Thông qua nét mặt, cử chỉ hằng ngày hoặc những cuộc trò chuyện với bảo mẫu, phụ huynh có thể nắm được tâm lý của họ để phán đoán có nguy cơ bạo hành trẻ hay không.
Vụ việc bé gái 1 tháng tuổi bị bạo hành xảy ra ở Hà Nam đang trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Chứng kiến clip bạo hành dã man ấy, nhiều phụ huynh hốt hoảng và lo sợ cho sự an toàn của những đứa trẻ khi giao con cho người giúp việc bế bồng, chăm sóc…
Để tìm hiểu nguyên do, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý Bùi Nhài (Trung tâm tư vấn tâm lý Thành Đạt). Chuyên gia Bùi Nhài đã có những phân tích cụ thể về tình trạng bạo hành trẻ em, hành vi ứng xử với trẻ của người giúp việc và những ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.
Vụ việc bé gái hơn 1 tháng tuổi bị bạo hành ở Hà Nam đang trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý (Ảnh cắt màn hình)
Nhiều căn nguyên khiến bảo mẫu bạo hành trẻ
Theo chuyên gia tâm lý Bùi Nhài, việc bảo mẫu hành hạ tàn ác bé gái hơn 1 tháng tuổi có thể do người này chưa có kỹ năng ứng xử, bị áp lực công việc, gia đình hoặc tâm lý không ổn định. “Họ bị rối loạn về hành vi ứng xử nên khi trẻ quấy khóc,… đã không có kỹ năng để dỗ dành mà chỉ biết dùng bạo lực đánh vào cơ thể bé.
Ngoài ra, tâm lý của họ có thể không ổn định vì những áp lực trong công việc, cuộc sống,…Do đó, họ hay cáu gắt, bực bội, khi thấy trẻ khóc, thậm chí trẻ nằm ngoan cũng khiến họ “ngứa mắt”, chỉ biết đánh đập như một cách để “xả” cơn bực”, chuyên gia Bùi Nhài nói.
Bên cạnh đó, người bảo mẫu trong vụ việc vừa xảy ra xuất thân từ địa phương khác nên có thể chưa quen với công việc, lối sống,… ở gia đình này. Từ đó, họ mang một tâm lý áp lực và đó cũng là nguyên nhân khiến họ trút giận lên đầu con trẻ.
Người giúp việc hay bảo mẫu thiếu kỹ năng ứng xử với trẻ thường là những người ít tuổi, chưa có kinh nghiệm chăm sóc. Nhưng với trường hợp xảy ra tại Hà Nam lại là người lớn tuổi. Lý giải về điều này, chuyên gia Bùi Nhài cho rằng, họ chỉ lớn về tuổi đời chứ chưa chắc thành thạo “công việc” và có đủ đạo đức. Bản thân người gây ra hành vi đó hoàn toàn không yêu thương trẻ.
Tâm lý của những người bạo hành trẻ thường xuyên bất ổn, có thể vì áp lực công việc, áp lực cuộc sống…(Ảnh cắt màn hình)
Phụ huynh có thể phán đoán bảo mẫu có nguy cơ bạo hành trẻ?
Khi đặt ra câu hỏi “Có sự nhận diện nào giúp phụ huynh biết được người giúp việc có nguy cơ bạo hành con mình hay không?”, theo chuyên gia Bùi Nhài: “Người Việt có quan niệm “xem mặt mà bắt hình dong”. Nhưng theo tôi, không thể nhận diện bản chất con người thông qua yếu tố đó.
Trên thực tế, khi tuyển dụng bảo mẫu, chúng ta không có một bài kiểm tra hay cách nào để biết người đó có nguy cơ bạo hành trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình bảo mẫu trông trẻ, phụ huynh có thể thông qua nét mặt, cử chỉ hằng ngày hay những cuộc trò chuyện để nắm bắt tâm lý của họ.
Từ đó, chúng ta có thể phán đoán xem liệu họ có nguy cơ bạo hành con mình hay không? Ví dụ, bảo mẫu thường có biểu hiện sợ hãi khi phụ huynh nhắc đến chuyện gia đình nào đó có trẻ bị bạo hành; nói chuyện ấp úng, lấp lửng khi trả lời vì sao trẻ khóc nhiều đến vậy,…”.
Cũng theo chuyên gia Bùi Nhài, để tránh tình trạng bạo hành trẻ em, khi tuyển bảo mẫu cho con, phụ huynh nên tìm hiểu rõ lí lịch, tính cách, hoàn cảnh và kinh nghiệm của người đó. Sau đó, cha mẹ cần có cuộc nói chuyện thẳng thắn với họ về bạo hành trẻ là vi phạm pháp luật. Điều đó vừa giúp các bảo mẫu hiểu biết về nghề mình đang làm, đồng thời có tính răn đe họ.
Dưới góc độ tâm lý học, hành vi bạo hành trẻ ngay từ nhỏ sẽ để lại cho các bé những ám ảnh về thể chất và tinh thần. Đặc biệt, nếu tình trạng kéo dài sẽ gây ám ảnh cho các bé, khiến tính cách bé trở nên hung dữ, lì lợm hoặc trở nên nhút nhát, thu mình lại, không muốn tiếp xúc với xã hội. Vì thế, các bảo mẫu cũng như bậc phụ huynh nên giáo dục, cư xử với bé một cách nhẹ nhàng, đúng mực.