Những bản giáp biên giới của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán sinh sống.
Dù cuộc sống hiện đại đã len lỏi về đây, song nhiều tập tục rất độc đáo vẫn được người dân giữ gìn qua năm tháng.
Cô dâu tự may đồ cưới, tự về nhà chồng
Tuyến biên giới của huyện Bình Liêu kéo dài từ giáp huyện Đình Lập (Lạng Sơn) đến huyện Hải Hà dài gần 40km. Có một điều rất lạ là dù huyện này có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, thế nhưng hầu như người dân đến định cư hình thành lên những thôn, bản giáp biên ở địa phương này lại chủ yếu là người dân tộc Dao Thanh Phán.
Thiếu nữ người dân tộc Dao Thanh Phán ở huyện Bình Liêu trong ngày Vu quy
Dọc đường từ xã Hoàng Mô xuyên lên xã Đồng Văn, anh Triệu Đình Sinh - người từng có nhiều năm làm lãnh đạo Phòng Dân tộc thuộc UBND huyện Bình Liêu, nay đang là lãnh đạo một xã trên địa bàn đã kể cho PV Báo Giao thông nghe về tục rước dâu độc đáo của dân tộc Dao Thanh Phán của mình.
Theo anh Sinh, trong ngày cưới của người Dao Thanh Phán, hầu như tất cả các hoạt động đều diễn ra ở nhà trai. Họ hàng, bạn bè bên nhà gái cũng đều được mời sang nhà trai dự. Bên nhà gái chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là chuẩn bị tâm thế cho cô dâu về nhà chồng vào đúng giờ đẹp mà thầy cúng đã chọn.
Căn cứ vào tuổi của cô dâu, thầy cúng sẽ chọn giờ đẹp để xuất giá. Đó là giờ không phạm vào bất kì điều cấm kỵ nào như: Không phải giờ khắc với bố mẹ, không bị tà ma chiếm đường, ngăn cản bước chân… Theo giờ đã chọn, nhiều cô dâu phải rời nhà mẹ đẻ của mình lúc nửa đêm, hoặc khi mờ sáng.
Có điều rất lạ là không giống như ngày cưới của người dân tộc khác, cô dâu người Dao Thanh Phán ở huyện Bình Liêu lại không được chú rể và nhà trai đến đón. Các cô dâu ở đây sẽ tự đi về nhà chồng.
Còn phía nhà gái, việc chuẩn bị cho một cô dâu người Dao Thanh Phán về nhà chồng khá kỳ công. Cô dâu phải tự tay làm 6 - 8 bộ áo quần trang phục cưới, nên thường đã được chuẩn bị từ 1 - 2 năm trước.
Những bộ quần áo này được mặc lồng vào nhau, cái trong dài hơn cái ngoài để lộ ra từng tầng, lớp quần áo. Ngoài ra, còn cài thêm những lớp khăn màu trắng, màu đỏ, đội hộp mũ màu đỏ mới nhất, phủ tấm khăn đẹp nhất.
Đến giờ đẹp, sau khi đã chuẩn bị xong trang phục, cô dâu bước ra khỏi cửa từ gian nhà chính. Mẹ (hoặc người thân của cô dâu) sẽ đưa cho cô ăn một chút cơm, với mong muốn là khi đi làm dâu nhà người phải no đủ.
Người phụ nữ gùi túi lưới đựng một chút gạo nếp, một chút gạo tẻ, bánh kẹo, rượu, thuốc… Người đàn ông gánh chăn, màn, các vật dụng cá nhân mà bố, mẹ sắm cho cô dâu.
Gần đến nhà chú rể, đoàn đưa dâu sẽ dừng lại ở một địa điểm mà thầy cúng chọn (người ngoài đoàn đưa dâu không được biết trước) để chỉnh trang lại trang phục cho cô dâu. Sau đó đoàn đưa dâu sẽ vào sân nhà trai, đến ở tại một cái lán dựng tạm, chờ đến giờ đẹp (do nhà trai chọn) để bước vào ngưỡng cửa và làm lễ bái đường, chính thức trở thành chồng, vợ.
