Khác với những ngày rằm khác được cúng đúng ngày nhưng riêng với rằm tháng 7, mọi nhà phải nên cúng trước đó hàng tuần hoặc vài hôm. Tại sao lại như vậy?
Tháng cô hồn được bắt nguồn từ Đạo giáo của người Trung Quốc với quan niệm rằng: Từ ngày 2/7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ bắt đầu mở Quỷ Môn Quan cho quỷ đói được trở về dương gian. Sau đó cánh cửa sẽ đóng lại đúng vào đêm 14/7 Âm lịch. Vào khoảng thời gian này người dương nên cúng cháo, gạo… để quỷ đói không nhũng nhiễu và quấy phá cuộc sống của mình.
Ở Việt Nam, việc cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác. Người Việt cho rằng con người bao gồm 2 phần đó là hồn và xác. Khi mất đi nhưng phần hồn vẫn còn tồn tại, có người được đầu thai chuyển kiếp nhưng có người bị đày vào địa ngục làm quỷ đói nhũng nhiễu dương gian.
Hàng năm vào tháng cô hồn tùy vào từng phong tục tập quán từng vùng sẽ có những nghi lễ và cách thức cúng khác nhau.
Cúng rằm tháng 7 là phong tục bao đời của người Việt. Ảnh minh họa
Trong văn hóa người Việt, rằm tháng 7 không chỉ là ngày rằm thông thường mà nó còn là ngày Xá tội vong nhân và đồng thời là ngày lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ.
Chính vì thế mà vào ngày này, người Việt rất coi trọng việc thờ cúng để cầu cho cả gia đình bình an, xua đuổi mọi vận xui đeo bám. Họ quan niệm, nếu lễ cúng thực hiện vào chính ngày rằm tháng 7 sẽ không tốt. Bởi khi ấy, sẽ có rất nhiều vong hồn được "thả" đi lang thang. Tổ tiên và người nhà của họ ở thế giới bên kia sẽ có thể không nhận được gì của con cháu cúng tế.
Thông thường, người Việt sẽ cúng rằm tháng 7 vào khoảng thời gian từ ngày 2/7 - 14/7 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, những vong hồn có người cúng tế thì được về trần gian thọ hưởng vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm. Trong khi đó, những vong hồn không có con cháu dương trần cúng tế thì sẽ phải trở về vào ngày 14/7. Do vậy, nhiều gia đình cúng rằm tháng 7 và cúng cô hồn trước ngày 15/7 âm lịch.
Gia chủ có thể chọn một ngày phù hợp và thuận tiện nhất cho gia đình mình (miễn là trước 12 giờ đêm ngày 15/7) làm mâm cỗ cúng mời thần linh, gia tiên về thụ hưởng lễ vật do con cháu dâng lên.
Hầu hết mọi nhà đều không cúng thổ công, gia tiên, ông bà đúng ngày chính rằm tháng 7. Ảnh minh họa.
Trong mùa lễ Vu lan có thể cúng theo trình tự như sau: Cúng gia tiên vào ban ngày, sau đó làm lễ phóng sinh. Tiếp theo là cúng chúng sinh cho các vong hồn lang thang, đói khát. Cúng chúng sinh thì nên cúng vào buổi chiều tối và nên cúng ở bên ngoài cổng, không cúng chúng sinh trong nhà.