Hơn 8 giờ liên tục chờ đợi và cấp cứu các nạn nhân trong vụ sập nhà tại Hà Nội, các “chiến sĩ” áo trắng của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã hoạt động trên 100% sức lực, nhằm cứu sống những nạn nhân trong vụ sập nhà.
Chia sẻ với phóng viên về việc cấp cứu các nạn nhân trong vụ sập nhà cổ tại địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo, BS Đặng Thành Khẩn – Phó GĐ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, đồng thời là người trực tiếp điều phối, chỉ đạo cấp cứu tại hiện trường cho biết: “Lúc đó, chúng tôi rất nóng lòng và mong muốn làm sao lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân càng sớm càng tốt và khi đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát, chúng tôi sẽ huy động tối đa lực lượng để cấp cứu cho các nạn nhân. Bởi, các nạn nhân càng bị vùi lấp lâu thì cơ hội sống lại giảm đi”.
Theo BS Khẩn, vào khoảng 12 giờ 50 phút chiều ngày 22/09 khi nhận được điện thoại từ người dân về việc có vụ sập ở Trần Hưng Đạo, tuy chưa biết tính chất nghiêm trọng của sự việc ra sao, nhưng những kinh nghiệm nghề nghiệp và linh tính mách bảo, bác sĩ Khẩn đã lập tức điều 3 xe cấp cứu đang có tại Trung tâm ra hiện trường, đồng thời đích thân BS Khẩn cũng đến hiện trường để nắm bắt tình hình.
BS Đặng Thành Khẩn kể lại giây phút cấp cứu các nạn nhân vụ sập nhà với phóng viên.
“Sau khi đến hiện trường, qua nắm bắt tình hình từ lực lượng công an, từ người dân sống ở khu vực này tôi lập tức điều thêm 4 xe cấp cứu nữa ở hai trạm Gia Lâm và Thanh Trì về trực tại hiện trường, đồng thời thông báo Trung tâm khi 2 xe còn lại đi cấp cứu về lập tức ra hiện trường ngay”, BS Khẩn kể lại.
Quả thực những lo lắng của BS Khẩn không thừa, chỉ vài phút sau khi các xe điều chuyển về đến hiện trường vụ tai nạn, lần lượt các nạn nhân đã được tìm thấy. “Đầu tiên là nạn nhân Nguyễn Thị Tiêu (51 tuổi, địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), nạn nhân khi được đưa ra khỏi hiện trường, bị thương vùng trán và phần mềm bàn chân trái, ngay lập tức được kíp cấp cứu băng ép vết thương và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Nạn nhân thứ 2 được tìm thấy là chị Nguyễn Thị Huyền (27 tuổi, ở địa chỉ Tây Hồ, Hà Nội), khi đưa ra đống đổ nát vẫn còn tỉnh, bị đau đầu, bị thường vùng đỉnh 3*4cm, vết thương phần mềm hai chân, hai tay, chẩn đoán chấn thương sọ não và chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu…”, BS Khẩn kể lại.
Ngoài hai nạn nhân đầu tiên được tìm thấy tại hiện trường, trong khi điều hành cấp cứu tại hiện trường, BS Khẩn cho biết: “Hai nạn nhân sau cùng được đưa ra khỏi đống đổ nát được lực lượng 115 cấp cứu rất nặng. Đó là nạn nhân Vũ Thị Thu Hằng (37 tuổi, địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), khi đưa chị Hằng ra, tuy còn tỉnh nhưng chị Hằng vô cùng hoảng hốt, đau đầu, đau thắt lưng và vùng hông, có nhiều vết thương phần mềm và tứ chi.
Trung tâm 115 Hà Nội đã điều 9 xe cứu thương, 27 nhân viên y tế đến cấp cứu tại vụ sập nhà.
Ngay sau đó, kíp cấp cứu đã khám tại chỗ và chẩn đoán nạn nhân bị chấn thương hàm mặt, chấn thương cột sống và vỡ xương chậu. Nạn nhân được băng ép vết thương, truyền tĩnh mạch, tiêm Hotamin tại chỗ và chuyển Bệnh viện Việt Đức ngay lập tức.
Khoảng hơn 14 giờ, nạn nhân nặng nhất là chị Lê Thị Hường đã được tìm thấy, khi đưa ra ngoài chị Hường đã bất tỉnh (hôn mê), mạch ngoại vi không bắt được, không nghe thất tiếng tim, đồng tử giãn, mất hết các phản xạ. Ngay lập tức tôi đã chỉ đạo kíp trực ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng ambu có oxy và chuyển gấp lên BV Việt Đức. Tiếc rằng, vì bệnh nhân quá nặng nên đã tử vong sau đó”, BS Khẩn kể lại.
Theo BS Khẩn, ngoài những nạn nhân kể trên, trong quá trình xử lý thảm họa sập nhà tại địa chỉ trên Trung tâm còn cấp cứu thêm 2 nạn nhân nữa, nhưng những nạn nhân này bị nhẹ hơn.
Tổng kết lại quá trình cấp cứu tại hiện trường vụ sập nhà trên, ông Khẩn cho biết, để đáp ứng và cấp cứu kịp thời các nạn nhân, Trung tâm đã điều chuyển 9 xe cứu thương với 27 nhân viên y tế đến hiện trường. Kíp cấp cứu đầu tiên là 12 giờ 55 phút có mặt tại hiện trường và kíp cấp cứu cuối cùng di chuyển về Trung tâm là 20 giờ 30 phút khi lực lượng cứu hộ thành phố Hà Nội ngừng tìm kiếm nạn nhân.
“Đây là tai nạn mà Trung tâm điều chuyển lực lượng lớn thứ 2 kể từ năm 2010 đến nay (vụ nổ pháo hoa năm 2010, Trung tâm điều chuyển 14 xe cứu thương). Dù là thảm họa lớn, xảy ra ngoài ý muốn, nhưng với sự cơ động và sẵn sàng trực chiến khi có cuộc gọi, chúng tôi luôn cố gắng làm sao để cứu thật nhanh, thật nhiều bệnh nhân trong các vụ thảm họa”, ông Khẩn thông tin thêm.