Ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối vẫn có thể điều trị được?

Ngày 19/03/2016 00:09 AM (GMT+7)

Mặc dù là căn bệnh thường gặp, có tỉ lệ tử vong cao nhưng ung thư đại trực tràng là căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu điều trị đúng phương pháp và đúng phác đồ.

"Đặc sản" điều trị ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường gặp và có tỉ lệ tử vong xếp vào loại cao nhất ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định căn bệnh ung thư này hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị theo đúng phác đồ.

Chia sẻ với phóng viên về căn bệnh này, phó giáo sư – tiến sĩ Bùi Công Toàn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư đại trực tràng cùng với ung thư vú và ung thư cổ tử cung là một trong số những căn bệnh ung thư mà Bệnh viện K Trung ương điều trị tốt nhất hiện nay nếu bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ.

Ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối vẫn có thể điều trị được? - 1

Phó giáo sư Bùi Công Toàn - Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương chia sẻ với phóng viên.

“Tôi phải khẳng định, ung thư đại trực tràng là một 'đặc sản' điều trị rất tốt của bệnh viện K, việc điều trị căn bệnh này  có cả quá trình phát triển suốt 30 năm tại bệnh viện này.

Trước hết, chúng tôi đã áp dụng tia xạ tiền phẫu (xạ trị trước phẫu thuật) trong điều trị ung thư đại trực tràng, việc áp dụng phương pháp này làm giảm hẳn tỉ lệ tái phát của căn bệnh này sau điều trị. Thông thường, nếu chỉ phẫu thuật không, kể cả phẫu thuật triệt để (cắt toàn bộ khối u) thì tỉ lệ tái phát ngay trong một năm đầu lên tới 79%.

Nếu làm phương pháp xạ trị tiền phẫu (xạ trị trước khi phẫu thuật) thì tỉ lệ tái phát đã giảm hẳn chỉ còn 30%. Tiếp theo là làm hóa trị kết hợp với xạ trị tiền phẫu thì tỉ lệ tái phát giảm xuống chỉ còn 11%.

Không dừng lại ở đó, Bệnh viện K đã tiến hành làm hóa, xạ trị tiền phẫu, sau đó phẫu thuật và tiếp theo là tiếp tục hóa xạ trị sau phẫu thuật thì tỉ lệ tái phát giảm gần như tuyệt đối. Với phương pháp này, trong vòng 3 năm nay tôi chưa thấy một trường hợp nào tái phát (kể cả giai đoạn nặng nhất). Phác đồ điều trị này đã được bệnh viện K bảo vệ thành công bằng một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước”, phó giáo sư Toàn chia sẻ.

Theo phó giáo sư Toàn, cùng với phác đồ điều trị hợp lý thì việc phát hiện sớm, chế độ ăn uống, chăm sóc khoa học sau phẫu thuật, phát hiện những loại bệnh sau phẫu thuật để trị liệu là vô cùng quan trọng.

Nhiều yếu tố kết hợp để điều trị thành công

Theo phó giáo sư Toàn: “Muốn điều trị được căn bệnh này, ngoài những yếu tố như trang thiết bị hiện đại, có đầy đủ thuốc thang thì cần phải có đủ đội ngũ bác sĩ giỏi. Bởi đối với bệnh ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng thì trên một loại bệnh cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn cả ba bác sĩ chuyên sâu đó là bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ xạ trị, bác sĩ hóa trị …3 bác sĩ này phải đầy đủ kinh nghiệm và tay nghề cao thì mới đạt được hiệu quả điều trị tốt.

Ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối vẫn có thể điều trị được? - 2

Muốn điều trị thành công ung thư đại trực tràng thì cần kết hợp nhiều yếu tố.

Chúng ta hình dung ra, nếu một cơ sở có trang thiết bị đầy đủ, kể cả là thiết lập được đội ngủ đầy đủ 3 bác sĩ trên, nhưng vấn đề là đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm thì khó có thể làm được. Bởi vậy, các chuyên gia hàng đầu, các cán bộ giàu kinh nghiệm để phối hợp điều trị là vô cùng quan trọng”.

Điều này đã được chứng minh rất rõ ràng qua những bệnh nhân nặng mà bệnh viện đã điều trị. Đó là những bệnh nhân mắc bệnh ung thư đại trực tràng di căn sang gan, di căn lên tận cổ nhưng đã được điều trị và đáp ứng rất tốt. “Đây là một thành tựu rất xuất sắc mà chúng tôi đã thực hiện thành công, đề tài này chúng tôi đã báo cáo lên hội đồng khoa học cấp trên”, phó giáo sư Toàn nói.

Để khẳng định thêm về việc điều trị căn bệnh ung thư đại trực tràng này, phóng viên đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái – Trưởng khoa Phẫu thuật tổng hợp (Bệnh viện K Trung ương), người đã có nhiều công trình nghiên cứu về căn bệnh này.

Theo Tiến sĩ Thái, việc điều trị các bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối ở Bệnh viện K Trung ương diễn ra thường xuyên, và khi điều trị kết hợp các phương pháp tỷ lệ sống sau 5 năm của những bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối lên đến 60%.

“Chúng tôi dùng phương pháp điều trị kết hợp như dùng phương pháp hóa xạ trị để biến khối u từ to không thể phẫu thuật được thành nhỏ dần và sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật, đồng thời tiếp tục điều trị sau phẫu thuật cho các bệnh nhân”, tiến sĩ Thái chia sẻ.

Cuối cùng, các chuyên gia nhận định với trình độ khoa học kỹ thuật cũng như tay nghề và trình độ của các bác sĩ điều trị ung thư hiện nay thì ung thư đại trực tràng không phải là căn bệnh y học “bó tay”. Điều quan trọng nhất đó chính là việc phát hiện giai đoạn bệnh, chọn phương pháp điều trị hợp lý với từng bệnh nhân cũng như việc chọn các cơ sở có uy tín để điều trị.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ung thư trực tràng