Dù thủ đoạn lừa đảo núp bóng công ty tài chính không mới nhưng khi nạn nhân bị cuốn vào guồng của những hội nhóm này thường răm rắp làm theo, liên tục chuyển khoản những số tiền lớn sau đó mới tá hỏa phát hiện bị lừa.
Mặc dù có nhiều lời cảnh báo về những hành vi lừa đảo trên mạng xã hội, nhưng không ít người vẫn “dính bẫy”. Mới đây, một bác sĩ lên tiếng cảnh báo về hoạt động lừa đảo núp bóng công ty tài chính mà chính mình đã bị lừa với số tiền lên đến 360 triệu đồng.
Theo đó, anh D.M.T (đang là bác sĩ tại Hà Nội) cho biết vì cần tiền nhưng ngại mượn người thân, đi vay ngân hàng sợ mất thời gian thẩm định, lãi cao, trong lúc vô tình thấy thông tin của một công ty tài chính tên S.H với lời quảng cáo hấp dẫn như: không mất thời gian thẩm định, lãi thấp, giải ngân nhanh…nên đã liên hệ đăng ký vay tiền.
Bài đăng chia sẻ về việc bị lừa số tiền 360 triệu đồng từ anh T.
Anh T. cho hay đã tiến hành kiểm tra thông tin công ty này thấy có mã số thuế nên mới yên tâm tin tưởng. Giải thích cho việc dễ dàng bị cuốn vào những hành vi lừa đảo khi vay tiền, anh T. chia sẻ do chưa nghe qua về thông tin này bao giờ.
“Chuyện lừa đảo khi vay tiền trên các đường link online không phải chuyện mới, nhưng nó mới với mình vì mình chưa đọc hay nghe bao giờ cả. Tối qua mình đã mất bay 360 triệu trong một nốt nhạc và đến giờ mình mới hoàn hồn để kể lại sự ngu dốt đến khó hiểu của mình cho mọi người” - anh T. tự trách bản thân.
Mọi chuyện ban đầu diễn ra trôi chảy, sau khi được nhân viên công ty S.H tư vấn và phê duyệt khoản vay thì những sự cố, lỗi nhằm mục đích lừa nạn nhân chuyển tiền bắt đầu. Anh T. cho biết khi bấm nút rút tiền từ ví điện tử của công ty S.H về tài khoản thì báo lỗi nhập sai số tài khoản. Chi phí để sửa lại số tài khoản cho đúng là 20 triệu đồng. Số tiền này sau đó sẽ được giải ngân cùng khoản vay.
Theo anh T., phía công ty tài chính lừa đảo rất bài bản khi có công văn đóng dấu đỏ đàng hoàng gửi đến anh để thực hiện yêu cầu chỉnh sửa thông tin số tài khoản. Vì vậy anh T. nghe theo và chuyển 20 triệu đồng như hướng dẫn.
Tiếp theo đó là liên hoàn lỗi liên quan đến nội dung chuyển khoản, mỗi lần ghi sai nội dung dù là một dấu cách hay ký tự, anh T. đều phải chuyển thêm tiền để nhờ chỉnh sửa lại. Lần này là 40 triệu đồng cho việc sai cú pháp chuyển khoản và anh T. tiếp tục gửi vào công ty S.H mà không biết đã bị lừa.
Tin nhắn yêu cầu chuyển tiền để sửa lỗi từ công ty tài chính
Anh T. cho biết phía công ty tài chính này đưa ra nội dung chuyển khoản rắc rối để nạn nhân dễ gõ nhầm, sau đó bắt lỗi từng chi tiết một để yêu cầu sửa, mỗi lần chỉnh sửa đều phải tốn khoản tiền vài chục triệu đồng. Ngoài ra, nhân viên của công ty này tung hứng với nhau rất bài bản, phân cấp từ nhân viên tư vấn lên đến quản lý. Đồng thời gây sức ép tâm lý lên khách hàng khi mắng té tát hay than phiền về việc liên tục sai sót gây ảnh hưởng đến hồ sơ vay tiền.
