Vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, bãi trông giữ xe… khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn giao thông.
Sáng 29.2, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra trên phố Ái Mộ (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) đã khiến 3 người tử vong, trong đó có một bé gái 6 tuổi.
Sau khi xem lại clip vụ tai nạn, nhiều người cho rằng một phần nguyên nhân của vụ tai nạn do chiếc Camry “điên” tránh một ô tô đỗ trái phép bên lề đường nên đâm vào xe máy đi ngược chiều. Ngoài ra, vỉa hè trên đường Ái Mộ cũng bị lấn chiếm khiến một người phụ nữ phải đi bộ xuống lòng đường và cũng bị ô tô đâm tử vong.
Các tuyến đường nằm trên phố cổ Hà Nội được xem là nơi mất trật tự an toàn giao thông nhất khi vỉa hè luôn bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, giữ xe…
Ngày 2.3, theo khảo sát của phóng viên trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm hàng quán, bãi gửi xe vẫn diễn ra rất phổ biến. Vỉa hè bị bịt kín, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn giao thông.
Đang đi bộ dưới lòng đường Hai Bà Trưng, chị Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) cho biết: “Tôi và con bắt xe từ quê lên viện K để khám bệnh. Vừa xuống xe, đang tìm đường vào viện nhưng vỉa hè dựng kín xe máy lên tôi phải dắt con đi xuống lòng đường”.
Dù cơ quan chức năng đã đặt rất nhiều tấm biển tuyên truyền người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra rất phổ biến.
Theo quan sát của phóng viên, xung quanh Viện K, Viện Phụ sản Trung ương, vỉa hè các tuyến phố Hai Bà Trưng, Triệu Quốc Đạt, Tràng Thi, Thợ Nhuộm đều chật cứng xe máy. Những con phố này có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông nhưng vỉa hè bị chiếm dụng, người dân chỉ còn cách đi xuống lòng đường để di chuyển.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán xảy ra nhiều hơn cả tại phố cổ Hà Nội. Những con phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Liệt, Tạ Hiện… vỉa hè đều được tận dụng để mở quán ăn, bán hàng quần áo, cà phê hoặc biến thành bãi gửi xe cho khách.
Bà Ngô Thị Hạnh (Ngõ Gạch, Hoàn Kiếm) cho biết, con phố nhỏ này quanh năm vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào xử lý. Thậm chí, tại đây còn bố trí cả một điểm trông giữ xe máy có giấy phép của UBND quận Hoàn Kiếm.
“Bảo vỉa hè là của người đi bộ nhưng người ta cứ bày đồ đạc, bàn ghế, dựng xe ra đấy thì đành phải đi xuống lòng đường chứ biết làm sao. Không lẽ trèo lên bàn ghế hay yên xe của người ta để đi?”, bà Hạnh bức xúc.
Trao đổi với phóng viên, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, Hà Nội là một trong những thành phố có cơ sở hạ tầng tương đối tốt cho người đi bộ, tuy nhiên, thành phố lại đang không giữ được trật tự của hạ tầng này.
“Cần xử phạt nghiêm hơn, chặt chẽ hơn những đối tượng chiếm dụng, sử dụng trái phép và cấp giấy phép sử dụng trái phép hạ tầng dành cho người đi bộ nhằm tạo môi trường an toàn cho người đi bộ” ông Khuất Việt Hùng nói.
Những con phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân… vỉa hè luôn là nơi bày bán hàng của những hộ kinh doanh 2 bên mặt đường.
Trên phố Hàng Giầy, không chỉ lấn chiếm vỉa hè, một số hộ kinh doanh còn bày bán hàng chiếm 1/3 lòng đường.
Rạp đám cưới cũng được dựng lên tại trên vỉa hè phố Hàng Đường, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Xe máy dựng kín vỉa hè ngay trước trụ sở công an Hàng Đào (số 2 Hàng Cá). Ngay gần đó, một quán cà phê cũng chiếm toàn bộ phần vỉa hè trước quán để dựng bàn và để xe cho khách.
Vỉa hè chật kín xe máy phố Hàng Đào, không còn lối đi nên người đi bộ đành phải đi xuống lòng đường.
Vỉa hè phố Hàng Mã lâu nay vẫn bị chiếm dụng để bày bán hàng hóa.
Người đi bộ và xe cộ cùng lưu thông chung dưới lòng đường nhỏ hẹp trên phố Đinh Liệt do vỉa hè bị chiếm làm nơi để xe máy.
Không chỉ các bãi xe tự phát, nhiều bãi xe được cấp phép cũng che kín vỉa hè khiến người đi bộ không còn lối đi. Trong ảnh là bãi gửi xe tại Ngõ Gạch (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hai bên vỉa hè phố Trần Quốc Toản dựng kín ô tô. Đây là bãi gửi xe do Sở giao thông Hà Nội cấp phép, đơn vị quản lý là Công ty vận tải 901.
Vỉa hè phố Hai Bà Trưng (đoạn gần cổng Viện K) được tận dụng làm bãi gửi xe. Người dân đến khám chữa bệnh phải đi xuống lòng đường.
Phố Chợ Gạo, vỉa hè như biến mất. Tuyến phố có biển báo cấm ô tô nhưng nhiều ô tô vẫn lưu thông qua đây.
Một bãi trông xe dưới gầm cầu Long Biên chiếm trọn vỉa hè khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Trước đó, từ 1.2, Phòng CSGT Hà Nội cũng đã bắt đầu ra quân xử phạt người đi bộ sai quy định. Tuy nhiên, trước thực trạng vỉa hè đang bị chiếm dụng như hiện nay, người đi bộ đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.