Từ mai, người đồng tính có quyền tổ chức lễ cưới, chung sống. Nếu chia tay, việc phân chia tài sản sẽ theo luật dân sự về sở hữu chung.
Trả lời báo chí tại cuộc họp sáng nay của Bộ Tư pháp, ông Bùi Minh Hồng (Đại diện Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp) cho biết, từ mai (1/1/2015), Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Trong đó, một quy định mới được nhiều người quan tâm là giải quyết quan hệ đồng tính.
Ông Hồng cho hay, Khoản 5 Điều 10 của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 có hiệu lực đến nay quy định rõ "cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính". Luật mới đã bãi bỏ quy định này.
Tuy nhiên, ông Hồng lưu ý, điều này không có nghĩa Luật thừa nhận quyền kết hôn của người có cùng giới tính. Điều này thể hiện rõ trong Khoản 2 Điều 8 của Luật mới rằng "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính".
Người đồng tính được luật pháp công nhận. Hình minh họa
Ông Hồng giải thích: "Nhà nước sẽ không còn cấm đoán, can thiệp vào quan hệ chung sống của những người cùng giới tính. Nếu người đồng tính tổ chức lễ cưới, sống chung, coi nhau như vợ chồng. Đây là quyền tự do dân sự của mỗi cá nhân. Việc này cũng không bị xử phạt hành chính".
Ông Hồng cũng cho biết, trong quá trình soạn thảo luật mới, đã có nhiều ý kiến về việc giải quyết hậu quả của quan hệ chung sống giữa người đồng tính, đặc biệt là về tài sản. Trong quá trình chung sống có thể có tài sản, đất đai chung, nuôi con chung. Nếu không sống chung nữa thì giải quyết hậu quả thế nào.
Theo ông Hồng, Luật Hôn nhân Gia đình mới hiện chưa đưa ra quy định về điều này.
Trong quá trình xây dựng Bộ Luật dân sự sửa đổi, nhiều người đã nêu ý kiến quy định về vấn đề này. Điều đó nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi giữa các bên, đặc biệt là tránh thiệt thòi cho phụ nữ.
Có ý kiến cho rằng, tài sản chung giữa 2 người đồng giới nên được giải quyết theo thỏa thuận nếu 2 người có văn bản thỏa thuận từ trước. Nếu không có thỏa thuận, việc tranh chấp được giải quyết theo nguyên tắc của BLDS về sở hữu chung.