Người dân khu đô thị Văn Phú vốn còn nguyên ký ức tang thương ngày xảy ra nổ lớn cách đây gần 2 năm. Giờ đây, họ càng thêm sợ hãi khi nhìn thấy hình ảnh vụ nổ ở Bắc Ninh.
Sống trong sợ hãi
Khi nhìn thấy cảnh tượng tan hoang vụ nổ ở Bắc Ninh, nhiều người nhớ lại vụ nổ xảy ra cách đây gần 2 năm trước ở khu đô thị Văn Phú (Phú La, Hà Đông, Hà Nội) làm 5 người chết, hàng chục người bị thương và gần 100 căn nhà bị hư hại.
Nỗi sợ mang tên cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư .
Đã gần 2 năm trôi qua dấu tích vụ nổ xảy ra ở khu đô thị Văn Phú vẫn còn hiện hữu. Với người dân nơi đây, ký ức trên đã trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi họ nhìn thấy các cơ sở thu mua phế liệu, sắt vụn nằm trong khu dân cư.
Dấu tích để lại sau vụ nổ kinh hoàng tại khu đô thị Văn Phú tháng 3/2016. Ảnh Trung Đức
Tấm biển số nhà 15 vẫn còn nguyên dấu tích vụ nổ kinh hoàng gần 2 năm trước. Ảnh Trung Đức
Căn nhà số 15, TT9 khu đô thị Văn Phú - nơi phát ra trận nổ kinh hoàng bị bỏ hoang hơn 1 năm, mới được một người thuê lại mở quán ăn từ tháng 7/2017.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Hoà (SN 1978, quê ở Thanh Oai, Hà Nội) người thuê lại căn nhà 15, TT9 cho biết: “Nhiều người cũng bảo mình liều khi dám thuê để kinh doanh hàng ăn, nhưng mình lại không thấy vấn đề gì. Ngay cả tờ quảng cáo quán mình cũng ghi thêm từ “bom nổ” ở dưới. Mình đơn giản chỉ muốn thổi hồn lại cho khu vực này vì sự cố đó dẫu sao cũng là ngoài ý muốn".
Anh Hoà người thuê lại căn nhà số 15, TT9 từ tháng 7/2017. Ảnh Trung Đức
Tờ quảng cáo quán ăn của anh Hoà có ghi thêm từ "Bom nổ" ngay dưới địa chỉ. Ảnh Trung Đức
Anh Hoà cũng bày tỏ rằng, anh cảm thấy những khu tập kết phế liệu cần được di chuyển ra xa khu vực dân cư, vì phế liệu có nhiều loại, mà không ai dám chắc được hết nó là những loại gì. Khi sự cố như cháy nổ xảy ai cũng kêu đau lòng, xót xa vì hậu quả để lại thật khủng khiếp.
Là người có mặt tại thời điểm vụ nổ xảy ra, ông Bùi Đình Dung (SN 1967) trú tại số nhà 12, TT9 Khu đô thị Văn Phú cho biết những ký ức trên vẫn còn ám ảnh gia đình ông gần 2 năm qua. Đến mức khi có 1 hộ gia đình mới chuyển về khu này đề biển thu mua phế liệu, sắt vụn ông Dung phải báo cáo đến công an khu vực nhờ can thiệp.
Ông Dung kể lại giây phút kinh hoàng xảy ra vụ nổ trước số nhà 15, TT9. Ảnh Trung Đức
“Vào 15h15, ngày 19/3/2016, hôm đó trời mưa. Vợ tôi ngồi trên tầng 2, tôi đang ở tầng 1 thì bỗng nghe thấy tiếng nổ rất lớn, nhà rung chuyển. Vợ tôi khi đó bị mảnh kính đâm vào đầu. Toàn bộ cửa, trần thạch cao từ tầng 1 đến tầng 5 của nhà tôi đều bị hỏng, sập, tôi phải sửa lại mất gần 300 triệu đồng.
Bên ngoài cảnh tượng còn kinh hoàng hơn, cả dãy nhà đều bị hư hỏng, tan hoang. Nổ lớn đến mức người đi bên kia đường cũng chết, người ở cách xa 100m cũng chết. Nay đọc thấy vụ nổ ở Bắc Ninh tôi lại thấy xót xa cho họ. Vì năm ngoái bị thế nên khi nhìn thấy thu mua sắt vụn là tôi lại thấy sợ" - ông Dung nói
Được biết, thời điểm đó nhà số 16 là nhà thu mua sắt vụn, nhưng do trước nhà 15 có cây mát nên chủ tiệm mang bom ra trước nhà số 15 để cưa nên khi vụ nổ xảy ra nhà số 15 bị ảnh hưởng nặng nhất.
"Giờ nhà số 17 mới chuyển đến lại đề biển thu mua sắt vụn nên tôi hãi quá, phải báo công an khu vực nhờ can thiệp mà chưa được”, ông Dung chia sẻ.
Tuy là câu chuyện cũ, nhưng những người dân sống tại khu vực này vẫn không thể nào thôi ám ảnh. Ảnh Trung Đức
Không chỉ ông Dung, anh Hoà mà nhiều người khác cũng bày tỏ rằng họ cảm thấy lo sợ khi sống gần các điểm tập kết phế liệu, sắt vụn nhưng cũng không biết phải làm sao, không biết kêu ai nên đành “sống chung với lũ”.
Nỗi sợ sống giữa "quả bom" phế liệu
Không phải đến khi vụ nổ ở Bắc Ninh xảy ra, cộng đồng mới biết đến mối nguy hiểm tiềm ẩn tại các cơ sở mua bán phế liệu. Thực tế, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn cháy, nổ thương tâm, xuất phát từ chính sự thiếu hiểu biết của người dân khi thu gom, tái chế phế liệu.
Đến nay, bất cứ ai cũng có thể bắt gặp những điểm tập kết thu mua phế liệu, sắt vụn vẫn tập trung phần lớn trong các khu dân cư. Không chỉ gây ô nhiễm về môi trường, mất mỹ quan đô thị, mà còn hiện hữu nguy cơ cháy, nổ nhất là trong thời điểm mùa hanh khô.
Những điểm tập kết liệu trong khu dân cư khiến nhiều người dân sợ hãi. Ảnh Trung Đức
Trong luật cũng không quy định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Vì vậy, ngoài các cam kết đã ký với chính quyền địa phương, quá trình hoạt động của các cơ sở này an toàn ở mức độ nào, hoàn toàn phụ thuộc vào kiến thức, ý thức tự giác của chính họ.
Tại Hà Nội, hiện có rất nhiều cơ sở mua bán phế liệu mọc lên tự phát, nằm ngay trong các khu dân cư đông đúc. Đáng lo ngại là các điểm kinh doanh hầu hết đều tạm bợ, không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Một trong những điểm tập kết phế liệu trong ngõ 34 Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Ảnh Trung Đức
Do nhận thức còn hạn chế, thêm tâm lý chủ quan trước những nguy cơ về mất an toàn phòng, chống cháy nổ, cho nên phần lớn người kinh doanh phế liệu cứ thấy vật gì bằng sắt vụn là sẵn sàng thu mua, không phân biệt phế liệu đó là vũ khí, vật liệu nổ, tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho chính bản thân họ và cộng đồng ra sao.