loài cây bụi mọc hoang ở vùng Bảy Núi (An Giang) và biên giới Tây Nam. Chúng gồm 2 loại: duối cây và duối dây. Duối cây để làm cảnh do dễ trồng và thân có dáng của một cổ thụ, lá nhỏ và dày… Còn duối dây có lá lớn bằng bàn tay, ít nhám và dùng để làm rau chế biến nhiều món ăn bởi có mùi thơm rất đặc trưng.
Duối dây là loài cây mọc bụi hoang, có lá lớn bằng bàn tay, ít nhám.
“Xã hội phát triển, các loại cây mọc hoang dần bị phá bỏ để thay thế bởi các cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Và cây duối dây cũng vậy! Vì thế, để tìm được loại lá này thật sự rất khó khăn. Ban đầu, tôi phải nhờ người quen dưới An Giang tìm kiếm hộ rồi may mắn hái được một ít đem về thành phố. Sau đó tôi kết nối với thương lái chuyên thu mua đặc sản rau dại miền Tây, đặt lấy theo tuần để đảm bảo sự tươi ngon của lá duối”, anh Hoàng Anh nói.
Lá duối chủ yếu dùng để làm các món hấp bởi mủ của chúng có mùi thơm ngào ngạt của nước cốt dừa nhưng đậm đà hơn nhiều. Vì thế trước người dân An Giang thường bỏ lá này vào nồi bánh tét để ướp hương vị thơm cho bánh, sau đó mới thay bằng lá dứa.
Chị Lê Long (29 tuổi, quê An Giang) - hiện sinh sống và làm việc tại quận 9, TP.HCM cho biết, trong số món ăn ngon làm từ lá duối không thể không kể đến món cá mè dinh hấp lá duối. “Nói nhiều người không tin nhưng món ăn đó xứng đáng là đặc sản, làm nên “tên tuổi” cũng như sự nổi tiếng của lá duối. Bạn chỉ cần ăn một lần sẽ nhớ mãi cả đời.
Cá mè dinh hấp lá duối được cho là món ngon hảo hạng trong các nhà hàng, khách sạn.
Cá mè vốn tanh nhưng người ta chỉ cần làm sạch rồi đem hấp với lá duối, mở vung ra là cảm nhận được hương vị ngọt ngào của thịt cá, thơm thanh của lá duối. Món ăn này phù hợp để cánh mày râu lai rai với rượu hoặc chỉ cần ăn với cơm nóng, kèm ít rau sống rồi chấm nước mắm ớt nguyên chất là tuyệt vời”, chị Long cho hay.
Rất “quý hiếm” nhưng nhiều người vẫn tò mò tìm mua
Từ loài hoang dại không tên tuổi, lá duối miền Tây bỗng trở thành món vừa ngon vừa lạ lẫm. Bởi vậy, nhiều người sành ăn đã không khỏi tò mò, tìm kiếm chúng về để thưởng thức đôi ba lần.
Chị Lam Quỳnh (34 tuổi) - tiểu thương chuyên buôn bán rau rừng, quả rừng khắp mọi miền đất nước về Sài Gòn bán cho biết, vài năm trở lại đây, lá duối bắt đầu được “săn lùng” nhiều hơn cả. Nếu trước kia, chị chỉ bán cho một số đầu bếp tại nhà hàng – khách sạn lớn ở TP.HCM thì giờ có cả người sành ăn hoặc giàu có tìm đến.
Từ loài hoang dại không tên tuổi, lá duối miền Tây bỗng trở thành món vừa ngon vừa lạ lẫm.
“Tôi khá ngỡ ngàng khi lá ruối được nhiều người tìm đến hỏi mua. Có lẽ họ thấy các đầu bếp chia sẻ loại lá này trên mạng xã hội hoặc ăn ở các nhà hàng thấy hương vị đặc biệt quá nên tìm chỗ bán. Có những ngày, tôi nhận được hàng chục đơn hỏi mua lá duối nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn. Bởi chưa có ai nghĩ đến phát triển loại rau này thành rau vườn nên hiếm lắm”, chị Quỳnh cho hay.
Khi nhận được đơn hỏi mua lá duối, người phụ nữ 34 tuổi sẽ chờ đợi thêm vài ngày để gom thành số lượng lớn. Sau đó chị gọi điện cho người quen ở Bảy Núi đi hái lá duối rồi gửi lên thành phố cho chị. Hiện chị rao bán lá duối dao động từ 150.000 – 170.000 đồng/kg, tùy vào đợt hàng có ít hay nhiều.