Trong khi hàng triệu người dân Việt Nam đang còn xé lòng vì dịch bệnh sởi thì hàng loạt dịch vụ ăn theo, trong đó là tin nhắn cực kỳ phản cảm của tổng đài nhà mạng Vinaphone quảng cáo mời khách hàng vào xem clip về dịch sởi, khiến dư luận phẫn nộ.
Chỉ là sơ suất?!
Ngày 22/4/2014, hàng triệu khách hàng của nhà mạng Vinaphone liên tục có những phản ánh đến báo Đời sống và Pháp luật về việc họ đồng loạt nhận được tin nhắn từ đầu số 18001091 có nội dung:"Bé trai 8 tuổi chết bất ngờ tại viện Nhi". "Hơn 10.000 ca mắc sởi trên khắp cả nước" đang là những clip thu hút nhiều người xem nhất hiện nay. Soạn ngay DK VCLIP gửi 9234 (miễn phí 7 ngày đầu, cước phí sau KM 5.000 đồng/1 tuần)".
Chị Hằng, cán bộ văn phòng quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bức xúc: "Vốn dĩ, tôi đã không hài lòng việc các nhà mạng làm phiền khách hàng bằng những tin nhắn quảng cáo không đáng có. Vậy mà, chiều 22/4 vừa qua, trong khi đang ngồi cập nhật thông tin về dịch sởi với một số bạn bè, tôi nhận được tín hiệu tin nhắn từ điện thoại. Mở ra đọc, không chỉ tôi mà những người bạn xung quanh đều tỏ ra phẫn nộ". Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Khánh Toàn, 23 tuổi, nhân viên kinh doanh làm việc ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Việc bất chấp lợi nhuận, kiếm tiền từ nỗi đau của người khác là hết sức vô nhân đạo". Ngay sau khi nhận được tin nhắn có nội dung phản cảm của Vinaphone, anh Toàn đã cắt số điện thoại đang dùng và chuyển sang sử dụng mạng di động khác.
Rất nhiều người bày tỏ quan điểm, không đồng tình ngay khi nhận được tin nhắn, bởi đó không chỉ đơn giản là hành vi tranh thủ kiếm tiền mà nó còn thể hiện đạo đức kinh doanh của cả một doanh nghiệp. Ngay cả cái chết thương tâm của một bé trai vì dịch sởi, đợt dịch nguy hiểm mà cả xã hội đang vào cuộc để chống chọi cũng đã bị doanh nghiệp này lôi vào vòng xoáy tận thu kinh doanh của mình. Chuyên gia xã hội học Hoàng Thị Nga cho rằng: "Dường như đây là chiêu trò vì mục đích kinh tế nhiều hơn là thái độ và trách nhiệm với cộng đồng". Trong khi dịch sởi bùng phát, các nhà mạng khác đều có những tin nhắn cảnh báo, tuyên truyền về cách phòng tránh dịch sởi thì Vinaphone lại đưa quảng cáo mang tính chất "câu view", tăng lợi nhuận cho mình.
Ngay sau những phản ánh dữ dội từ phía khách hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến yêu cầu "bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, làm rõ và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nghiêm túc báo cáo Thủ tướng". Trả lời báo giới sau đó, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng cục Phát thanh truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc quảng cáo của nhà mạng Vinaphone là vô cùng phản cảm và Cục sẽ xử lý nghiêm.
PV báo ĐS&PL đã có liên hệ với đại diện Vinaphone, tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời mang tính đối phó và quanh co. Bà Nguyễn Thu Hồng, đại diện phát ngôn của Vinaphone cho biết: "Ngày 22/4/2014, với mục tiêu hỗ trợ và cảnh báo khách hàng về cách phòng chống bệnh sởi, Vinaphone đã đăng tải các thông tin cập nhật về tác hại cũng như các hướng dẫn phòng chống bệnh sởi trên cổng dịch vụ video Vclip. Tuy nhiên, do sơ suất trong quá trình soạn tin nhắn quảng bá nên tiêu đề các video clip được trích dẫn không phù hợp gây phản cảm,hiểu lầm tới khách hàng".
Tin nhắn của Vinaphone quảng cáo về dịch sởi bị cho là phản cảm khi thu lợi nhuận từ nỗi đau của cả xã hội. ảnh Tuổi trẻ.
Vinaphone có thể bị kiện?