Vợ chồng không bao giờ cãi vã, ly hôn
Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị Chíu Phương Chung đã xây dựng được căn nhà rất to
“Không tưng bừng, rộn rã như lễ đưa dâu của các dân tộc khác, cô dâu người Dao Thanh Phán về nhà chồng trong lặng lẽ với hành trang là những lời dặn dò của bố mẹ… Mặc dù chỉ mộc mạc vậy, nhưng ở gia đình người Dao Thanh Phán, hầu như không có chuyện vợ, chồng ly tán hay cãi vã nhau trong sinh hoạt dù cuộc sống khó khăn đến đâu”, anh Sinh khoe.
Chị Lài Thị Huệ, một người chuyên trang điểm cô dâu ở huyện Bình Liêu cho biết, vài năm trở lại đây, cuộc sống của bà con dân tộc Dao Thanh Phán khá giả hơn, nên ngày cưới, ngoài các tục truyền thống, nhà gái cũng xuống phố mời thợ trang điểm về đánh phấn, son, quay phim, chụp ảnh. Nhưng thủ tục cô dâu mặc 6 - 8 lớp quần áo, tự về nhà chồng thì vẫn như xưa.
Chị Chíu Phương Chung, cũng đã từng tự tay may 8 bộ quần áo, rồi tự về nhà chồng như thế, đang xây dựng căn hộ 2 tầng rộng chừng 70m2 ngay giữa thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Ban đầu lấy nhau, vợ chồng chị cũng khó khăn, phải ở trong căn nhà cấp 4.
Dần dà, được sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, chính quyền, vợ chồng chị trồng hồi, trồng quế, chăn nuôi... và tích lũy được vài trăm triệu đồng. Cách đây vài tháng, vợ chồng quyết định xây căn nhà gần 500 triệu đồng…
“Cái tục của đồng bào đã lấy nhau thì dù có khó mấy cũng không cãi vã hay bỏ nhau. Vì điều đó được nuôi dưỡng ngay từ thủa ấu thơ của mỗi người và được bố, mẹ dặn dò kỹ khi sang nhà chồng làm dâu. Mà không bỏ nhau thì cứ cặm cụi mà làm ăn thôi”, chị Chung vui vẻ kể.
Cuộc sống đổi thay nhờ có đường, có điện
Gia đình chị Chung là một trong những hộ dân của các điểm dân cư mới hình thành dọc tuyến vành đai biên giới huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Các điểm dân cư vùng biên này chủ yếu là người Dao Thanh Phán thực hiện chính sách di dân, bảo vệ biên giới chuyển đến.
Ông Chíu Văn Hạn, 76 tuổi, ở bản Phai Lầu, cùng là người dân tộc Dao Thanh Phán kể: Thủa đầu, khi bà con mới ra đây lập nghiệp, giao thông và cuộc sống rất khó khăn.
Nay đường giao thông được trải nhựa, điện được kéo về, trường học, nhà văn hóa được xây dựng. Cuộc sống của các hộ cứ thế ổn định lên, hộ nào cũng ở nhà kiên cố, có xe máy đi lại, ai cũng yên tâm gắn bó với quê hương mới…
Không chỉ khá giả, ở bản Phai Lầu còn có những người giàu. Ông Chíu Văn Vòng năm nay gần 70 tuổi ở trong căn nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi, có trang trại chăn nuôi rộng rãi. Ông Vòng kể, năm 1996, gia đình ông di cư từ vùng núi phía trong của xã Đồng Văn ra đây. Lúc mới đến, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Cách đây vài năm, ông Vòng tình cờ xem ti vi thấy mô hình nuôi dê hiệu quả, thế là bỏ vốn mua hơn chục con về thả. Khí hậu thuận lợi lại biết cách chăm, đàn dê của gia đình cứ thế lớn và sinh thêm được mấy chục con. Kết hợp với trồng lúa, trồng hồi, mỗi năm gia đình ông Vòng đã thu về từ 300 - 400 triệu đồng.
“Gia đình cũng đang tính mở vài căn homestay để phục vụ du khách muốn đến trải nghiệm về vẻ đẹp, nét độc đáo của cuộc sống vùng biên viễn”, ông Vòng cho hay.
Thiếu tá Phạm Bình Vọng, cán bộ thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Mô, huyện Bình Liêu cho biết, các bản người dân tộc Dao Thanh Phán ở khu vực biên giới huyện Bình Liêu đã và đang là chỗ dựa vững chắc của Bộ đội Biên phòng trong việc quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia trên địa bàn. Vì thế, đơn vị cũng đang chung tay, góp sức để giữ gìn bản sắc độc đáo của bà con để phục vụ phát triển du lịch.