“Nếu biệt thự cổ hết hạn thì nên trùng tu vì đó cũng là xây dựng, bảo tồn công trình văn hóa”, TS. Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói.
Trưa ngày 22.9, tòa biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội bất ngờ đổ sập khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương.
Theo báo cáo, khu nhà bị sập được xây dựng từ năm 1905. Tòa nhà này đã qua sửa chữa vào những năm 1990. Đây là nhà vắng chủ được Nhà nước quản lý. Năm 1955, Tổng cục Đường sắt tiếp nhận, quản lý và khai thác. Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang trực tiếp quản lý, sử dụng ngôi nhà này.
Qua điều tra ban đầu, tòa nhà đã xuống cấp. Hơn nữa, thời tiết mưa liên tục trong những ngày qua khiến tòa nhà thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần.
Theo ghi nhận, hiện ở Hà Nội vẫn còn rất nhiều khu biệt thự cổ xuống cấp, đe dọa tính mạng người dân. Vì vậy, hiện có nhiều ý kiến tranh luận nên xóa bỏ hay giữ lại những biệt thự “hết đát”.
Căn biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp ở số 8 Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhiều năm nay đã xuống cấp trầm trọng
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nếu biệt thử cổ hết hạn thì nên trùng tu vì đó cũng là xây dựng, bảo tồn những công trình văn hóa.
Trong sự việc xảy ra ở Trần Hưng Đạo ngày 22.9, ông Vạn cho rằng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng ngôi nhà) chưa kiểm tra, giám định về chất lượng công trình. Trong khi đó, đối với những tòa nhà, chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá chứ không có cơ quan nào kiểm tra hộ.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói: “Đối với những nhà cổ xuống cấp, không ai đứng ra chịu trách nhiệm chính. Nhưng với biệt thự cổ như biệt thự thời Pháp thì chủ đầu tư phải kiểm tra. Nếu anh không làm được phải thuê tư vấn đánh giá xem chất lượng rồi tìm biện pháp xử lý”.
Theo ông Vạn, để hạn chế tình trạng đáng tiếc xảy ra như vụ sập nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo, chủ đầu tư xây dựng công trình phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng và đưa ra giải pháp (nếu tốt và có thể sửa chữa nên giữ lại).
Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc cũng cho rằng, mỗi công trình cổ được xếp vào dạng tu bổ bảo tồn phải còn giá trị về lịch sử và công năng. Tuy nhiên, nếu bảo tồn thì cũng cần phân làm hai mức: trùng tu và buộc phải xây dựng lại khi đã hư hỏng. Tuy vậy, dù phương án nào cũng phải trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa.
Theo ông Hanh, rà soát tuổi thọ, chất lượng công trình tại các trung tâm thành phố, nơi tập trung dân cư là rất cần thiết, cần tập trung nhân lực các cấp ngành vào cuộc để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.
Chia sẻ với phóng viên, PGS. Đỗ Hậu, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong mấy chục năm làm nghề, sự việc sập nhà cổ ở Trần Hưng Đạo là lần đầu tiên ông chứng kiến.
Ông Hậu đề xuất cơ quan quản lý nên khảo sát chất lượng nhà cổ trong toàn bộ thành phố để biết được khu nhà nào cần nâng cấp, nhà nào cần di dời dân. Từ đó đưa ra giải pháp phù hợp với từng ngôi nhà (xóa bỏ hay trùng tu).
Theo ông Hậu, về quy định, dù là biệt thự Pháp nhưng nếu nguy hiểm vẫn được cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn. Với biệt thự nhóm 1, khi xây dựng, cải tạo lại phải giữ nguyên như ban đầu.
Với biệt thự nhóm 2, khi cải tạo phải giữ lại những tiêu chuẩn cơ bản như mật độ, chiều cao, bên trong có thể sửa chữa. Với biệt thự nhóm 3 có thể được phá dỡ, xây dựng nhà mới. Các trường hợp muốn phá dỡ, cải tạo phải được cơ quan chuyên môn thẩm định về mức độ nguy hiểm.
Ngoài ra, PGS. Đỗ Hậu cũng cảnh báo, hiện có nhiều ngôi nhà cổ đang xuống cấp nhưng người dân vẫn “sống chung với lũ”, điều đó rất nguy hiểm.
“Qua khảo sát, chúng tôi từng khuyến cáo người dân hết sức lưu ý khi sống ở khu vực nhà cổ xuống cấp. Nhưng vì sinh kế, họ chưa thực hiện. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc, tuyên truyền để người dân hiểu”, ông Hậu cho hay.