Lý giải là hỗ trợ khách hàng nhưng việc Vinaphone lại thu phí với những câu chữ gợi sự vô lương tâm trong quảng cáo, việc làm này còn là một sự coi thường đối với các "thượng đế". Chưa kể đến con số hơn 10.000 ca mắc sởi trong tin nhắn này là hoàn toàn không chính xác, gấp hơn hai lần con số thực tế bệnh nhân mắc sởi trên cả nước mà Bộ Y tế ghi nhận tại các bệnh viện, gây hoang mang lo sợ cho người dân. Dư luận sẽ nghĩ sao về cách thể hiện trách nhiệm với xã hội rất phản cảm này? Có lẽ chỉ Vinaphone mới hiểu.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Trong tình huống này, Vinaphone đã hành xử thực sự thiếu chuyên nghiệp và không tinh tế. Lý do đưa ra rằng do sơ suất, chưa kiểm duyệt cẩn trọng chỉ là nguỵ biện. Vinaphone là một trong những nhà mạng ra đời sớm nhất và có đông đảo khách hàng. Với "cái tầm" như thế, khi bệnh sởi đang lây lan trên diện rộng, đáng lẽ ra, đơn vị này phải nhận thức được rằng mình cần có trách nhiệm chung tay cùng xã hội, cùng Bộ Y tế làm sao hạn chế được dịch sởi, đưa đến cho người dân những thông tin chuẩn mực để biết cách phòng tránh.
Luật sư Ứng phân tích, nếu động cơ của Vinaphone cùng hướng đến với các nhà mạng là cung cấp thông tin cảnh báo miễn phí thì thật đáng quý. Làm như vậy, vừa là chung tay với cộng đồng xã hội nhưng cũng vừa là dịp để quảng bá hình ảnh của mình. Tuy nhiên, việc gửi tin nhắn quảng cáo, mời gọi xem clip về dịch sởi cùng cái chết do sởi của cháu bé 8 tuổi cho dịch vụ thu phí như trên lại gây phản ứng dây chuyền, bức xúc trong dư luận. Rõ ràng, so với các nhà mạng khác đang cung cấp thông tin miễn phí cảnh báo dịch sởi thì việc làm của Vinaphone không còn là câu chuyện nhầm lẫn, sơ suất nữa. Với những gì nhà mạng này thể hiện thì cho thấy, họ nhằm mục đích kinh doanh và đặt mục đích kinh tế lên hàng đầu chứ không phải mong muốn đưa ra thông tin cảnh báo.
Điều thứ hai cần bàn, theo luật sư Bùi Đình Ứng, clip mà Vinaphone đưa ra là những hình ảnh đau xót về cái chết của cháu bé có thể sẽ ảnh hưởng đến tinh thần người xem. Nó giống như việc vừa qua nhiều người phản ứng với việc kêu gọi bảo vệ tê giác nhưng lại đưa những hình ảnh máu me, rùng rợn. Trong trường hợp của Vinaphone, nếu nhà mạng nói, mục đích là cung cấp thông tin hữu ích đến cộng đồng thì cũng vẫn bộc lộ ra tính thiếu chuyên nghiệp trong việc lựa chọn tư liệu.
Cũng theo luật sư Ứng, trong trường hợp nếu Vinaphone sử dụng hình ảnh của cháu bé 8 tuổi bị tử vong nhưng chưa được sự cho phép thì gia đình cháu có quyền khởi kiện. Nhà mạng đã sử dụng hình ảnh nhạy cảm mang một nỗi đau thương sâu sắc để mời gọi khách hàng gửi tin nhắn xem clip và thu phí nên có thể sẽ vi phạm quy định về sử dụng trái phép hình ảnh khi chưa được sự đồng ý. "Với những phân tích trên, có thể thấy, Vinaphone đã thể hiện sự thiếu thận trọng và có thể nhà mạng sẽ phải đối mặt với những tranh chấp về pháp lý", vị luật sư này nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng có thể khởi kiện
Một chuyên gia xin giấu tên nêu ý kiến: Nếu bản thân cơ quan bị đưa tên trong tin nhắn là Bộ Y tế và Bệnh viện Nhi Trung ương thì cơ quan này hoàn toàn có thể khởi kiện, vì đây được coi là hành vi làm ảnh hưởng và bêu xấu hình ảnh của các cơ quan, đơn vị mình.