Vải thiều đỏ đường, nông dân đỏ mắt

Ngày 24/06/2014 16:13 PM (GMT+7)

Những ngày cuối tháng 6, con đường ngang qua huyện Lục Ngạn ngập tràn sắc đỏ, xe chở vải tắc nghẽn cả đường. Nhưng hình ảnh đẹp của một mùa bội thu lại là nỗi ám ảnh của người trồng vải ở Bắc Giang.

Được mùa vải “đắng”

Từ sáng sớm đến trưa, đường quốc lộ 31 chạy qua huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) luôn trong tình trạng ùn tắc. Người dân tất bật chở những xe vải đỏ tươi đến các điểm thu mua chính như: ngã ba Kép, thị trấn Chũ, trung tâm xã Quý Sơn, Phượng Sơn…Ai cũng mong đến thật nhanh để bán được giá.

Vải thiều đỏ đường, nông dân đỏ mắt - 1

Những xe vải cao quá đầu xếp hàng dài trước sạp hàng thu mua

Anh Giáp Văn Thuỵ (42 tuổi, xã Trường Giang, Lục Ngạn) chở xe vải 1,5 tạ chạy hơn 10km ra thị trấn Chũ đổ hàng. Nhà anh trồng hơn 300 gốc vải, đến vụ thu hoạch vải chín nhanh không kịp hái. Để chạy đua với thời gian, toàn bộ nhân lực của gia đình huy động, anh thuê thêm 4 người hái vải. Anh Thuỵ cùng con trai phải liên tục chở vải từ sáng sớm đến tối mịt.

Vải thiều đỏ đường, nông dân đỏ mắt - 2

Giá vải xuống thấp khiến nông dân lo lắng

“Tôi lo nhất ngày nào vải tắc đỏ khắp đường, vì hôm đó chắc chắn vải sẽ bị lái buôn ép giá. Có lúc vải loại 1 ngon nhất, quả to, chín đều giá chỉ 9.000đ/kg, vải xấu hàng chợ xuống còn 5.000đ/kg”.

Ì ạch chở xe vải cao quá đầu, ông Diệp Văn Kim (52 tuổi, xã Nam Dương, Lục Ngạn) đi qua hơn chục sạp hàng thu mua ở thị trấn Chũ. Lái buôn đua nhau vẫy, ông cầm vé ghi giá, lắc đầu rồi tiếp tục đi. Thương lái không kỳ kèo giá mà quay ngoắt sang vẫy xe khác. Ông Kim dừng lại ở một sạp hàng của lái buôn Trung Quốc, họ trả giá 11.000đ/kg vải, tần ngần một hồi ông quyết định bán.

Ngắt một quả vải đỏ mọng từ sọt, ông Kim đưa lên phân trần: “Vải của tôi là vải loại 1, chín căng, vỏ mỏng thế này kia mà. Năm ngoái, vải loại này có trả tôi 20.000đ/kg chưa chắc tôi đã bán. Với giá này trừ tiền nhân công thuê 5 người hái, còn tiền phân bón, thuốc trừ sâu thì coi như không có lãi”.

Vải thiều đỏ đường, nông dân đỏ mắt - 3

 Ông Diệp Văn Kim chở xe vải qua hơn chục sạp hàng mong bán được giá cao hơn

Cân hàng xong xuôi, sọt vải của ông Kim bị thương lái trừ bì và cuống lá đến 8kg, hai cửu vạn khiêng sọt xuống còn bắt ông trả 20.000đ tiền công. Mỗi điểm thu mua như thế ước tính vài trăm tấn/ ngày, một mã cân chỉ cần bớt vài kg họ đã lời được cả tấn vải.

Mùa vải chín kéo dài từ 20-25 ngày, những cây vải chín không kịp thu hoạch, quả sẻ rụng cuống, nứt vỏ, bị nấm mốc nan nhanh sang chùm quả và cả cây. Người trồng muốn giữ hàng đợi giá cũng không được, vì vậy họ luôn phải bán vội. Còn lái buôn thì tha hồ ép giá.

Vải thiều đỏ đường, nông dân đỏ mắt - 4

Vải được mùa nhưng người trồng không vui vì giá thấp

Bao giờ hết “điệp khúc”?

Vất vả quanh năm chăm bón, đến lúc thu hoạch giá cả bấp bênh nhưng rất ít người dân nghĩ đến việc bỏ cây vải. Bởi loài cây này là miếng cơm manh áo, nguồn thu chính để nuôi sống cả ra đình.

Chị Nguyễn Thị Minh (35 tuổi, Phượng Sơn, Lục Ngạn) chia sẻ: “Giá vải rẻ không đủ công chăm sóc, phân bón nhưng tôi vẫn không thể chặt vải. Nếu chuyển sang cây khác, phải mất đến vài năm mới thu hoạch được và đầu ra chắc gì đã tốt hơn”.

Vải thiều đỏ đường, nông dân đỏ mắt - 5

Vải tươi được các thương lái Trung Quốc thu mua đóng gói đông lạnh

Giá vải tươi rẻ như mớ rau muống nhưng nhiều lò sấy của người dân thì lại bỏ không. Gia đình ông Trần Xuân Ngoạn (68 tuổi, Quý Sơn, Lục Ngạn) có hai lò sấy công suất 10 tấn/ ngày để rêu mọc từ 2 năm nay. Bởi vải sấy xuất chủ yếu sang Trung Quốc, thị trường này giá cả rất bấp bênh. “Vải sấy đầu vụ thường giá cao, người dân đổ xổ xây lò sấy, đến khi số lượng nhiều thì rớt giá thể thảm. Người đầu tư nhiều thì phá sản, đầu tư ít hoà vốn là may”, ông Ngoạn nói.

Ông Liêu Xuân Hoà, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều huyện Lục Ngạn cho biết thị trường tiêu thụ vải tươi chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm nay, có khoảng 200 thương lái Trung Quốc sang thu mua vải, họ mua chủ yếu vải loại 1 quả đẹp nhất.

“Để tìm đầu ra cho quả vải, giảm bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chúng tôi đang giới thiệu sản phẩm ra thị trường rộng hơn như Nhật, Mỹ, Singapre. Hiện tại, một công ty của Hunggary đang khảo sát để xây dựng nhà máy sản xuất rượu vải ở huyện Lục Ngạn”, ông Hoà nói.

Theo đánh giá của Sở NN&PT nông thôn Bắc Giang, sản lượng vải thiều huyện Lục Ngạn ước tính đạt 90.000 tấn. Trong tổng sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn có tới 40% được xuất khẩu sang Trung Quốc, còn lại 60% phân bổ ở thị trường nội địa và một số nước như Lào, Campuchia, Nhật Bản.

Theo Tất Định (Khampha.vn)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot