Mấy ngày trước, mưa lớn, căn nhà kêu rắc rắc, ông sợ nên phải sang nhà em trai cạnh đó tạm trú. Ông bảo, nếu nhận được tiền, trước tiên sẽ là sửa sang lại căn nhà
Chấp nhận bồi thường
Sáng 7/7/2015, ông Phan Văn Lá xác nhận đã ký vào biên bản hợp đồng ý chấp nhận bồi thường 300 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần vì đã bị ngồi tù oan 449 ngày. Ông cho biết thêm, trước đây, ông yêu cầu 493 triệu đồng, cơ quan chức năng đồng ý bồi thường 284 triệu đồng nhưng sau đó đã tăng lên thành 300 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với ông. Ông cũng không muốn kiện tụng lằng nhằng nên chấp nhận. Hiện tại, ông mong muốn được nhận số tiền này thực hiện những mơ ước của mình.
Trước đó, vào ngày 22/7/1991, hai em trai ông Lá bị công an xã Hiệp Thành (huyện Châu Thành) bắt vì nghi trộm điện thoại. Ba ngày sau, ông Lá bị bắt vì bị nghi ngờ là chủ mưu vụ trộm. Sau đó, ông bị Viện KSND huyện Châu Thành truy tố tội hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Cuối năm, ông bị TAND huyện Châu Thành xét xử và tuyên phạt 4 năm tù giam. Riêng hai người em của ông thì được đình chỉ điều tra.
Ông Lá đồng ý bồi thường 300 triệu đồng
Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Lá viết đơn kháng cáo kêu oan. Tháng 9/1992, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm điều tra lại từ đầu vì có nhiều sai phạm về tố tụng. Trong đó, hai người em của ông Lá chỉ mới 13 và 15 tuổi nhưng trong quá trình lấy lời khai đều không có người giám hộ.
Trong quá trình điều tra lại, ông Lá bị công an huyện Châu Thành ra lệnh tạm giam thêm hai tháng nhưng không được Viện KSND huyện này đồng ý. Sau phiên tòa phúc thẩm chừng một tháng, ông Lá được người thân bảo lãnh tại ngoại.
Sau đó, ông Lá viết đơn kêu oan gửi nhiều nơi suốt 21 năm. Vào năm 2013, báo chí, dư luận lên tiếng. Đến tháng 9 cùng năm, Cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông.
Ông Lá vẫn tiếp tục hành trình đòi bồi thường, xin lỗi. Việc xem xét bồi thường oan sai cho ông kéo dài vì vướng mắc trong việc xác định đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường. Tháng 5/2015, Ban nội chính tỉnh ủy Long An xác định trách nhiệm thuộc về hai cơ quan công an và Viện kiểm sát và giao cho công an tỉnh Long An chịu trách nhiệm tổ chức kế hoạch thỏa thuận mức bồi thường và xin lỗi ông Lá.
Mong có căn nhà lành lặn
Ông Lá chia sẻ, gia đình rất khó khăn. Căn nhà được cất từ mấy chục năm trước lợp bằng tôn, vách bằng lá dừa nay đã mục nát. Mùa nắng, nhà nóng không chịu nổi. Mùa mưa, nhà dột khắp nơi. Mấy ngày trước, mưa lớn, căn nhà kêu rắc rắc, ông sợ nên phải sang nhà em trai cạnh đó tạm trú. Ông bảo, nếu nhận được tiền, trước tiên sẽ là sửa sang lại căn nhà vì “an cư mới lập nghiệp”.
Ông Lá kể, khi bị bắt rất bất bình nhưng cũng vô cùng hoảng sợ. Bất bình vì mình không phạm luật mà bị bắt. Hoảng sợ vì lo lắng mình “thấp cổ bé họng”, khó có thể chứng minh được sự thật.
Trong quá trình bị bắt, nhiều khi, ông chán chường, nghĩ đến việc “nhận đại”. Tuy nhiên, khi ngẫm lại, ông không đồng ý với cách suy nghĩ yếm thế này. Bởi, mình có làm đâu mà phải nhận.
Ngày đứng trước vành móng ngựa, ông run rẩy trình bày. Đất trời như sụp đổ khi ông nghe mình bị kết án 4 năm tù giam. Ông quyết gửi đơn kêu oan và gieo hy vọng sẽ được minh oan.
Sau đó, ông được gia đình bảo lãnh. Sự uất ức trong lòng đã khiến ông theo đuổi khiếu kiện trong suốt 21 năm. Nhiều khi, đơn thư không được chấp nhận, ông uất ức lắm. Ông nghĩ, chỉ cần mấy người này ngồi tù một ngày là có thể hiểu thấu sự mất mát, đau đớn của mình.
Và, ông gửi lời cảm ơn đến báo chí, truyền thông đã lên tiếng, giúp ông được minh oan. Ông cảm thấy thỏa nguyện vì trong thời gian tới mình sẽ được bồi thường và xin lỗi công khai.
Trong cuộc trò chuyện, ông Lá còn cho biết, nhiều khi, việc ngồi tù oan đã khiến ông mất mát rất nhiều. Lúc trở về quê sinh sống, ông thường bị mọi người dè bỉu, soi mói. Đặc biệt, có khi, còn bị mọi người bảo: “Thằng ở tù về”. Mỗi lần như thế, ông giận lắm.