Những số tiền tăng dần từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng cho mỗi lần sửa lỗi sai
Sau khi nhận thông báo số tiền đủ cả khoản vay và 60 triệu đã chuyển, anh T. nhấn nút rút tiền trên ứng dụng của công ty thì tiếp tục “chiêu cũ” là báo lỗi. Liên hệ với nhân viên, anh T. nhận được câu trả lời rằng phải rút lần lượt, không được rút một lần. Và cái giá cho lỗi lần này là 100 triệu đồng với mục đích là “cho bên ngân hàng hay thuế má gì đó”.
“Mình răm rắp nghe lời, gọi điện khắp nơi mượn tiền với suy nghĩ trong đầu “Có rồi trả lại ngay cho bạn!”. Gọi cả cho mẹ Hoa mà mẹ hỏi mượn làm gì đấy xong cúp máy luôn.
Diễn biến sau đó cứ liên tục liên tục chuyện sai cú pháp rồi phải giải trình gì đó, D. và anh L. thay phiên nhau người đấm kẻ xoa không ngừng nghỉ còn mình thì cứ gọi vay rồi chuyển cho S.H thêm 2 lần 100 triệu nữa. Vậy là MÌNH CHUYỂN LIÊN TIẾP 5 LẦN TIỀN CHO S.H TRÊN MỘT SỐ TÀI KHOẢN CÁ NHÂN” - anh T. kể lại.
Những lần chuyển khoản với tổng cộng số tiền 360 triệu đồng của anh T.
Mọi chuyện chỉ thực sự kết thúc khi anh T. nhận thấy có vấn đề vì tiếp tục bị yêu cầu chuyển thêm 200 triệu nữa để giải ngân tiền. Tuy nhiên khi nhận ra đã quá muộn, số tiền anh T. muốn vay không nhận được và thậm chí mất thêm 360 triệu đồng cho những “giao dịch ma” với công ty tài chính.
Anh T. cho biết đã lên trình báo cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao về sự việc gặp phải. Tuy nhiên theo lực lượng chức năng, khả năng lấy lại được tiền rất thấp. Thậm chí anh T. còn bị phía công ty tài chính S.H gọi điện đe dọa, nếu không tiếp tục gửi thêm 200 triệu để giải ngân sẽ đến tận nhà xử lý người thân.
Anh T. cho rằng bản thân như bị thao túng tâm lý, răm rắp nghe theo những hướng dẫn của công ty tài chính và chuyển tiền mà không nghĩ ngợi gì nhiều, không nhận ra có vấn đề để phòng tránh từ sớm.
“Mình chia sẻ câu chuyện cùng nội dung tin nhắn, các lần chuyển khoản lên đây để mọi người biết đường mà tránh. Khi mình đọc lại mình còn không hiểu sao mình có thể ngu được đến mức đó cơ. Mẹ H. chửi quá trời chửi, bạn bè mắng quá trời mắng nhưng thề có trời có đất, mình như kiểu bị thôi miên, bị ai thao túng ý, đầu óc mình lúc đó chỉ có biết tìm cách vay tiền để chuyển cho đội kia thôi” - anh T. chia sẻ.
Lừa đảo chuyển tiền là hình thức không mới nhưng nhiều người vẫn "sập bẫy"
Tội phạm công nghệ cao lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội vốn là vấn đề không mới. Nhiều hình thức lừa đảo phổ biến như giả mạo các cơ quan, tổ chức yêu cầu chuyển khoản, mua các gói dịch vụ, cho vay tiền nhanh không cần thủ tục… Đánh vào tâm lý của nhiều người, có không ít vụ lừa đảo trót lọt với số tiền vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Đa phần nạn nhân bị cuốn vào những chiêu thức lừa đảo đều răm rắp nghe theo, chuyển tiền mà không suy nghĩ gì nhiều, đến khi đã mất một khoản lớn mới nhận ra thì đã quá muộn.
Chính vì vậy để tránh mất tiền oan, mỗi người cần nâng cao cảnh giác với những thông tin trên mạng xã hội, trình báo cơ quan Công an ngay khi có dấu hiệu bị lừa đảo…
Người dân cần cảnh giác với tội phạm công nghệ cao
Trên thực tế, cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, để xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng Internet. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường; trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân và không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.