"Đã từng có nhiều trường hợp trẻ bị cha dượng hãm hiếp, hành hạ, mẹ kế ngược đãi. Có người mẹ kế từng là luật sư đã ném con gái riêng 5 tuổi của chồng xuống sông Hồng giữa mùa đông…", GS.TS Lê Thị Quý kể lại.
Vụ bé trai 10 tuổi bị bạo hành bới chính bố đẻ và mẹ kế ở Hà Nội mới đây khiến cho nhiều người không khỏi xót thương và phẫn nộ. Tuy nhiên, vụ việc này cũng đưa ra câu chuyện cần phải bàn luận đó là hậu quả của việc chia con sau ly hôn.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội Trường Đại học Thăng Long để tìm hiểu rõ hơn.
GS,TS Lê Thị Quý (người đứng) đang giảng bài cho sinh viên Đại học Thăng Long, Hà Nội.
Ly hôn là kết thúc một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng không kết thúc một gia đình
Câu chuyện bé trai 10 tuổi bị bạo hành ở Hà Nội đưa ra vấn đề về việc chia con sau ly hôn, vậy hậu quả của vấn đề này đối với những đứa trẻ như thế nào, thưa bà?
Tỷ lệ ly hôn ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại, như một hiện tượng xã hội phức tạp. Chúng ta đều biết ly hôn là kết thúc của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng không kết thúc một gia đình. Điều đó có nghĩa là nếu cặp đôi có con thì dù cha mẹ chia tay nhưng những đứa con sẽ sống với một người (hoặc cha hoặc mẹ) vì vậy họ vẫn tập hợp thành gia đình. Xã hội học gọi đó là những gia đình khuyết thiếu. Nếu người cha hoặc mẹ lập gia đình mới thì đó là những gia đình ghép hoặc đơn giản như dân gian gọi là “rổ rá cạp lại”.
Nhiều trường hợp trẻ em sau khi bố mẹ ly hôn ở Việt Nam cực kỳ bi đát.
GS Lê Thị Quý - Eva.vn
”Theo các nghiên cứu của chúng tôi, ở Việt Nam, ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em bởi cách mà cặp đôi ly hôn và cách mà Tòa án xử ly hôn. Khi yêu thì anh/em không thể sống thiếu em/anh nhưng khi ly hôn thì họ coi nhau như kẻ thù thậm chí phải triệt hạ làm cho nhau càng đau khổ càng tốt. Hai loại “vũ khí” mà họ thường dùng trong những trường hợp này là con cái và của cải.
Tòa án xử ly hôn cũng chưa thật phù hợp, thiếu chất Xã hội học. Chẳng hạn cần phải xem xét các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của người được nuôi trẻ và sự đóng góp của người còn lại.
Rất nhiều vụ án Tòa xử cho mẹ nuôi con, bố đóng góp nhưng hầu hết những người chồng không thi hành án vì họ còn bận lo cho gia đình mới của họ. Hậu quả là mẹ con phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn.
Nhiều người mẹ đã trả đũa bằng cách nói xấu và không cho con gặp mặt bố và không thiếu những trường hợp người bố cũng hành xử như vậy với người mẹ khi anh ta được quyền nuôi con. Họ không biết rằng cách hành xử thiếu văn hóa và nhẫn tâm của họ đã làm cho con cái họ vô cùng tổn thương.
Trẻ em là giai đoạn non nớt của con người, cần một mái ấm gia đình che chở, cần sự đồng thuận của cha mẹ để được tự do học hành, ăn chơi, ngủ nghỉ, để lớn lên, trưởng thành cả về mặt nhân cách lẫn thân thể. Vì vậy khi Tòa hỏi “Con muốn ở với ai?” thì 100% trẻ đều khóc lóc và nói “Con muốn ở với cả hai”. Đó là nguyện vọng rất chính đáng nhưng chúng đành bất lực trước quyết định ly hôn của bố mẹ. Điều đó có nghĩa là môi trường gia đình hay hệ thống sinh thái cũ của chúng đang tan vỡ.
Ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em. (Ảnh minh họa)
Bà có thể chia sẻ những câu chuyện mà mà mình từng chứng kiến về hậu quả của những cuộc hôn nhân tan vỡ với trẻ được không?
Nhiều lắm, cha dượng hãm hiếp, hành hạ trẻ. Mẹ kế ngược đãi, đánh đập. Có người mẹ kế từng là luật sư đã ném con gái riêng 5 tuổi của chồng xuống sông Hồng giữa mùa đông…
Những tội ác với trẻ em rất tàn bạo như vậy đã bị xử rất nhẹ. Nhiều vụ còn không xử. Vụ cháu bé 10 tuổi bị bố ruột, mẹ kế hành hạ tàn bạo vừa qua thật là nỗi kinh hoàng của xã hội.
Cần phải xét xử họ nghiêm khắc vì họ đã vi phạm rất nhiều luật của Việt Nam: Luật Hình sự, Luật Dân sự, Công ước quyền trẻ em, Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Tôi nghĩ nếu Tòa xử nhẹ là nhân đạo với tội ác mà không nhân đạo với nạn nhân và xã hội vì chúng ta phải xử án cho xã hội chứ không phải chỉ xử cho một gia đình.
GS Lê Thị Quý - Eva.vn
”Nhiều vụ án rất man rợ nhưng lại được xử rất nhẹ vì Tòa căn cứ vào bãi nại của nạn nhân. Tôi nghĩ điều này không công bằng. Các nạn nhân hoặc vì nhân đạo hoặc vì sợ hãi mà bãi nại.
Tòa phải căn cứ trên tính chất của vụ việc và hậu quả mà nó để lại cho gia đình và xã hội để xử. Xử cho xã hội để giáo dục, răn đe chứ không chỉ xử cho một gia đình. Làm như vậy là tạo điều kiện cho tội ác lộng hành.
Câu chuyện bé 10 tuổi bị bạo hành mới đây, cần phải trừng trị nghiêm tội ác. Không chấp nhận những lý do mà kẻ thủ ác đưa ra, đặc biệt khi kẻ đó là cha đẻ. Người mẹ kế cũng phải xử nghiêm, xứng với tội của cô ta.
Tôi nghĩ pháp luật cần chặt chẽ hơn về gia đình, buộc trách nhiệm lớn hơn với cha mẹ và phải kiểm tra việc thi hành án bởi vì phần lớn những trẻ sống trong các gia đình ghép là không an toàn.
Bé trai 10 tuổi bị bố và mẹ kế bạo hành dã man việc quan trọng nhất là đưa bé về ở với mẹ ruột và buộc người cha phải góp tiền nuôi bé đến khi trưởng thành.
Sau ly hôn, cha mẹ cần phải hiểu nỗi đau của trẻ và hợp tác trong nuôi dạy chúng
Về trường hợp của cậu bé 10 tuổi bị bạo hành cần làm thế nào để giảm bớt tổn thương cho bé?
Tôi nghĩ việc quan trọng nhất là đưa bé về ở với mẹ ruột và buộc người cha phải góp tiền nuôi bé đến khi trưởng thành. Nhân đây chúng ta phải có bài học cảnh tỉnh cho tất cả các bậc cha mẹ, kể cả gia đình hoàn chỉnh hay gia đình ghép cần phải có trách nhiệm lớn và chấm dứt bạo lực gia đình với trẻ.
Bà có lời khuyên nào cho bố mẹ về cách chăm sóc, nuôi dạy con sau khi ly hôn?
Các bạn trẻ khi lập gia đình ngày càng ít học kiến thức văn hóa gia đình. Không thể hứng lên thì cưới, có con và giận thì ly hôn vì trong hôn nhân ngoài tình còn nghĩa và trách nhiệm, đặc biệt đối với con cái.
Sau ly hôn, cần phải hiểu nỗi đau của trẻ và hợp tác trong nuôi dạy chúng để chúng bớt tổn thương. Chính quyền, đoàn thể, nhân viên công tác xã hội cần chú ý giúp đỡ cho các gia đình này.
Bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc con, giáo dục lối sống lành mạnh cho con giống như lúc vẫn ở với nhau. Bố mẹ đừng giáo dục con thù hằn mà phải giáo dục tình thương yêu, cảm thông với bố mẹ và những người khác.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ!
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia uy tín. Những thắc mắc của quý độc giả về Sức khỏe trẻ em sẽ được các chuyên gia giải đáp vào 15h30 thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần trên chuyên mục Làm mẹ - Eva.vn. |