Sóng gió gia tộc hàng không lớn nhất Hàn Quốc: Cả nhà dính bê bối bạo hành, chị em tranh quyền đoạt vị

Ngày 20/11/2022 00:08 AM (GMT+7)

Là một trong những chaebol đình đám bậc nhất Hàn Quốc nhưng gia tộc Korean Air lại gắn liền với quá nhiều bê bối.

Hãng hàng không Korean Air của Hàn Quốc bắt đầu hoạt động vào năm 1969 với 8 máy bay. Đến năm 1992, công ty được đưa vào tay Cho Yang-ho. Kể từ đó, ông đã biến Korean Air trở thành một trong những hàng hàng không lớn nhất châu Á. Theo số liệu thống kê đến năm 2019, tại thời điểm Cho Yang-ho qua đời, Korean Air đã khai thác 166 máy bay với các chuyến bay quốc tế đến 111 thành phố ở 43 quốc gia.

Ông Cho cũng là chủ tịch Hanjin Group, một tập đoàn vận tải toàn cầu gồm hàng chục công ty bao gồm cả hãng hàng không. Bên cạnh đó, ông là đồng chủ tịch của Hội đồng kinh doanh Hàn - Mỹ và phó chủ tịch của Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc.

Vươn lên đỉnh cao quyền lực, danh vọng ở xứ sở kim chi, gia tộc họ Cho cũng có bề dày bê bối, trở thành "miếng mồi" béo bở cho truyền thông mổ xẻ. Gia tộc này tai tiếng đến mức nhân viên Korean Air đã xuống đường biểu tình kêu gọi Chủ tịch Cho Yang-ho từ chức. Vào tháng 3/2019, ông bị cổ đông lật đổ khỏi hội đồng quản trị trong bối cảnh nhiều vụ bê bối liên quan đến các thành viên trong gia đình. Đây là lần đầu tiên thành viên sáng lập của một chaebol ở Hàn Quốc bị buộc rời khỏi hội đồng quản trị.

Sóng gió gia tộc hàng không lớn nhất Hàn Quốc: Cả nhà dính bê bối bạo hành, chị em tranh quyền đoạt vị - 1

Những bê bối bạo lực

Lùm xùm nổi tiếng nhất liên quan tới Korean Air có lẽ là vụ "hạt mắc ca nổi giận". Theo đó, vào ngày 5/12/2014, tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở thành phố New York, Mỹ, trên chuyến bay 086 của Korean Air, Phó chủ tịch Korean Air là Cho Hyun-ah, tức con gái của Chủ tịch Cho Yang-ho, đã không hài lòng với cách tiếp viên phục vụ đồ ăn.

Đại tiểu thư nhà họ Cho đã ra lệnh cho máy bay quay lại cổng ngay trước giờ cất cánh. Những hành khách trên khoang hạng nhất, bao gồm Cho Hyun-ah được phục vụ hạt mắc ca đóng gói theo quy trình của hãng. Tuy nhiên, cô Cho muốn được phục vụ hạt trên đĩa chứ không phải trong bao bì và quay sang quở trách nữ tiếp viên hàng không Kim Do-hee. Cô Cho còn gọi tiếp viên trưởng Park Chang-jin tới để khiếu nại.

Theo lệnh của Cho Hyun-ah, tiếp viên trưởng buộc phải quỳ gối xin tha thứ. Ái nữ nhà họ Cho còn liên tục dùng máy tính bảng đập vào các đốt ngón tay của tiếp viên trưởng Park rồi sa thải anh. Sau đó, cô yêu cầu phi hành đoàn quay lại cổng xuất phát và hoãn chuyến bay khoảng 20 phút.

Chủ tịch Cho Yang-ho

Chủ tịch Cho Yang-ho

Khi sự việc được công khai, Cho Hyun-ah và hãng Korean Air bị dư luận chỉ trích nặng nề. Bản thân vị đại tiểu thư này sau đó đã từ chức. Chưa dừng lại ở đó, Cho Hyun-ah còn bị tòa án kết tội cản trở an toàn hàng không và bị kết án 12 tháng tù, nhưng chỉ phải thụ án 5 tháng. 

Dường như đại tiểu thư Korean Air không chỉ bạo lực và phách lối với người ngoài. Đến năm 2019, cô bị tố bạo hành chồng. Khi ấy, Cho Hyun-ah và Park Jong-ju đang làm thủ tục ly hôn. Anh Park lên tiếng bị vợ hành hung và gửi nhiều hình ảnh đến tòa làm bằng chứng. Những bức ảnh cho thấy phần cổ, mặt và chân đều bị thương. Park Jong-ju tuyên bố anh bị vợ ném máy tính bảng vào người dẫn đến thương tích. Không chỉ bị hành hung về thể xác, Park Jong-ju còn bị bạo hành bằng lời nói thường xuyên. Anh đã cung cấp nhiều video cho thấy cảnh Cho Hyun-ah ném đồ, chửi bới thậm tệ trong nhà, ngay trước mặt con trai.

