Viêm da tiếp xúc vào mùa sớm

Ngày 10/04/2013 09:29 AM (GMT+7)

Số bệnh nhân viêm da tiếp xúc do côn trùng bắt đầu tăng lên, trong khi mọi năm phải vài tháng nữa mới vào mùa của bệnh này.

Nhầm lẫn giữa viêm da tiếp xúc do côn trùng với zona thần kinh

Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc, BV Da liễu cho biết, mấy ngày gần đây số bệnh nhân đến khám và điều trị viêm da tiếp xúc bắt đầu tăng lên. Nếu như trước đây bệnh này chỉ xuất hiện vài rác, tuần có vài ca thì hiện giờ tăng lên khoảng 10% số bệnh nhân đến khám. Bác sĩ Hùng nhận định, so với mọi năm thì năm nay bệnh viêm da tiếp xúc vào mùa sớm hơn một vài tháng.

Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân bị tổn thương da nặng do dùng thuốc sai vì lầm tưởng bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng với bệnh zona thần kinh. Người dân cứ thấy xuất hiện các mụn phồng rộp, đỏ liền cho rằng mình bị zona thần kinh và tự đi mua thuốc kháng virus về uống. Việc uống thuốc sai càng làm cho tổn thương trầm trọng hơn, có người bị biến chứng nhiễm trùng da nặng.

Trường hợp của bệnh nhân Nhung ở Đống Đa, Hà Nội vừa mới khám là ví dụ điển hình cho việc nhầm lẫn giữa bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng với bệnh zona thần kinh. Sáng ra, ngủ dậy chị Nhung thấy ngứa ở cánh tay phải. Sau phản xạ đưa tay lên ngãi, chỗ ngứa bỗng sưng nề và hơi đỏ. Đến trưa, chỗ ngứa trên da xuất hiện những mụn nước nhỏ, đau rát rất khó chịu. Chị ra hiệu thuốc gần nhà chị được người bán hàng cho biết bị zona thần kinh và bán cho thuốc uống và bôi. Tuy nhiên, uống đến 4 ngày thuốc bệnh tình của chị Nhung vẫn không đỡ, vùng da tổn thương trên cánh tay càng phồng rộp, mụn nước ngả màu vàng như mủ. Đến lúc này đi khám tại BV Da liễu Hà Nội chị mới biết mình bị viêm da tiếp xúc do côn trùng, chứ không phải mắc bệnh zona thần kinh.

Viêm da tiếp xúc vào mùa sớm - 1
Trường hợp của bệnh nhân Nhung ở Đống Đa, Hà Nội vừa mới khám là ví dụ điển hình cho việc nhầm lẫn giữa bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng với bệnh zona thần kinh.

Theo BS Hùng, trường hợp nhầm lẫn giữa hai bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng và bệnh zona thần kinh như chị Nhung không hề hiếm. Nhận biết hai căn bệnh này không hề khó nhưng lại dễ bị nhầm do người bệnh chủ quan không đi khám ngay từ đầu mà thường tự chẩn đoán và điều trị tại nhà. Việc chẩn đoán nhầm khiến người bệnh bị tốn kém, việc điều trị phải kéo dài do vùng da bị tổn thương, hoại tử nặng.    

Dấu hiệu phân biệt

Viêm da tiếp xúc do côn trùng và zona thần kinh hoàn toàn khác nhau về cơ chế gây bệnh và thuốc điều trị khác nhau.

Người bị viêm da tiếp xúc do côn trùng sẽ bị ngứa, rát chỉ sau vài phút tiếp xúc với côn trùng. Sau khi tiếp xúc với chất tiết của côn trùng, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng bệnh đột ngột vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy ở vùng ở như cổ, tay, chân, mặt …(có tới 60% bệnh nhân xuất hiện bệnh vào buổi sáng). Ban đầu, chỉ thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ một vùng da.

Sau 6-12h vùng da đó đỏ cộm thành vệt và xuất hiện những mụn nước to nhỏ không đều từ 1-5mm. 1-3 ngày mụn nước chuyển sang màu vàng nhạt giống như mụn mủ (mụn nước ở bệnh zona thần kinh không ngả vàng). Người bệnh có cảm giác bỏng rát, ngứa, mức độ ngày càng tăng dần. Có người bệnh bị tổn thương nặng, vết phồng rộp lên như bỏng, hoại tử da. Thủ phạm gây bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng thường là bướm, bọ và gần đây nhất là kiến ba khoang.

Người bị zona thần kinh thường xuất hiện triệu chứng nhức đầu, sốt nhẹ, đau nhức dọc theo dây thần kinh vùng da chuẩn bị thương tổn. Các mụn nước tại các vết sưng, nề trên da thường liên kết tạo thành chùm, màu trắng, gây đau, rát chứ không ngứa. Đặc biệt, người bị zona thần kinh các vết tổn thương chỉ xuất hiện ở một bên người, kèm theo có hạch vùng tổn thương. Ví dụ, nếu bị tổn thương ở mặt sẽ có hạch ở cổ, tổn thương ở tay sẽ có hạch ở nách.

Bệnh zona thần kinh thường gặp ở những người trước đó đã bị thủy đậu, sau đó virus di chuyển đến sống tiềm ẩn tại các hạch cảm giác ở thần kinh vùng thắt lưng (người lành mang virus). Khi cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi, căng thẳng hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như bệnh lao, AIDS … thì virus sẽ theo đường thần kinh gây bệnh zona thần kinh.

Với người bị viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng ngay sau khi phát hiện bị lấy bông hoặc gạc sạch thấm vào nước lạnh hoặc nước muối pha loãng rửa nhẹ khu vực da tổn thương. Mục đích là làm loãng và trôi tiết dịch của côn trùng gây bệnh. Tuyệt đối không được gãi, chà mạnh chỗ sưng, phồng, không dùng nước xà phòng rửa vì càng làm tăng kích ứng da.

Sau đó, bôi dung dịch làm mát da, tốt nhất là hồ nước, bệnh sẽ khỏi sau 2-3 ngày. Người bị nặng hơn với các vết phồng to, vùng da tổn thương lớn, xuất hiện các vết lở loét do gãi thì nên đến BV khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ nhỏ, da trẻ mỏng rất dễ bị tổn thương và mắc bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng. Vì thế, để phòng bệnh cha mẹ khi cho bé đi chơi nên tránh xa ánh đèn điện, mặc quần áo dài tay. Phòng bệnh trong nhà bằng cách đóng cửa buổi tối, buông rèm, hạn chế thắp điện hoặc dùng lưới chống muỗi, côn trùng.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm da tiếp xúc