Park Jong-ju đã đệ đơn khiếu nại chống lại Cho Hyun-ah, tuyên bố anh bị tấn công thân thể 4 lần vào năm 2016. Ngoài ra, anh còn khai đại tiểu thư Korean Air hành hung các con mình. Năm 2020, tòa ra phán quyết Cho Hyun-ah phải nộp 30 triệu won (hơn 560 triệu đồng) tiền phạt vì hành hung chồng.

Sóng gió gia tộc hàng không lớn nhất Hàn Quốc: Cả nhà dính bê bối bạo hành, chị em tranh quyền đoạt vị - 3

Cho Hyun-ah

Cho Hyun-ah

Đâu chỉ cô cả mà cô út nhà họ Cho là Cho Hyun-min cũng từng bị tố cáo về hành vi ngang ngược của mình. Cụ thể, vào tháng 5/2018, Cho Hyun-min bị cáo buộc cản trở công việc kinh doanh và hành hung. Theo cáo buộc, cô hất một cốc nước ép vào nhân viên công ty đối tác tại cuộc họp. Vụ việc leo thang khiến hàng trăm nhân viên Korean Air xuống đường biểu tình, lên tiếng cáo buộc gia tộc này có hành vi sai trái với người lao động. Sự việc của Cho Hyun-min đã khiến bố mình, ông Cho Yang-ho phải muối mặt xin lỗi về "hành vi chưa trưởng thành" của con gái út.

Sau bê bối, cả 2 ái nữ nhà họ Cho đều rời khỏi vị trí tại tập đoàn Hanjin. Ngoài ra, ông Cho Yang-ho còn có một cậu quý tử là Cho Won-tae. Từ năm 2005, người này bị cáo buộc tấn công một phụ nữ lớn tuổi sau khi bà trách cứ anh ta lái xe ẩu. Đến năm 2017 thì Cho Won-tae vẫn thuận lợi leo lên ghế chủ tịch Korean Air.

Không chỉ những đứa con mà ngay cả phu nhân của ông Cho Yang-ho, bà Lee Myung-hee cũng từng bị tố bạo hành nhân viên. Theo đó, bà đã dùng lời lẽ thô bạo, đá, tát, ném kéo vào một số nhân viên của tập đoàn, chẳng hạn như tài xế, quản gia, công nhân xây dựng. Vào tháng 4/2018, ngay trước vụ bê bối của con gái út, MXH lan truyền đoạn video ghi lại cảnh bà Lee Myung-hee đẩy một nữ công nhân rất thô bạo và ném tài liệu xuống đất. Sau sự việc, bà đã phải cúi mặt nói lời xin lỗi trước truyền thông.

Phu nhân Lee Myung-hee

Phu nhân Lee Myung-hee

Cuộc chiến tranh quyền đoạt vị

Sau khi bị lật đổ khỏi hội đồng quản trị, Chủ tịch Cho Yang-ho qua đời vì bệnh phổi chỉ 2 tuần sau đó. Lúc bấy giờ, nhà tài phiệt 70 tuổi đang bị xét xử với tội danh tham ô và lạm dụng tín nhiệm. Cổ phiếu Korean Air đã tăng 8% sau khi tin tức về cái chết của ông Cho được lan truyền.

Cũng từ đây, nhiều người kỳ vọng Cho Won-tae sẽ lên kế vị người bố quá cố của mình. Tuy nhiên, chị cả Cho Hyun-ah không hài lòng với sự sắp đặt này. Cô thành lập một liên minh do quỹ đầu tư KCGI và công ty xây dựng Bando hậu thuẫn để giành giật tài sản với em trai. Họ kêu gọi Cho Won-tae từ chức với lý do khiến Korean Air liên tục lỗ lũy kế 1,74 nghìn tỷ won trong vòng 5 năm. Chị cả cũng cáo buộc cậu em thứ là không làm theo ý muốn của người bố quá cố, đó là để các thành viên trong gia đình cùng quản lý tập đoàn. Hai chị em họ Cho lôi kéo cổ đông, kéo bè kết phái tạo thành thế trận tranh quyền đoạt vị vô cùng nảy lửa.

Cho Won-tae

Cho Won-tae

Đến ngày 27/3/2022, tại cuộc họp cổ đông thường niên, Cho Won-tae vẫn chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ 56,67% và giữ vững chiếc ghế chủ tịch của mình.

Sau nhiều lùm xùm của gia tộc, đến thế hệ "cầm lái" của Cho Won-tae, Korean Air dường như đã khởi sắc hơn. Trong đại dịch COVID-19, hãng xoay trục thành công các hoạt động vận tải của mình, đạt được lợi nhuận trong suốt thời kỳ khủng hoảng. Năm 2021, Korean Air được vinh danh là Hãng hàng không của năm. Năm 2022, hãng trở thành nhà khai thác hàng hóa của năm. Tuy nhiên, những thành viên của gia tộc đình đám này chưa bao giờ được lòng công chúng.

Cô gái 11 tuổi đỗ ĐH Oxford, 17 tuổi thành tiến sĩ nhưng bị bố cấm đi chơi, lớn lên ra quyết định bất ngờ
Được bố nuôi dưỡng để trở thành thần đồng nhưng phần lớn cuộc đời người phụ nữ này lại diễn ra theo cách không ngờ nhất.

Nhân vật

BẢO LINH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h